Chết vì làm việc quá sức: Nỗi sợ của nhiều người Việt
Bài: L.L.Ngọc/ Ảnh: iStock, PIXTANov 21, 2017
“Karoshi - 過労死” là thuật ngữ dùng để chỉ những người tử vong do làm việc quá sức – đã gây ra những cú chấn động lớn tại Nhật Bản từ cuối thập niên 70 cho đến ngày hôm nay, nhưng nó chỉ thật sự dấy lên một hồi chuông báo trong cộng đồng người lao động Việt khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc người Việt Nam qua đời trong khi du học và làm việc tại Nhật Bản.
Khi Nhật Bản không là “miền đất hứa”
Trong những năm gần đây, cùng với sự tăng cường hợp tác hữu nghị Việt – Nhật, cánh cửa để người Việt Nam đến Nhật Bản học tập và làm việc ngày càng rộng mở hơn. Bị cám dỗ trước những lời khoe khoang của những người đi trước hoặc lời quảng cáo có cánh của những công ty tư vấn du học – xuất khẩu lao động, nhiều người đổ xô đến Nhật Bản với tham vọng tích góp tiền bạc để trang trải cuộc sống hoặc gửi về cho gia đình tại Việt Nam.
Nhật Bản trở thành một “miền đất hứa” nơi bạn có thể vừa học vừa làm cũng kiếm được hàng chục triệu đồng hàng tháng, có thể tích lũy vốn liếng để “thoát nghèo” chỉ sau vài năm nỗ lực làm việc không ngừng.
Không thể chối cãi rằng, chính hình ảnh một quốc gia có kinh tế hùng mạnh thuộc top đầu thế giới đã vẽ nên một “giấc mộng đẹp” trong tâm tưởng của biết bao nhiêu người đang mơ mộng về “thiên đường Nhật Bản”.
Nhưng ít ai biết rằng, “giấc mộng” này đã được chống đỡ bằng vô số những đêm thức trắng khi cả cơ thể lẫn tinh thần bị bòn rút đến suy kiệt của hàng ngàn người lao động tại đất nước này mỗi năm trong hàng thập kỉ qua.
Theo công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản, trong năm 2016 vừa qua, có tới 20% trên 10.000 người lao động tại Nhật đã phải làm việc quá giờ quy định ít nhất 80 tiếng hàng tháng. Điều này tưởng chừng như “điên rồ” nhưng với những người lao động tại một quốc gia công nghiệp hóa cao độ như Nhật Bản, họ hầu như không có chọn lựa nào khác.
Nếu nghỉ việc, họ sẽ không đủ tiền để sống; và nếu không nghỉ việc, họ bắt buộc phải làm thêm giờ. Làm thêm giờ thậm chí đã trở thành một nét “văn hóa” ngầm quy định rằng chỉ khi thể hiện tinh thần cống hiến hết mình trong công việc, họ mới có thể đạt được sự trọng dụng của cấp trên và sự tín cẩn của đồng nghiệp.
Guồng quay khắc nghiệt này không chừa bất cứ ai một khi đã bị cuốn vào quỹ đạo của nó. Công việc vắt kiệt sức lao động cộng với tham vọng “đổi đời” khiến một thực tập sinh hoặc một du học sinh tự túc (thực chất là xin visa du học để sang làm việc kiếm tiền) có thể chỉ ngủ vài tiếng một ngày mà không mảy may lo lắng về sức khỏe của mình. Và rồi những cái chết thương tâm đã xảy ra.
Trong 2 năm trở lại đây, nhiều vụ việc người Việt Nam đột tử do làm việc quá sức tại Nhật đã được ghi nhận lại, như gần đây nhất là trường hợp của anh T.N.H – du học sinh tại Saitama hồi 12/9, hay trường hợp của chị T.T.D – du học sinh tại Osaka vào ngày 5/11 vừa qua.
Làm việc quá sức ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
Dù là một hiện tượng sức khỏe khá hiếm nhưng “Karoshi” vẫn có thể xảy ra khi tim bị suy yếu do chịu áp lực, căng thẳng kéo dài. Ngoài làm việc “vô tội vạ”, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và không tập thể dục điều độ cũng góp phần làm tăng nhịp tim, huyết áp và cholesterol trong máu dẫn đến đau tim, suy tim, đặc biệt là ở những người có vấn đề về tim mạch.
“Karoshi” cũng rất dễ xảy ra ở những người trẻ tuổi – nhóm tuổi thường luôn bị dẫn dắt bởi khao khát kiếm tiền và xây dựng sự nghiệp cá nhân, thậm chí không ngần ngại dùng sức khỏe để đối lấy những thành tựu về vật chất.
Do “tham công tiếc việc” nên họ thường chủ quan với sức khỏe của mình, luôn trong trạng thái “không có thời gian để nghỉ ngơi” và ngay cả lúc có thời gian cũng để dành cho những hoạt động vui chơi không lành mạnh, thiếu khoa học như lên mạng xã hội, chơi game, tụ tập bạn bè…
Ngày qua ngày, những áp lực về tinh thần và tổn thương về sức khỏe không được giải tỏa sẽ phát triển thành các loại bệnh cấp tính, mãn tính và trở thành một quả “bom hẹn giờ” có thể đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Để “Karoshi” không còn là “ác mộng”
Hiện nay, bên cạnh những nỗ lực của chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc điều chỉnh lại môi trường làm việc cho người lao động tại đất nước này, việc mỗi cá nhân phải chủ động học cách yêu bản thân trước khi học cách làm việc vẫn được coi trọng hơn cả.
Rõ ràng, không có gì kể cả tiền bạc hay thành tựu quan trọng hơn sức khỏe và sinh mạng của chính bản thân mình. Nếu không ý thức được điều này, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của cơn ác mộng thầm lặng mang tên “Karoshi”.
- Trước hết, hãy biết nuông chiều bản thân những khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng bằng cách dành thời gian cho làm những việc mình thích như nghe nhạc, đọc sách,... để cơ thể được nghỉ ngơi thật sự. Khi quá bận rộn, chỉ việc ngồi một chỗ để nhắm mắt, hít thở hay dành 10 phút để chợp mắt cũng có thể giúp cho hiệu suất làm việc sau đó cao hơn.
- Bên cạnh đó, cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đúng giờ và cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục ít nhất 10 phút/ngày và dành ra ít nhất 1 ngày/tuần để nghỉ ngơi hoàn toàn.
- Cần lưu ý đến những dấu hiệu bất thường của cơ thể và phải đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tránh để bệnh trở nặng gây nguy hại đến sức khỏe về dài lâu cũng như tính mạng của mình.
- Cuối cùng, đừng nghĩ rằng “Karoshi” sẽ chừa bạn ra. Chính thái độ bàng quan và coi thường giá trị của bản thân mình mới là con đường nhanh nhất đẩy chúng ta đến bờ vực cái chết.
L.L.Ngọc/ kilala.vn