Hội chứng sợ xã hội (social anxiety, social phobia) là một căn bệnh tâm lý ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Một bộ phận người Nhật vốn được mô tả là “nhút nhát” hay “thụ động” cũng có một nỗi sợ gắn liền với đặc trưng văn hóa của họ, được gọi là Taijin kyofusho.
Taijin kyofusho là gì?
“Taijin Kyofusho - 対人恐怖症” (Taijin Kyofusho Syndrome - TKS) là chứng ám ảnh sợ xã hội gắn liền với văn hóa Nhật Bản. Trong đó, “対人 - Taijin” được hiểu là mối quan hệ giữa cá nhân, “恐怖 - Kyofu” là nỗi sợ và “症 - Sho” là chứng/bệnh. Những người mắc TKS thường cảm thấy vô cùng xấu hổ về bản thân hoặc lo sợ sự hiện diện của mình sẽ làm người khác cảm thấy khó chịu hay khó xử. Các yếu tố khiến người bệnh cảm thấy lo ngại bao gồm khuôn mặt, mùi, hành động, ngoại hình… của bản thân.
Do nỗi sợ bị chối bỏ, người mắc hội chứng này thường cố gắng tránh các tương tác xã hội và mối quan hệ cá nhân có khả năng gây tổn thương. Họ không thể hiện mức độ lo lắng bất thường bên cạnh những người đặc biệt thân thiết, hoặc ngược lại, hoàn toàn xa lạ. Thay vào đó, họ cảm thấy lo lắng nhất khi có sự hiện diện của những người quen biết, đặc biệt tại những nơi cần phải thường xuyên lui tới như trường học, cơ quan…
Phân loại Taijin Kyofusho
Hệ thống chẩn đoán của Nhật Bản chia TKS thành bốn phân nhóm, tương đương với bốn biểu hiện cụ thể:
- Sekimen-kyofu (赤面恐怖): Sợ đỏ mặt.
- Shubo-kyofu (醜貌恐怖): Sợ khiếm khuyết cơ thể của bản thân gây khó chịu cho người khác.
- Jiko-shisen-kyofu (自己視線恐怖): Sợ giao tiếp bằng mắt.
- Jiko-shu-kyofu (自己臭恐怖): Sợ mùi cơ thể của bản thân.
Dựa trên mức độ nghiêm trọng, các nhà tâm lý học Nhật Bản phân chia TKS thành ba loại:
- Thoáng qua: Tồn tại trong thời gian ngắn với mức độ nghiêm trọng vừa phải. Nó thường xuất hiện nhiều nhất ở thanh thiếu niên, nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào.
- Ảo tưởng: Là loại TKS phổ biến nhất và giống với chứng ám ảnh sợ xã hội nhất. Đây là bệnh mãn tính, thường bắt đầu trước 30 tuổi với mức độ biểu hiện bệnh khác nhau từ trung bình đến nặng.
- Đi kèm với tâm thần phân liệt: Đây là một rối loạn phức tạp hơn. Trong những trường hợp như vậy, TKS là một biểu hiện của triệu chứng tâm thần phân liệt thay vì đơn thuần là nỗi sợ.
Sự khác biệt giữa TKS và Social Anxiety Disorder
Taijin Kyofusho (TKS) được chẩn đoán lần đầu tiên ở Nhật Bản, đặc trưng bởi việc một cá nhân lo sợ rằng cơ thể của mình gây ra sự khó chịu cho người khác. Bản thân TKS là một nhánh của Social Anxiety Disorder (SAD) với triệu chứng có sự tương đồng với chứng ám ảnh sợ xã hội của phương Tây, bao gồm việc né tránh các hoạt động xã hội, tim đập nhanh, khó thở, các cơn hoảng loạn, run rẩy, đỏ mặt, cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng khi ở gần người khác và đôi khi kèm theo đau bao tử.
Tại Hoa Kỳ, rối loạn lo âu là bệnh tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 18% dân số quốc gia này. Trong khi đó, TKS xảy ra ở 10 - 20% người dân Nhật Bản và phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, trái ngược với SAD vốn phổ biến hơn ở nữ.
Cần nhấn mạnh rằng yếu tố phân tách TKS với SAD là trong khi chứng ám ảnh sợ xã hội phương Tây tập trung vào nỗi sợ bản thân bị xấu hổ trước mặt người khác, những người mắc TKS lại sợ bản thân khiến người khác cảm thấy phiền bởi sự hiện diện của mình. Nói cách khác, cơ sở của SAD là dựa trên phản ứng của cá nhân, trong khi cơ sở của TKS là nhận thức của cá nhân về phản ứng của nhóm.
Mối quan hệ của yếu tố văn hóa và Taijin Kyofusho
Chủ nghĩa tập thể
Sự khác biệt giữa TKS và SAD đề cập ở trên được cho là xuất phát từ sự khác biệt giữa văn hóa phương Tây vốn theo chủ nghĩa cá nhân và văn hóa tập thể của Nhật Bản. Là một xã hội tập thể phương Đông, người dân Nhật Bản quan tâm đến việc tuân thủ các chuẩn mực của nhóm, lòng trung thành với gia đình và sự hài hòa trong các mối quan hệ xã hội. Họ được khuyến khích cư xử theo cách để đem lại lợi ích cho tập thể, đề cao lòng vị tha và đặt nhu cầu của người khác, chẳng hạn như gia đình hoặc cộng đồng, lên trước nhu cầu của bản thân. Sự khác biệt so với nhóm, chẳng hạn như thể hiện chủ nghĩa cá nhân hoặc tự đề cao bản thân, sẽ không được dung thứ. Các quốc gia theo chủ nghĩa cá nhân, ngược lại, quan tâm đến bản sắc của mỗi người với nhu cầu cá nhân được đặt lên trước; tính mới, tính tự chủ, tự lập và tinh thần tiên phong được đề cao.
Ngoài ra, xét trong nền văn hóa tập thể, tính tự lập thể hiện ở việc không trở thành gánh nặng cho xã hội và cho người khác. Điều này đôi khi cũng dẫn đến những tiêu cực như trường hợp một số người Nhật kết thúc mạng sống khi bản thân lâm vào cảnh thất nghiệp vì không muốn trở thành kẻ "ăn bám", ký sinh. Nó giải thích tại sao người Nhật không muốn làm bẽ mặt người khác bằng sự hiện diện của mình, và cũng không muốn những người thân yêu, tức là gia đình và bạn bè phải xấu hổ vì họ.
Xã hội hóa trẻ em
Cũng có thể nhìn nhận hội chứng này từ phương diện xã hội hóa trẻ em của Nhật Bản. Tại quốc gia này, trẻ được học về các chuẩn mực, giá trị, niềm tin và thái độ từ rất sớm, nhưng điều này cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực bất lợi theo hướng cực đoan. Theo ICD-10 (Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan - phiên bản thứ 10 của WHO), các giá trị văn hóa Nhật Bản khuyến khích sự “xã hội hóa quá mức” của một số trẻ em, điều này có thể dẫn đến sự phát triển cảm giác tự ti và lo lắng khi ở trong các tình huống xã hội.
Ngoài ra, một phân nhóm của TKS là Jiko-shisen-kyofu như đã đề cập ở trên có thể được giải thích trong bối cảnh văn hóa theo hướng trẻ em Nhật Bản được dạy rằng, giao tiếp bằng mắt trực tiếp với người khác bị coi là thô lỗ. Đối với người Nhật, ánh mắt được xem như một yếu tố gây stress, họ cảm thấy căng thẳng khi bị nhìn bởi người khác. Ngay cả việc tưởng tượng ra điều đó cũng đã khiến họ cảm thấy bất an. Nguyên nhân của Jiko-shisen-kyofu (sợ giao tiếp bằng mắt, cụ thể là sợ ánh mắt của mình khiến đối phương khó chịu) nằm ở việc người Nhật có sự đồng cảm vị tha (allocentric empathy) cho phép họ đóng vai trò khán giả để nhìn nhận chính hành vi của mình. Điều này giải thích tại sao bệnh nhân TKS cảm thấy lo lắng về sự xấu hổ của người khác hơn là của bản thân, và tại sao họ trở nên ám ảnh khi giao tiếp bằng mắt.
Tiêu chuẩn cao về sự hoàn hảo
Ngoài ra, tính cầu toàn là một đặc điểm chung của bệnh nhân TKS bởi các tiêu chuẩn cao về thể hiện bản thân tồn tại trong văn hóa Nhật Bản. Người Nhật cảm giác rằng họ là diễn viên trên sân khấu và do đó cảm thấy cần phải thể hiện sự hoàn hảo của bản thân ra bên ngoài. Những quy tắc giao tiếp cả bằng lời nói và hành động đều nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thể hiện bản thân, chẳng hạn như các chuẩn mực khắt khe trong cách chào hỏi, nét mặt, cử chỉ, tư thế phù hợp... Tiếng Nhật cũng tuân theo các quy tắc cứng nhắc này, với hệ thống kính ngữ được phân chia theo nhiều mức độ phức tạp. Trà đạo Nhật Bản là một ví dụ về loại hình nghệ thuật trang trọng phản ánh nền văn hóa gắn liền với chủ nghĩa hoàn hảo. Người tham gia nghi lễ này phải tuân theo các quy tắc công phu trong việc chuẩn bị trà, dụng cụ hay đồ trang trí, trang phục phù hợp... Chính điều này đã gây ra nỗi sợ với một bộ phận người Nhật khi phải phơi bày bản thân dưới cái nhìn khắt khe và tiêu chuẩn cao của xã hội.
Tất cả những yếu tố trên có thể giải thích tại sao TKS lại phổ biến trong xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, trường hợp của Jiko-shisen-kyofu đã được báo cáo ở Hàn Quốc và có nghiên cứu cho rằng TKS không chỉ đặc trưng cho văn hóa Nhật Bản mà còn cho những quốc gia có nền văn hóa tương tự. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản rất coi trọng phép xã giao và sự phù hợp trong các mối quan hệ cá nhân, vì vậy có thể Jiko-shisen-kyofu không nhất thiết phải “ràng buộc” với văn hóa Nhật Bản, mà có thể được xem như một hội chứng tâm lý ở các nước Đông Á nói chung.
kilala.vn