Bạn có bao giờ thử tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu một cuốn sách được viết bằng tiếng Nhật nhưng tác giả lại không phải người Nhật chưa? Trên thực tế, có rất nhiều những cuốn sách như thế và câu chuyện đằng sau nó thực sự rất thú vị.
Hãy quay trở lại thời điểm năm 2009 khi giải thưởng văn học Akutagawa lần thứ 141 được trao cho nữ tác giả người Iran - Shirin Nezammafi với tác phẩm "Shiroikami". Ngay lập tức, nó đã trở thành một đề tài tranh luận hết sức nóng hổi, thu hút sự chú ý của toàn bộ giới văn học Nhật Bản lúc bấy giờ. Trước đó, giải thưởng Akutagawa lần thứ 139 cũng đã được trao cho một tác giả không phải người Nhật là bà Yang Yi người Trung Quốc với tác phẩm "Tokiga nijimu asa".
Việc một giải thưởng danh giá nhất Nhật Bản lại 2 lần liên tiếp được trao cho người nước ngoài đã khiến nhiều người Nhật có những đánh giá tiêu cực. “Một cuốn tiểu thuyết mà nước Nhật hay người Nhật đều không được đề cập thì có được xem là tác phẩm văn học Nhật Bản hay không?”, “Nếu nội dung không liên quan đến Nhật Bản, thì liệu có cần thiết phải viết bằng tiếng Nhật không?“, hay “Như thế thì có khác gì những tác phẩm nước ngoài dịch sang tiếng Nhật đâu? Thậm chí tiếng Nhật còn không hay bằng nữa”,... đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình với quyết định của ban giám khảo.
Trái lại, giáo sư Numano Mitsuyoshi của đại học Tokyo đã phát biểu rằng: “Chính vì nội dung không liên quan đến Nhật Bản mà tác phẩm mới có giá trị.” Tiểu thuyết Shiroikami của Nezammaphi viết về tình yêu của những người trẻ Iran giữa cuộc nội chiến ở đất nước họ. Còn tác phẩm của Yang Yi lại xoay quanh câu chuyện về cuộc đời hai chàng trai theo đuổi lý tưởng của mình trong những năm tháng chính trị đầy biến động ở Trung Quốc. Giáo sư Suhara Satoru giảng dạy tại trung tâm dành cho du học sinh ở Đại học Tokyo cũng nói rằng: “Có nhiều điều mới mẻ trong các tác phẩm của họ. Trái lại, đề tài trong tác phẩm của các nhà văn trẻ người Nhật vẫn còn bị gò bó trong khuôn khổ Nhật Bản.” Việc chấp nhận những tác phẩm này là một phần của văn học Nhật Bản đã giúp chính nền văn học Nhật Bản trở nên đa dạng hơn.
Ngoài ra, thành viên của hội đồng giải thưởng Akutagawa là ông Yamada Eimi cũng đưa ra đánh giá của mình: “Chúng tôi công nhận nỗ lực viết bằng tiếng Nhật của họ.” Cả Yang Yi và Nezammafi đều không sinh ra và lớn lên ở Nhật, họ cũng chỉ học tiếng Nhật sau này mà thôi. Văn phong của hai tác giả đương nhiên không thể “tự nhiên” như người Nhật. Tuy nhiên, điều ban giam khảo đánh giá cao chính là thứ tiếng Nhật có chút khác lạ, mới mẻ này. Sự thu hút của tiếng Nhật do người nước ngoài viết nằm ở việc nó thoát ra khỏi tư duy thông thường của người Nhật. Những cách nói, cách biểu đạt tuy viết bằng tiếng Nhật đấy nhưng lại hoàn toàn mới lạ với người Nhật. Đó là vì các tác giả người nước ngoài tư duy theo nền văn hóa riêng của họ. Vô tình, tiếng Nhật đã trở nên phong phú hơn, nhiều màu sắc hơn. “Các tác phẩm đã chứng tỏ khả năng còn có thể biến hóa, phát triển được nữa của tiếng Nhật”, trích lời ông Yamada Eimi.
Có thể nói, mục đích trao giải thưởng Akutagawa cho hai nhà văn trên đã thể hiện tầm nhìn xa hơn cho tương lai của văn học Nhật Bản. Đó chính là khuyến khích và chào đón những tác giả người nước ngoài sáng tác bằng tiếng Nhật. Có thể chính họ sẽ mang đến những đề tài mà nền văn học Nhật Bản chưa có, và còn làm tiếng Nhật trở nên mềm mại hơn, phổ biến hơn.
Tôi tự nghĩ rằng, nếu hai tác phẩm này được viết bằng tiếng Anh hoặc giả như không đạt giải Akutagawa của Nhật thì có lẽ đã không gây tranh cãi đến mức ấy. Vì sao tiếng Nhật phải “tự nhiên như người Nhật” thì mới được công nhận? Liệu người Nhật có phải vẫn còn đang quá khắt khe trong việc người nước ngoài sử dụng tiếng Nhật không? Hãy thử nhìn sang tiếng Anh.
Có vô vàn những tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ Anh mà tiếng mẹ đẻ của tác giả chẳng phải tiếng Anh. Trên thế giới có tiếng Anh-Anh, Anh-Mỹ, Anh-Úc, Anh-Sing,... rất nhiều những biến thể của tiếng Anh. Và không ai đánh giá một người Úc hay người Mỹ có nói “tự nhiên” như người Anh hay không. Nền văn học tiếng Anh trở nên phong phú phần lớn là nhờ việc các tác giả có thể thoải mái dùng tiếng Anh để thể hiện suy nghĩ của mình. Nhà văn người Mỹ sáng tác bằng tiếng Nhật – ông Ribi Hideo (Ian Hideo Levy) chia sẻ: “Muốn có được một nền văn chương phát triển vượt biên giới, thì phải dám mạo hiểm trong việc sử dụng ngôn từ. Ngôn ngữ phải chấp nhận mạo hiểm thay đổi để tự do hơn.”
Trong thời đại mà “quyền lực mềm” là điều các quốc gia tiên tiến đều chú trọng thì ngôn ngữ phổ biến chính là công cụ quan trọng nhất. Nhật Bản đã "xuất khẩu" văn hóa thành công rực rỡ với anime, ẩm thực,... Vậy còn tiếng Nhật thì sao? Làm sao để quốc tế hóa ngôn ngữ khó nhằn này đây? Có lẽ chính người Nhật nên cởi mở hơn trong việc để người nước ngoài tự do viết tiếng Nhật theo suy nghĩ của mình. Nói một cách ngắn gọn là “địa phương hóa” tiếng Nhật. Chúng ta hãy cùng chờ xem tiếng Nhật sẽ biến đổi ra sao trong tương lai.
kilala.vn