Đột quỵ và những nguyên nhân gây ra đột quỵ

Bài: Tiến sĩ – Bác sĩ Phạm Nguyên Quý
Jun 18, 2020

Ảnh: PIXTA

Trước đây nhiều người nghĩ tai biến mạch máu não chỉ xảy ra ở người cao tuổi nhưng nhiều thống kê gần đây cho thấy số lượng người bệnh trẻ dưới 45 tuổi ngày càng tăng. Người trẻ bị tai biến sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn cho bản thân, xã hội và cả nền kinh tế, nên cần phải nhận thức các yếu tố nguy cơ của chính mình để phòng ngừa.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) có thể xảy ra do động mạch nuôi não bị tắc gây thiếu máu cục bộ hoặc do mạch máu não bị vỡ gây xuất huyết trong não. Chỉ cần bị mất nguồn cung cấp dưỡng chất thiết yếu trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết đi và gây ra các triệu chứng thần kinh như liệt cơ, líu lưỡi, mất ý thức… Nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời, đột quỵ sẽ dẫn đến nhiều khuyết tật nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Biết nghi ngờ đột quỵ để gọi cấp cứu ngay lập tức!

Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu thực sự. Việc điều trị được thực hiện càng sớm, càng có nhiều khả năng giảm thiểu thương tổn ở não. Từng giây từng phút đều quý giá.

Việc nhận ra các triệu chứng và dấu hiệu của đột quỵ, nghĩ tới khả năng đột quỵ là cực kỳ quan trọng để gọi ngay cấp cứu. Triệu chứng và dấu hiệu thần kinh xảy ra tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương trong não và có thể bao gồm: 

  • Liệt mặt, tay hoặc chân, thường chỉ ở một bên cơ thể 
  • Lú lẫn 
  • Líu lưỡi và có các vấn đề về phát ngôn, giao tiếp 
  • Nhìn đôi (nhìn 1 vật thành 2 vật) hoặc nhìn không rõ 
  • Chóng mặt, mất thăng bằng
  • Khó phối hợp vận động hoặc đi lại 
  • Đau đầu dữ dội
Đột quỵ và nguyên nhân gây đột quỵ
Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu thực sự.

Để nhận biết nhanh các dấu hiệu tai biến mạch máu não, cần nhớ từ khóa FAST (nhanh):

  • Face (mặt): yêu cầu bệnh nhân cười hoặc nhe răng; một bên không cử động là bất thường.
  • Arm (tay): yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên; một bên yếu hơn bên kia là bất thường.
  • Speech (lời nói): yêu cầu bệnh nhân nói; líu lưỡi, câm hoặc nói khó hiểu là bất thường.
  • Time (thời gian): nếu nghi ngờ có một trong các triệu chứng trên, hãy gọi cấp cứu ngay và ghi lại thời gian triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Lưu ý rằng: Một số người có các dấu hiệu trên nhưng chúng biến mất sau vài phút cho tới vài giờ. Hiện tượng này gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (transient ischemic attack, TIA) cảnh báo rằng cơn đột quỵ “chính thức” sẽ có thể xảy ra trong tương lai, nhất là trong vòng 24 tiếng sắp tới cần hết sức thận trọng!

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ thường hay được nhắc đến bao gồm:

  • Mắc bệnh cao huyết áp
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Có mức cholesterol máu cao
  • Mắc bệnh tim, như rung nhĩ 
  • Trước đó đã từng bị đột quỵ 
  • Hút thuốc lá 
  • Béo phì hoặc thừa cân 
  • Lười vận động 
  • Uống quá nhiều đồ uống có cồn
các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Phòng ngừa đột quỵ bằng thay đổi lối sống

Hiệp hội Tai biến mạch máu não Nhật khuyến cáo cộng đồng 10 điều sau để ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này:

  • Điều trị sớm và kiểm soát huyết áp tốt
  • Tầm soát và điều trị sớm bệnh tiểu đường
  • Đi khám ngay nếu thấy có rối loạn nhịp (hồi hộp, đánh trống ngực,…)
  • Bỏ thuốc lá
  • Không uống quá nhiều rượu bia
  • Kiểm soát mức cholesterol máu (cao mỡ máu)
  • Theo chế độ ăn ít muối và chất béo
  • Tập thể dục thích hợp với độ tuổi
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Hiểu biết triệu chứng của tai biến mạch máu não để đi viện ngay
  • Hãy nói chuyện với các bác sĩ nếu bạn có thắc mắc hoặc vấn đề lo ngại khác.

Tắm đêm có gây ra đột quỵ?

Hiện nay, không có bằng chứng cho thấy tắm đêm trực tiếp gây ra đột quỵ. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa tắm nước lạnh, tắm bồn nước nóng (bao gồm onsen ở Nhật) và đột quỵ. Sự thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột làm tăng huyết áp và tăng khả năng bị đột quỵ trên những người đã có yếu tố nguy cơ. Đó cũng có thể là lý do mà đột quỵ dễ xảy ra lúc tắm sau khi uống quá nhiều rượu bia.

Do đó, đối với những người có nguy cơ cao, việc tắm tuần tự (tắm bắt đầu bằng việc làm ướt cơ thể từ chân lên đầu một cách từ tốn, chậm rãi) là khá quan trọng. Tại Nhật Bản, việc điều chỉnh nhiệt độ nước và nhiệt độ phòng tắm thích hợp cũng thường được cân nhắc.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU