5 lời khuyên khi tán gẫu với người lớn tuổi trầm cảm ở Nhật
Bài: Quỳnh VũSep 7, 2020
Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số một cách chóng mặt trong những năm gần đây. Số người cao tuổi ngày một nhiều kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe, đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và những người xung quanh.
Trong số các loại bệnh lý mà người già dễ mắc phải có “trầm cảm“. “Trầm cảm” ở đây không chỉ sự áp lực tâm lý khi lo lắng quá độ hay gặp phải những sự kiện đau đớn mà nó thiên về khuynh hướng “suy nhược cơ thể” nhiều hơn. Do đó, khi tiếp xúc, trò chuyện bạn cần phải hiểu được một số điều sau đây.
Nên lắng nghe không khuyên bảo
Khi một người đang chán nản, họ không còn hứng thú để làm những điều mà họ muốn và cảm thấy bế tắc vì điều này. Vì vậy, việc lắng nghe họ rất quan trọng. Lưu ý, chỉ lắng nghe thôi và đừng cho những lời khuyên mà bạn nghĩ là “đúng đắn”. Chúng chẳng có tác dụng gì trong những trường hợp như vậy đâu.
“Ông/bà cứ mở lòng ra thử...”, “Ông/bà thử nghĩ tích cực lên xem!” hay “Ông/bà nên ăn uống những thứ này bởi vì chúng tốt cho sức khỏe”... Bản thân những người già trong trạng thái này cũng nhận thức được những lời khuyên như thế không sai, nhưng họ lại cảm thấy đau khổ khi bản thân không thể làm được. Nếu bạn đưa ra những lời khuyên như vậy sẽ khiến họ phải đối mặt với sự thất bại của chính mình và khiến tâm trạng họ trở nên suy sụp hơn.
Vì vậy, khi nói chuyện với một người cao tuổi bị “trầm cảm”, chúng ta chỉ cần lắng nghe. Đôi khi đưa ra những lời nhận xét đồng tình như kiểu “đúng vậy”, “con cũng nghĩ thế”... là đủ rồi.
Đừng nhận xét về tình trạng sức khỏe theo kiểu “Cứ thế này hoài...”
Hầu hết những người già bị trầm cảm đều gặp phải các triệu chứng liên quan đến cơ thể như uể oải, khó thở, tức ngực, nặng đầu, tê chân và đau thắt lưng. Ngay cả khi đến bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ cũng không thể chỉ ra cụ thể đó là bị bệnh gì. Bởi vì những triệu chứng này phát sinh là do vấn đề tâm lý gây ra.
Ban đầu, những người chăm sóc họ như con cháu trong nhà có thể sẽ cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy những triệu chứng ấy của người bệnh. Tuy nhiên, sau nhiều lần khám bác sĩ mà không có kết quả, người trẻ sẽ dần cảm thấy mệt mỏi, thậm chí dẫn đến gắt gỏng với người già. Trong khi đó, những người bị trầm cảm không thể giải thích rõ ràng về tình trạng cũng như cảm giác đau đớn của bản thân mình. Vậy nên, hạn chế nói những lời than vãn kiểu “Cứ như vầy thì...” với người lớn tuổi. Người già rồi, suy nghĩ cũng khác xưa, những lời như vậy sẽ chỉ khiến căn bệnh của họ tồi tệ đi mà thôi.
Trầm cảm không phải do lười biếng hay do tính cách
Những người bị trầm cảm, dù ở độ tuổi nào, ít nhiều đều luôn có suy nghĩ tự trách bản thân. Những suy nghĩ tiêu cực như “Chỉ vì tôi lười biếng nên mới thế này!”, ”Tôi không được bình thường như người khác!” hay “Tôi đang gây ra rắc rối cho người khác!”... luôn lởn vởn trong suy nghĩ của họ. Đôi khi nó còn phát triển và trở thành ảo giác của người bệnh.
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh trầm cảm. Không quan trọng bạn là ai, làm gì hay sống như thế nào. Vì vậy, khi tiếp xúc với những người cao tuổi mắc bệnh trầm cảm, bạn cần khiến họ cảm thấy bản thân không có lỗi. Đối xử với họ bằng thái độ thoải mái, nhẹ nhàng. Sự kiên nhẫn dịu dàng thế này có thể khiến họ hiểu được bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh trầm cảm, không phải do lỗi của cá nhân người nào.
Trầm cảm ở người cao tuổi thường phát sinh sau khi xảy ra một số vấn đề về sức khỏe hay lúc những lo lắng nảy sinh của tuổi già. Hiện nay, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể của vấn đề, tuy nhiên có ý kiến cho rằng hoạt động của não đã dẫn đến sự chuyển biến này.
Để người bị bệnh trầm cảm nghỉ ngơi
Tập thể dục thường được cho là quan trọng đối với sức khỏe của người cao tuổi. Một số thành phố khuyến khích tập thể dục để tránh tình trạng giảm sút trí tuệ. Tương tự, đối với những người bị trầm cảm, nhiều người xung quanh khuyên họ ra ngoài vận động nhiều hơn vì nghĩ rằng điều đó tốt cho sức khỏe. Nhưng việc này không hẳn là đúng.
Những người cao tuổi bị trầm cảm suy nhược cơ thể do thiếu năng lượng để vận động. Họ biết rõ vận động là tốt nhưng lại không thể làm gì được. Đặc biệt là những người nghiêm túc và sống có tổ chức, họ sẽ càng cảm thấy đau khổ hơn khi không thể làm đúng nguyên tắc của mình. Để cơ thể và tâm trí nghỉ ngơi là điều quan trọng khi điều trị bệnh trầm cảm ở người già. Thay vì làm đúng theo những khung giờ cố định, nên vận động nhẹ nhiều lần trong ngày.
Khuyên đi gặp bác sĩ tâm lí và phối hợp điều trị
Cần giải thích với những người cao tuổi mắc bệnh trầm cảm rằng: “Chỉ cần đến gặp bác sĩ tâm lí, nhất định tình trạng của ông/ bà sẽ tốt lên ngay”. Như đã nhắc tới ở bên trên, những lời khuyên có thể gây ra sự phản cảm. Tuy nhiên, lời khuyên này lại khác, bởi khi đến gặp các chuyên gia tâm lý, họ sẽ có cách để tác động đến tâm lý của người già và khiến diễn tiến tích cực hơn.
Trầm cảm ở người cao tuổi về cơ bản là một căn bệnh có thể chữa khỏi. Chỉ cần người nhà thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ cũng như chú ý để người bệnh uống thuốc đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tình trạng bệnh của người già sẽ trở nên tốt hơn.
kilala.vn