Người phụ nữ nhỏ bé đầy bản lĩnh
Bà Mariko Nagai sinh năm 1943 tại Sendai, thuộc vùng Tohoku, Nhật Bản, là em út trong gia đình có ba chị em. Ngoài cá tính mạnh mẽ được bộc lộ từ sớm, bà được truyền cảm hứng từ mẹ mình và rồi có hứng thú về tiếng Anh. Đến khi học cấp 3, bà quyết định sang Mỹ du học và sau đó bắt đầu sự nghiệp phiên dịch của mình.
Trước đó, một Mariko ở độ tuổi thanh xuân chưa từng nghĩ rằng bản thân sẽ gắn bó lâu dài với công việc phiên dịch. Nhưng có một lần, sau một buổi phiên dịch bà đã nghe người khác nói rằng: “Phiên dịch hôm nay nghe chẳng hiểu gì.” Chính lời nói đó đã đánh vào sự hiếu thắng trong lòng bà và tạo động lực để bà nghiêm túc đi trên con đường phiên dịch này.
Năm 35 tuổi, bà Mariko được đề bạt làm phiên dịch tại Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia đang phát triển. Con đường sự nghiệp của bà tưởng chừng mở rộng nhưng chẳng lâu sau đó, biến cố gia đình lại đổ ập xuống người phụ nữ này. Năm 40 tuổi, bà ly hôn. Ảnh hưởng tâm lý kéo theo ảnh hưởng đến công việc. Trong một lần phiên dịch, bà đã mắc lỗi, không theo kịp lời của diễn giả và phải chịu sự chỉ trích.
Nhưng lần nữa, Mariko có lại động lực nhờ mẹ của mình. Hôn nhân đổ vỡ, công việc không như ý nhưng bức thư tay từ người mẹ đã động viên Mariko, giúp bà đứng lên sau vấp ngã, trở lại với con đường của mình và trở thành một phiên dịch viên tuyệt vời được nhiều người công nhận.
Nghệ thuật chuyển đổi ngôn ngữ của Mariko Nagai
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (nhiệm kỳ 2009 - 2018), ông Mustapa Mohamed từng dành lời khen cho bà Mariko rằng: “Hoàn hảo từ cách phát âm cho đến từ ngữ chuyên ngành.” Cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ cũng từng khen ngợi Mariko: “Cô ấy là phiên dịch viên số 1 Nhật Bản.”
Để dịch cơ bản, bạn cần có ngôn ngữ nhưng để dịch chuyên nghiệp, đặc biệt là dịch cabin (*), bạn cần phải có cả kỹ năng, kiến thức và tinh thần. Trong những hội nghị, hội thảo quan trọng, việc phiên dịch đòi hỏi người dịch phải thật tự nhiên, không được chậm trễ, có thể nắm bắt ngay lập tức ý của diễn giả và truyền đạt lại bằng ngôn ngữ yêu cầu.
Bắt đầu công việc từ ngày còn trẻ, hơn 40 năm trong nghề, đến tận năm 70 tuổi, bà vẫn tiếp tục công việc hỗ trợ Đoàn ngoại giao Nhật Bản. Bà Mariko từng chia sẻ rằng: Đối với bà, dịch cabin là một môn võ thuật. Bởi công việc dịch này giống như một trận đấu thực sự. Người dịch trải qua quá trình lắng nghe - lý giải - phân tích - dịch lại và thực hiện quá trình ấy chỉ trong vòng từ 1 - 2 giây.
Bởi tính chất công việc có liên quan đến ngoại giao tuyến đầu nên bà vẫn luôn tìm hiểu tất cả từ tình hình kinh tế, chính trị và cả thảy những gì có liên quan đến Nhật Bản cũng như những nước khác. Khi được hỏi về biện pháp để dịch tốt, bà cho rằng đó là ở sự chuẩn bị. Cho đến giờ, khi công nghệ điện tử phát triển hơn, bà vẫn dùng sổ ghi chép để ghi chú từ vựng bằng tay. Bà vẫn còn giữ những quyển sổ ghi chép từ vựng đầu tiên của mình từ năm 1976 cho đến tận giờ. Và bà cho rằng việc ghi chép bằng tay sẽ giúp bà nhớ nhanh hơn.
Trước mỗi buổi phiên dịch, bà Mariko sẽ dành thời gian ghi chú những từ vựng có thể xuất hiện ra sổ và làm thẻ từ vựng. Đáng nói ở đây là không chỉ những từ chuyên môn mà thậm chí những từ cơ bản có thể là từ khóa trong buổi hội nghị, bà vẫn ghi chép rất kỹ càng. Bản thân bà cho rằng: “Sự chuẩn bị và nỗ lực sẽ không bao giờ phản bội ta.” Bà cũng nói bản thân biết một ngày cũng chỉ có 24 giờ, vì vậy thà chúng ta chuẩn bị hết sức hơn là chỉ chuẩn bị 80% rồi tiếc nuối vì bản thân có thể làm tốt hơn thế.
Một bí quyết khác của bà chính là sử dụng tiếng Nhật dễ hiểu. Cho đến những năm 70 tuổi, bà vẫn luôn mài giũa năng lực tiếng Nhật của bản thân. Mariko chia sẻ rằng bà đến Chùa Vàng (Kinkakuji) đều đặn để tham dự những buổi ngâm thơ và học làm thơ waka.
Đối với bà Mariko, phiên dịch không chỉ là dịch ngôn ngữ mà còn là truyền tải giọng điệu, thái độ của diễn giả. Trong quá trình phiên dịch, bà vừa dịch vừa nhập tâm vào người nói để có thể truyền tải được nội dung, thông điệp đúng đắn nhất.
Trong sự nghiệp của mình, bà Mariko đã làm việc cho nhiều khách nước ngoài khác nhau, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, chủ tịch công ty, vận động viên và ngôi sao điện ảnh. Bà cũng tham dự nhiều hội nghị thượng đỉnh với tư cách là thông dịch viên cho các thủ tướng, xuất hiện cả trong cuộc đua giành quyền đăng cai tổ chức Olympic và Paralympic 2020… Câu chuyện về bà chắc chắn sẽ là nguồn động lực cho tất cả những ai đang muốn bước đi trên con đường phiên dịch chuyên nghiệp này.
(*) Dịch cabin: là loại hình mà người phiên dịch thường ngồi trong một cabin cách âm, nghe người nói bằng tai nghe và dịch vào microphone, người phiên dịch phải dịch song song ngay sang ngôn ngữ đích trong khi người phát biểu đang nói.
kilala.vn