Bạn đã từng nghe qua câu đùa vui: “Ở Nhật lâu chưa chắc giỏi tiếng Nhật, nhưng nếu bạn bị dị ứng phấn hoa thì chắc chắn bạn đã ở Nhật lâu rồi” hay chưa? Vậy, dị ứng phấn hoa là một căn bệnh như thế nào?
Cứ vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 hằng năm, rất nhiều người ở Nhật Bản lại phải chống chọi với căn bệnh dị ứng phấn hoa mà tiếng Nhật gọi là “Kafunsho – 花粉症”. Theo một khảo sát trên 9.361 người Nhật của trang Weather News Nhật Bản vào năm 2019, có đến 58% trong số người này mắc bệnh dị ứng phấn hoa. Có thể nói, đây là “căn bệnh quốc dân” của Nhật Bản.
Điều đặc biệt là không chỉ có mỗi người Nhật mà ngay cả những người nước ngoài sinh sống lâu năm ở Nhật cũng mắc phải căn bệnh này. Vì vậy mới có câu đùa vui là: “Ở Nhật lâu chưa chắc giỏi tiếng Nhật, nhưng nếu bạn bị dị ứng phấn hoa thì chắc chắn bạn đã ở Nhật lâu rồi”. Thế nhưng, bạn có thắc mắc “phấn hoa” ở đây là của loài thực vật nào? Và vì sao chỉ ở Nhật Bản mới có căn bệnh này hay không?
Dị ứng phấn hoa là gì?
Các triệu chứng dị ứng của cơ thể xảy ra khi hệ miễn dịch của con người phản ứng lại với một vật chất trong môi trường. Trong đó, không khí lạnh, khói thuốc, phân ve và phấn hoa là các tác nhân gây dị ứng phổ biến nhất. Nguyên nhân là do trong phấn hoa có chứa protein, cellulose, pentose, dextrin, phosphore,... vốn là những chất dễ kích thích phản ứng miễn dịch.
Đối với dị ứng phấn hoa, ngay khi các hạt phấn li ti có kích thước thường dưới 0,5mm đi vào cơ thể, hệ miễn dịch xem chúng như các vật thể lạ cần phải tiêu diệt, từ đó sản xuất ra một amin sinh học có tên gọi Histamin nhằm chống lại sự xâm nhập của phấn hoa. Chính chất này là nguyên nhân dây ra các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa rát họng, chảy nước mắt, ho và khó thở ở những người bị dị ứng phấn hoa.
Loài thực vật nào gây ra bệnh dị ứng phấn hoa?
Khi nghe đến “phấn hoa” và “mùa xuân”, bạn có liên tưởng ngay đến “hoa anh đào”? Tuy nhiên, căn bệnh dị ứng phấn hoa vào mùa xuân ở Nhật Bản có thể nói là do cây tùng và cây Hinoki gây ra chủ yếu.
Tùy vào địa phương và chủng loại thực vật mà có thời gian phát tán phấn hoa khác nhau, tuy nhiên nhìn chung, người Nhật mắc phải dị ứng phấn hoa nhiều nhất là vào mùa xuân và mùa thu.
Nếu mùa xuân là mùa phát tán phấn hoa của các loài cây thân gỗ như cây tùng (Sugi – 杉), cây Hinoki (ヒノキ, thuộc họ Bách) hay Hannoki (ハンノキ, thuộc họ Bạch Dương), thì mùa thu là mùa mà các loài cây thân thảo như Butakusa (ブタクサ), Yomogi (ヨモギ, thuộc họ Cúc) hay các loại cây thuộc họ Lúa/Cỏ phát tán phấn hoa.
Phấn hoa của những loài cây thân gỗ có thể bay được từ hàng chục đến hàng trăm ki-lô-mát nếu thuận gió, vì vậy mà chúng có thể đến được cả những đô thị lớn, nơi vốn không có nhiều các cây cao to như cây tùng hay Hinoki. Trong khi đó, mặc dù phấn hoa của các loài cây thân thảo tuy chỉ bay được vài mét, nhưng chúng lại là các loại cây cỏ phổ biến có thể bắt gặp ở bất cứ đâu như ven đường, công viên, hay bờ sông,... nên độ phát tán vì thế mà cũng trở nên rộng hơn.
Tại sao chỉ có Nhật Bản mới phổ biến căn bệnh này?
Mặc dù có nhiều loài cây gây ra căn bệnh dị ứng phấn hoa này, nhưng có thể nói “thủ phạm” lớn nhất chính là cây tùng (Sugi) và cây Hinoki. Đây được xem là 2 loài cây đặc trưng của Nhật Bản. Vào thời đại Showa, do cần nguyên vật liệu xây dựng để tái thiết cuộc sống sau chiến tranh, chính phủ Nhật Bản đã cho trồng một lượng lớn các cây tùng và cây Hinoki. Diện tích của rừng cây này lớn đến mức người ta cho rằng có thể sử dụng làm nguyên liệu trong vòng từ 30 đến 50 năm. Do đó, cứ vào mùa xuân hằng năm, một lượng lớn lượng phấn hoa của cây tùng và Hinoki lại sẵn sàng “tung bay” từ nơi này đến nơi khác.
Theo số liệu của Weather News Nhật Bản, từ năm 2010 – 2016, tỉnh Yamanashi là nơi có tỉ lệ người dân bị dị ứng phấn hoa nhiều nhất Nhật Bản với 77%. Đô thị Tokyo đứng thứ 5 với 64%. Ngay cả địa phương ở cuối bảng xếp hạng là tỉnh Aomori cũng có tỉ lệ người bị dị ứng phấn hoa lên đến 31%.
Đối phó với căn bệnh dị ứng phấn hoa thế nào?
Hãy tránh xa những nơi có phấn hoa, càng xa càng tốt!
Đó là biện pháp đơn giản nhất. Tuy nhiên, nếu đang phải sinh sống tại một trong những địa phương có tỉ lệ phấn hoa phát tán cao, bạn sẽ không thể tránh khỏi căn bệnh này một cách triệt để. Điều cốt lõi là bạn cần hạn chế các hạt phấn đi vào trong cơ thể, không chỉ qua đường hô hấp trực tiếp, mà còn tránh để chúng bám lên áo quần và vật dụng trong nhà.
Ngăn ngừa ngay từ bên ngoài
- Đóng kín các lối ra, cửa sổ để tránh phấn hoa bay vào nhà.
- Thường xuyên giặt giũ và hút bụi nhà cửa, đặc biệt là những nơi dễ bám phấn hoa như rèm cửa, thảm trải sàn, sô pha,...
- Sử dụng máy lọc không khí hoặc máy điều hòa có chức năng lọc bụi bẩn.
- Khi ra ngoài, nên đeo khẩu trang, đeo kính chuyên dụng, đội mũ để tránh phấn hoa bám vào tóc.
- Thường xuyên súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Nên tắm rửa và giặt giũ ngay sau khi về nhà.
- Hạn chế trồng các loại cây cho hoa có khả năng gây dị ứng cao.
- Hạn chế phơi quần áo ngoài trời.
Điều trị từ bên trong
Tùy vào cơ địa của mỗi người mà các triệu chứng dị ứng cũng sẽ khác nhau. Có người chị bị khó chịu vùng hô hấp, như ho và sổ mũi, nhưng cũng có những người phải chịu sự phản ứng từ khắp mọi nơi trên cơ thể. Tuy nhiên dù là triệu chứng nào thì cũng chỉ có một phương án hữu hiệu nhất đó là sử dụng các loại thuốc uống để trị dứt điểm từ bên trong. Ở Nhật Bản, bạn có thể tìm thấy rất nhiều dạng thuốc uống trị dị ứng phấn hoa, từ thuốc viên, thuốc bột, viên con nhộng cho đến xi-rô và các thực phẩm bổ sung.
Tuy nhiên, nếu có triệu chứng dị ứng nặng, tốt nhất là bạn hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và kê toa nhé.
kilala.vn