Vấn nạn tự tử của người trẻ Nhật Bản
Bài: Hoàng Thiên
Apr 16, 2020
cover: Yuris Alhumaydy @unsplash
Khi xã hội ngày càng phát triển, áp lực và những dồn ép sản sinh bao trùm lên toàn bộ xã hội, không chừa một ai. Nếu trước đây, người ta còn có thể nói câu: “trẻ con chỉ biết ăn ngủ, vô ưu vô lo” thì có thể bây giờ, câu nói này không còn đúng nữa. Điển hình là việc tỉ lệ tự tử của người trẻ ở Nhật có dấu hiệu tăng lên qua 3 năm liên tiếp.
Ở Nhật Bản, tự tử (自殺 - jisatsu) được xem là một vấn nạn lớn của quốc gia. So với các nước khác trên thế giới, số người tự tử hàng năm ở Nhật Bản khá cao. Tuy nhiên, sau khi chính phủ nhận ra vấn đề và áp dụng một số biện pháp tức thời, số người tự tử theo thống kê đã giảm qua từng năm. Năm 2003, có hơn 34.000 người tự tử, và con số này đã giảm xuống còn khoảng 20.000 người vào năm 2019.
Tuy nhiên, trong khi số người tự tử giảm xuống qua các năm thì một yếu tố khác lại tăng lên. Đó chính là độ tuổi những người tự tử lại ngày càng giảm xuống, đặc biệt là người trẻ dưới 20 tuổi.
Những con số gây sợ hãi
Thống kê trong năm 2017 cho thấy, có 2,6% số người tự tử là thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Trong hai năm kế tiếp, con số này không những không giảm đi mà còn tăng lên. Cụ thế, năm 2018 là 2,8% (tăng 0,2%) và 2019 là 3.2% (659 trường hợp tự tử dưới 20 tuổi trên tổng số hơn 20.000 người).
Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất có số lượng thanh thiếu niên dưới 20 tuổi tự tử tăng qua mỗi năm. Các quốc gia phương Tây khác như Mỹ hay các nước Châu Âu đều đối mặt với vấn đề này.
Nguyên nhân gây ra cái chết trẻ
Các cuộc khảo sát tại Nhật cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ý nghĩ tự tử của đối tượng thanh thiếu niên. Các nguyên nhân chủ yếu đến từ trường học và các mối quan hệ xã hội. Nhóm đối tượng tiểu học - trung học cơ sở sẽ chịu tác động bởi: chuyện trường lớp, học hành, các mối quan hệ với người thân trong nhà hoặc quan hệ xã hội khác. Nhóm đối tượng trung học phổ thông - đại học sẽ bị tác động bởi: nguyện vọng tương lai, ước mơ, dự định sau khi tốt nghiệp.
Mỗi nhóm đối tượng có những yếu tố tác động khác nhau nhưng nhìn chung có 2 nguyên nhân chính.
Chuyện học đường
Khảo sát được thực hiện bởi Sách trắng (bản báo cáo hoặc bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền với mục đích giúp người đọc hiểu về một vấn đề, giải quyết một vấn đề hoặc ra một quyết định) được thực hiện năm 2019 cho thấy, trong số 568 người trẻ ở Nhật tự tử (2018) thì có đến 188 người tự tử bởi các vấn đề liên quan đến trường học. Trước khi các đối tượng tự tử thường để lại những bức thư tuyệt mệnh hoặc những thứ khác có đề cập đến những vấn đề xảy ra nơi trường học. Điều này cho thấy, trường học đã tác động một phần không hề nhỏ đối với cuộc sống, suy nghĩ của học sinh, sinh viên.
Vấn đề trường học gồm có gì?
Dù là Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào, bạo lực học đường là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra và không có gì cam đoan rằng tình trạng này sẽ chấm dứt. Số trường hợp bắt nạt xảy ra trong môi trường học khá cao: gần 324.000 trường hợp, trong đó bắt nạt cấp tiểu học chiếm tỉ lệ cao nhất (73%). Cũng chính vấn nạn này là yếu tố đẩy các thanh thiếu niên vào con đường cùng, nếu không được phát hiện kịp thời, tự tử chính là sự lựa chọn của các em ấy.
Không chỉ thế, áp lực về điểm số học tập, sự kỳ vọng của gia đình thầy cô với thành tích hay việc quyết định con đường tương lai sẽ học tại đâu, làm gì cũng là những tố đè nén, dồn ép lên các đối tượng này. Học sinh sinh viên đều là những đối tượng trẻ, ít tuổi đời, việc bị dồn nén nếu không được phát hiện kịp thời sẽ khiến các em dễ nghĩ quẩn.
Các mối quan hệ với gia đình
Trong ngành xã hội học, gia đình là là thành tố cơ bản của cấu trúc xã hội và thực hiện chức năng để duy trì sự thích nghi và ổn định của xã hội. Do đó, gia đình đã vẫn và luôn đóng vai trò quan trọng đối với cuộc đời của một người. Một người từ khi sinh ra thì gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, vậy nên sự tồn tại và những biến đổi trong gia đình tác động không hề nhỏ đến mỗi cá nhân, không ngoại lệ các thanh thiếu niên dưới 20 tuổi.
Sự căng thẳng trong quan hệ giữa ba mẹ (gia đình hạt nhân) hoặc những mối quan hệ khác với người thân (gia đình lớn) hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm lý của đối tượng thanh thiếu niên. Chẳng hạn đứa trẻ lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ luôn căng thẳng, cãi cọ hoặc cha mẹ quan tâm không đúng cách, qua thời gian sẽ hình thành một số chướng ngại tâm lý, nếu không được phát hiện và giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến một cái kết đau thương.
Ông Yukio Saito, cựu chủ tịch Hiệp hội phòng chống tự tử Nhật Bản cho biết: "Những người trẻ tuổi luôn cảm thấy bất ổn trong các mối quan hệ. Các em ấy cảm thấy khủng hoảng khá nhanh và sâu sắc nhưng lại không đủ kinh nghiệm để vượt qua những khủng hoảng ấy."
Nhìn chung, vấn nạn trường hợp người trẻ ở Nhật tự tử gia tăng giống như một bài toán đã biết cách làm nhưng giải không ra đáp số. Chúng ta tìm được nguyên nhân, biết hiểu được phương pháp nhưng vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà bỏ cuộc, bởi nếu một ngày người ta vẫn còn ý thức được sự tồn tại cũng như sự quan tâm, chia sẻ của mình có tác động đến cuộc sống của một người khác thì đừng dừng lại. Hãy bao dung hơn, mở lòng hơn và đừng buông tay họ, những con người tuyệt vọng đến độ tìm đến cái chết khi còn quá trẻ.
kilala.vn