Tầm soát 3 loại ung thư đặc trưng ở phụ nữ

Bài: Tiến sĩ – Bác sĩ Phạm Nguyên Quý
Jun 3, 2019

Hình: PIXTA

Phụ nữ với công việc gia đình và dạy dỗ con cái thường ít có thời gian chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Với sự quan tâm của cộng đồng về bệnh ung thư, bài viết này tóm lược những kiến thức về tầm soát giúp phát hiện sớm các loại ung thư đặc trưng ở phái đẹp. Hiểu các nguy cơ liên quan đến các bệnh ung thư này là bước đầu tiên để bảo vệ bạn và những người xung quanh bạn. 
tầm soát ung thư ở phụ nữ Nhật

1. Ung thư vú

Ung thư vú là một trong những ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Việt Nam với 15.229 ca mắc mới mỗi năm, chiếm 20.6% tổng số ca ung thư ở nữ giới (theo Globocan 2018). 

Nhiều yếu tố nguy cơ của ung thư vú liên quan tới thời gian tiếp xúc với hormone estrogen, bao gồm:
* Nữ giới trên 50 tuổi.
* Đã từng mắc ung thư vú.
* Không có con hoặc có con đầu lòng sau 30 tuổi.
* Không nuôi con bằng sữa mẹ.
* Nhiễm phóng xạ vùng ngực.
* Mãn kinh muộn (sau 55 tuổi).
* Dùng liệu pháp thay thế hormone kết hợp liên tục nhiều năm.
* Uống nhiều rượu bia.
* Béo phì hoặc thừa cân; dậy thì sớm (trước 12 tuổi). 

tầm soát Ung thư vú

Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có thể gây bệnh ung thư vú. Khoảng 5% ca ung thư vú là do di truyền mà đột biến ở gen BRCA1 và BRCA2 là phổ biến nhất. Nếu có nhiều hơn 2 người trong trực hệ gần (cha mẹ, anh, chị, em ruột và con ruột của bạn) bị ung thư vú, đó là dấu hiệu cho thấy đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 có thể di truyền trong gia đình. Có người trực hệ gần bị ung thư vú trước 50 tuổi cũng là một dấu hiệu cảnh báo khác. 

Nhiều ca ung thư vú được phát hiện sớm qua tầm soát. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Nhật Bản đưa ra những hướng dẫn tầm soát ung thư vú như sau.  

Phụ nữ lứa tuổi 40-44: Nên cân nhắc lựa chọn bắt đầu sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng việc chụp nhũ ảnh nếu có nguyện vọng.

Phụ nữ lứa tuổi 45-54:  Nên chụp nhũ ảnh mỗi năm.

Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên: Nên chuyển sang nhũ ảnh mỗi 2 năm, hoặc có thể tiếp tục xét nghiệm này hàng năm.

Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn vì yếu tố di truyền nói trên có thể cần phải khởi động tầm soát sớm hơn, bằng một số phương pháp khác như MRI. Vì đây là những xét nghiệm tốn kém, hãy thảo luận với bác sĩ về nguy cơ bị ung thư vú và lên kế hoạch sàng lọc tốt nhất cho chính mình. goài ra, phụ nữ cũng nên nắm bắt trạng thái thông thường của bộ ngực của mình, cảm nhận và báo cáo những thay đổi ở vú cho nhân viên y tế càng sớm càng tốt. Việc điều trị sẽ dễ dàng hơn và hiệu quả hơn khi ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm. 

2. Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung bắt nguồn từ cổ tử cung, là nơi thấp nhất của tử cung mở vào âm đạo. Tại Việt Nam, dù không nằm trong 5 loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung lại là ung thư phụ khoa phổ biến thứ hai (sau ung thư vú) với tỉ lệ mắc bệnh trung bình 11.5 ca/100.000 người/năm theo Globocan 2018).

Yếu tố nguy cơ chính gây ung thư cổ tử cung thường liên quan đến bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục (STIs) bao gồm viêm nhiễm do virus sinh u nhú ở người (HPV), herpes, lậu và chlamydia. Chúng thường liên quan với việc: 
* Bắt đầu có quan hệ tình dục từ sớm (trước 18 tuổi)
* Có nhiều bạn tình. Ngay cả khi không có nhiều bạn tình, nếu bạn tình có quan hệ với nhiều phụ nữ trước đó thì nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cũng cao hơn.
* Mắc bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs) hoặc bạn tình mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
* Hút thuốc.

tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung

Cần chú ý rằng ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm và giai đoạn tiền ung thư thường không có triệu chứng và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Nhật Bản đưa ra hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung để phát hiện sớm như sau:

Phụ nữ lứa tuổi 21-29: Nên làm xét nghiệm phiến đồ âm đạo (Pap smear) 3 năm một lần. Xét nghiệm chẩn đoán virus Papilloma ở người (HPV) không nên tiến hành ở độ tuổi này và chỉ cân nhắc nếu kết quả Pap smear bất thường.

Phụ nữ lứa tuổi 30-65: Nên làm xét nghiệm Pap smear kèm theo xét nghiệm HPV 5 năm một lần. Đây là phương pháp được đề nghị nhiều, nhưng lựa chọn chỉ lặp lại Pap smear sau mỗi 3 năm cũng không tồi.

Phụ nữ trên 65 tuổi: Nếu đã làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung đều đặn trong 10 năm qua với kết quả bình thường thì không cần tiếp tục nữa. Những người đã từng bị chẩn đoán có tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung nên tiếp tục xét nghiệm tầm soát trong vòng ít nhất là 20 năm sau ngày chẩn đoán đó, ngay cả khi đã hơn 65 tuổi.

Lưu ý rằng phụ nữ đã chủng ngừa HPV vẫn nên tuân theo đề nghị tầm soát phù hợp với độ tuổi của mình.

3. Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất ở phụ nữ, một phần vì bệnh này thường được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư buồng trứng bao gồm:
* Cao tuổi
* Có một hoặc nhiều người thân bị ung thư buồng trứng
* Có bất thường trong gene có tên là BRCA1 hoặc BRCA2
* Có đột biến ở các gen liên quan đến ung thư đại trực tràng non-polyposis di truyền (hội chứng Lynch).
* Chưa bao giờ mang thai
* Thừa cân

tầm soát Ung thư buồng trứng

Dù đã có rất nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra xét nghiệm hoặc kết hợp các xét nghiệm để phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm, hiện nay người ta vẫn chưa đưa ra được một chương trình tầm soát hiệu quả làm giảm nguy cơ tử vong do loại ung thư này. Khuyến cáo trong thời điểm hiện tại bao gồm:
- Phụ nữ có một hoặc nhiều người thân (cùng huyết thống) mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng: Nên nói chuyện với bác sĩ về việc tầm soát ung thư buồng trứng với lịch trình và phương pháp phù hợp.
- Phụ nữ không có tiền sử gia đình nói trên thì không nên tầm soát.

Tuy không thể kiểm soát các yếu tố di truyền hoặc toàn bộ môi trường xung quanh, bạn có thể thay đổi những thói quen sinh hoạt như chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, kiểm soát cân nặng và không hút thuốc để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU