Vừa qua, lô hàng 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan bị thu hồi tại Nhật Bản Bản do ghi nhãn phụ không đầy đủ và có chứa chất phụ gia acid benzoic. PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã có một số chia sẻ về vấn đề này.
Acid benzoic là gì?
Acid benzoic là axit nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc.Khi các phân tử axit benzoic khuếch tán vào bên trong tế bào vi sinh vật nấm men và nấm mốc, nó sẽ tác động lên một số enzyme, gây hạn chế sự trao đổi chất, làm ức chế quá trình hô hấp của tế bào, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn.
Ngoài tương ớt, axit benzoic còn được dùng trong các thực phẩm khác như sữa lên men, quả ngâm giấm, hoa quả ngâm đường, các loại sản phẩm nước trái cây, rau thanh trùng, bánh kẹo.
Acid benzoic được phép dùng trong chế biến thực phẩm
Acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), trong đó, Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm (tại Việt Nam, benzoic acid được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt). Hàm lượng acid benzoic trong tương ớt Chin-su chỉ ở mức 0,41 - 0,45g/kg, thấp hơn tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần, không gây chết người như lời đồn.Tại các thị trường mà Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan đang xuất khẩu trực tiếp và rộng rãi (Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan), quy định tối đa về hàm lượng benzoicacid trong tương ớt cũng là 1g/kg, tương tự như quy định của Bộ Y tế Việt Nam và Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Tuy nhiên, tại Nhật bản lại không cho phép dùng chất phụ gia này trong tương ớt mặc dù một số sản phẩm khác được dùng như trứng cá caviar, bơ thực vật, nước ngọt hay nước tương.
Xem thêm:Danh sách vật dụng/ nguyên liệu cấm nhập cảnh vào Nhật
“Ngược lại, phụ gia mà Nhật cho phép sử dụng trong tương ớt là Nisin tuy nằm trong danh mục phụ gia cho phép của Việt Nam và Codex nhưng chỉ cho dùng với một số sản phẩm liên quan đến sữa lên men, pho mát và không được phép dùng trong tương ớt. Như vậy, nếu tương ớt Nhật bản nhập vào Việt nam có dùng Nisin thì cũng không được phép nhập khẩu. Do đó, việc nghiên cứu và tìm hiểu về quy định các phụ gia được phép sử dụng cũng như ghi nhãn mác cần tuân thủ nghiêm ngặt khi vào các thị trường xuất khẩu mới”