Nhật Bản nằm trong số các quốc gia có mức độ tin tưởng vắc-xin thấp

Nguồn: asahiOct 2, 2020

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa Lancet của Anh, Nhật Bản là một trong những nước có mức độ tin tưởng vào vắc xin thấp nhất trên thế giới.

Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh công chúng ngày càng chú ý đến sự tin tưởng vào vắc-xin giữa tình hình dịch bệnh. Các chuyên gia cho rằng vấn đề này có thể là do sự lo ngại độ an toàn vắc-xin trong quá khứ của người Nhật và cũng có thể xuất phát từ việc người dân có rất ít thông tin về việc tiêm chủng sau giai đoạn thơ ấu.

tin tưởng vắc xin
Người Nhật có mức độ tin tưởng vắc-xin thấp. (Ảnh: wired)

Các nhà nghiên cứu từ Đại học London đã phân tích dữ liệu khảo sát của khoảng 280.000 người từ 149 quốc gia và khu vực được thực hiện trong 4 năm từ năm 2015 - 2019. Khảo sát gồm ba câu hỏi: "Bạn có nghĩ rằng vắc xin an toàn?", "Bạn nghĩ vắc xin có hiệu quả như thế nào?" và "Liệu vắc-xin có quan trọng đối với trẻ em hay không?" Các câu trả lời được phân thành ba loại: "Hoàn toàn đồng ý", "Hoàn toàn không đồng ý" hoặc "Khác với hai ý trên". Thời gian nghiên cứu và tần suất thực hiện khảo sát giữa các quốc gia và khu vực khác nhau, vì vậy dữ liệu được xử lý thống kê để so sánh chúng một cách chính xác.

Theo đó, kết quả khảo sát từ cuối năm 2015 cho thấy:

  • 8,92% người Nhật Bản cho biết họ hoàn toàn đồng ý rằng vắc-xin là an toàn
  • 14,71% cho biết họ hoàn toàn đồng ý rằng vắc-xin có hiệu quả. 

Cả hai con số này đều nằm ở 3 thứ hạng cuối cùng của bảng xếp hạng  đánh giá mức độ tin tưởng vắc-xin của các quốc gia trên thế giới. Có đến 41,76% người Nhật Bản được hỏi cho biết họ hoàn toàn đồng ý rằng việc tiêm chủng cho trẻ em là rất quan trọng, mặc dù vẫn xếp hạng thấp thứ 12 trong số các quốc gia được khảo sát. 

Tỷ lệ người dân Nhật Bản không đồng ý vắc-xin có hiệu quả đã tăng đáng kể theo con số thống kê khi kết quả khảo sát được so sánh từ năm 2015 đến năm 2019.

Nghiên cứu nhấn mạnh Nhật Bản là một trong những quốc gia ít tin tưởng nhất vào việc tiêm chủng. Nguyên nhân có thể là do sự sợ hãi về vắc-xin trong quá khứ, khi một số người phản ánh về tình trạng đau đớn kéo dài sau khi tiêm vắc-xin ngừa virus HPV gây ung thư cổ tử cung. 

tin tưởng vắc xin
Thông tin về vắc-xin cần được phổ biến hiệu quả để người dân nắm rõ. (Ảnh: The Independent General Practice)

Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã coi việc không chủ động tiêm chủng hoặc từ chối tiêm chủng là 1 trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu.

Chuyên gia vắc-xin Takashi Nakano, giáo sư tại Trường Y Kawasaki ở tỉnh Okayama và cũng là bác sĩ nhi khoa, cho biết: “Có rất ít thông tin về những loại vắc-xin mà mọi người cần tiêm sau thời thơ ấu ở Nhật Bản. Mọi người thiếu kiến ​​thức về vắc-xin." Ông Nakano nói thêm: “Cần phổ biến thông tin và truyền thông một cách cẩn thận để mọi người có thể hiểu về hiệu quả và hạn chế của vắc-xin”.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU