Nhật Bản là một thị trường hấp dẫn mà các nhóm nhạc thần tượng K-pop luôn mong muốn chinh phục. Chúng ta từng chứng kiến nhiều nghệ sĩ đình đám của xứ kim chi hoạt động tích cực để phát triển sự nghiệp và danh tiếng của mình tại đất nước này, vậy bạn có biết đâu là lý do?
Làn sóng Hallyu cùng K-pop đang xâm chiếm toàn thế giới, trong đó ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là tại khu vực châu Á. Những chàng trai, cô gái xinh đẹp và tài năng đến từ xứ sở nhân sâm đã góp một phần không nhỏ để truyền bá nền âm nhạc, điện ảnh, thời trang, và cả thương hiệu "Hàn Quốc" nói chung đến với mọi người
Và có một thực tế là idol Hàn Quốc dẫu có nổi đình nổi đám thế nào, họ vẫn quyết tâm “cập bến” xứ Phù Tang và nỗ lực chinh phục thị trường âm nhạc khó tính nhất nhì tại phương Đông. Những nhóm nhạc đã thành công, có chỗ đứng vững chắc tại quê nhà cũng đều được đẩy sang Nhật “làm ăn”.
Sự khởi đầu của làn sóng "Nhật tiến"
Công ty giải trí có tầm nhìn xa trông rộng, sớm biết nắm bắt cơ hội để mở rộng thị trường và giữ vị trí tiên phong trong công cuộc đưa K-pop cập bến Nhật Bản là SM Entertainment, và nữ ca sĩ BoA là ngôi sao đầu tiên mang sứ mệnh mở đường.
Năm 2002, BoA ra mắt thị trường âm nhạc Nhật với đĩa đơn "Listen to my heart", ca khúc này nhanh chóng chiếm vị trí No.1 BXH Oricon Chart. Lúc ấy, sự khởi đầu thành công vượt ngoài mong đợi của “công chúa nhạc Pop” nhà SM đã tạo cơ hội để đàn em TVXQ tiếp bước và lấn sân vào J-pop dưới cái tênTohoshinki(Đông Phương Thần Khởi).
Từ một nhóm nhạc đình đám, nổi như cồn tại quê nhà, năm “vị thần đến từ phương Đông” đã phải bắt đầu lại từ con số không tại đất nước mặt trời mọc. Năm chàng trai tài sắc vẹn toàn phải học tiếng Nhật, hát ở những sân khấu nhỏ, cố gắng vươn lên nơi đất khách quê người. Từ một tân binh vô danh, Tohoshinki đã trở thành huyền thoại K-pop tại xứ sở hoa anh đào.
Ở Nhật, Tohoshinki là nhóm nhạc nổi tiếng hàng đầu khi liên tiếp lập nên những kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Chẳng hạn, họ trở thành nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên có 3 đĩa đơn đứng đầu bảng xếp hạng Oricon, giành được đồng thời 2 chứng nhận bạch kim với album "Best Selection 2010". Với đĩa đơn "Catch Me -If you wanna-" phát hành năm 2013 tại Nhật, Tohoshinki đã trở thành nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên tiêu thụ được hơn 200 nghìn bản trong lịch sử J-pop, phá vỡ kỷ lục của Elton John.
Nhóm không chỉ tổ chức thường xuyên các buổi concert tại “thánh địa” Tokyo Dome, mà còn là nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên biểu diễn tại Sân vận động Nissan, tour diễn đã thu hút một số lượng khán giả kỷ lục là 890.000 người và thu về 93 triệu USD.Có thể nói, sự thành công của nhóm chính là bước đệm cho làn sóng Hàn lưu (Hallyu) xâm nhập vào Nhật Bản.
Từ thập niên 2010, cơn sốt “Nhật tiến” đã phát triển mạnh mẽ, những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Hàn Quốc như: Big Bang, 2NE1, SS501, KARA, SNSD, SHINee... đều tập trung chuyển hướng hoạt động tại làng giải trí xứ Nhật. Thế hệ idol Gen 3 của K-pop như EXO, iKON, BTS, Twice, Black Pink, Red Velvet... cũng tiếp bước tiền bối và nỗ lực xây dựng sự nghiệp ca hát tại thị trường béo bở này.
Ngoài học hát và nhảy, các nhóm nhạc idol còn chuyên tâm học tiếng Nhật, tìm hiểu về văn hóa xứ Phù Tang. Họ sản xuất thêm một phiên bản tiếng Nhật kèm MV mỗi khi phát hành sản phẩm âm nhạc mới, tổ chức các concert lớn nhỏ, những buổi fan meeting, fansign để gặp gỡ, giao lưu với người hâm mộ Nhật. Đồng thời, ra mắt các sản phẩm liên quan để quảng bá hình ảnh của nhóm và thu lợi nhuận từ các hoạt động này.
Thậm chí nhiều nhóm nhạc khiến fan tại quê nhà “than trời” vì lịch trình kín mít các hoạt động tại Nhật, còn fan quốc tế thì ghen tỵ khi thị trường Nhật luôn được thiên vị và ưu tiên.
Lý giải xu hướng "Nhật tiến"
Vậy tại sao idol Hàn lại chăm chỉ, tận tâm tận lực với công cuộc “Nhật tiến” đến vậy? Có rất nhiều lý do được đưa ra nhưng quan trọng nhất là vì tiền, rất nhiều tiền!
Nhật Bản sở hữu thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Các nhóm nhạc idol xứ Hàn khó có thể cạnh tranh hay phát triển mạnh mẽ ở xứ cờ hoa nhưng ở Nhật thì lại khác. Phong cách âm nhạc, vũ đạo, concept của K-pop dễ dàng được người Nhật tiếp nhận và ưa chuộng.
Thay vì vất vả theo đuổi “giấc mơ Mỹ” mà kết quả toàn không được như mong đợi thì những “ông lớn” của K-pop ưu tiên thực hiện kế hoạch “Nhật tiến” vì tỷ lệ thành công cao hơn. Gu âm nhạc của hai nước Nhật - Hàn có nhiều điểm tương đồng, lại ảnh hưởng bởi đời sống văn hóa châu Á nên dễ thu hút người hâm mộ hơn.
Khi đã có fan rồi thì sẽ thiết lập fandom (cộng đồng người hâm mộ) với số lượng người gia nhập ngày càng tăng lên theo sự nổi tiếng của idol tại Nhật. Fandom ngày càng vững chắc là tiền đề tạo nên thành công cho hoạt động lâu dài của các nhóm nhạc.
Người hâm mộ Nhật rất trung thành và chịu chi. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn ra để được gặp thần tượng, mua single, album hay các vật phẩm để ủng hộ nghệ sĩ mà họ yêu mến. Từ đây lợi nhuận khổng lồ được các công ty giải trí thu về.
Những con số thống kê doanh thu đã nói lên mức độ “cá kiếm” khủng của người Hàn tại thị trường này. Đơn cử như Billboard Nhật Bản từng công bố BTS đã xếp thứ hai với 4,17 tỷ yên trong bảng xếp hạng doanh số video âm nhạc/DVD vào năm 2020. Hay TVXQ chỉ với tour diễn Begin Again diễn ra vào năm 2018 đã thu về tổng doanh thu là 228 triệu USD.
Làn sóng Hallyu dần xâm chiếm xứ sở hoa anh đào, những thế hệ idol Hàn Quốc tích cực lấn sân sang thị trường Nhật Bản nhưng có một sự thật rằng không phải ai cũng thành công, mang về doanh thu khủng cho công ty chủ quản.
Mỗi năm có rất nhiều nhóm nhạc, nghệ sĩ K-pop “Nhật tiến” nhưng chỉ có số ít trong đó là “cá kiếm” được và gặt hái thành tích vẻ vang. Ngoài chiến dịch quảng bá hình ảnh, kế hoạch marketing hoành tráng thì thứ giúp idol xứ Hàn tồn tại dài lâu tại Nhật chính là nhan sắc và tài năng - đặc biệt là phải có tài, cùng với đó là phát hành những ca khúc bắt tai, thịnh hành với giai điệu "gây nghiện".
Xem thêm: Dohan Play: Xu hướng "du lịch giả" đến Hàn Quốc của gen Z Nhật
kilala.vn