Review "Xứ tuyết": Sự tương giao giữa cái đẹp và nỗi u hoài

Bài: Ngân HàAug 10, 2017

Tác phẩm Xứ tuyết (雪国 Yukiguni), cùng với Ngàn cánh hạc (千羽鶴 Senbazuru) và Cố đô (古都 Koto) đã đem lại cho Kawabata Yasunari giải Nobel Văn học danh giá vào năm 1968 và nâng tên tuổi của văn hào lên tầm cỡ thế giới. Để có thể khắc họa trọn vẹn vẻ đẹp của linh hồn Nhật Bản qua ngòi bút của mình, Kawabata đã dành 13 năm để hoàn thành tuyệt tác này.
xutuyet-sachkhaitam.jpg

(Ảnh: NXB Văn Học)

Chuyện của những chuyến hành trình, 1 chàng trai và 2 cô gái

Câu chuyện kể về chàng tài tử Shimamura từ Tokyo với ba lần đến thăm vùng núi suối nước nóng. Tác phẩm gây ấn tượng từ câu đầu tiên mở đầu với con tàu đưa Shimamura xuyên qua đường hầm núi, báo hiệu sự chuyển đổi không gian giữa thế giới hiện thực của Shimamura và thế giới huyền ảo của xứ tuyết. Chàng Shimamura đến thăm xứ tuyết lần đầu vào mùa xuân và gặp gỡ nàng Komako. Là một geisha vùng núi, nàng thường chơi đàn shamisen góp vui và uống rượu trong những bữa tiệc của du khách đến với xứ tuyết. Lần đầu tiên gặp Komako đã để lại trong lòng Shimamura dấu ấn khó phai về vẻ đẹp trong trẻo của nàng. 
Xu tuyet (4).jpg
(Ảnh: Flickr)
Lần thứ hai đến xứ tuyết vào mùa đông, khi Shimamura tình cờ chú ý tới nàng Yoko trên chuyến tàu hỏa đến xứ tuyết. Dung nhan của người thiếu nữ ngồi đối diện với chàng hiện lên trên khung cửa kính của toa tàu, khiến chàng như bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thánh thiện và hư ảo ấy. Giọng nói trong thanh, phảng phất nỗi buồn của Yoko khi nàng cất tiếng nói càng gợi lên rung động trong lòng Shimamura. Ở xứ tuyết - xứ sở đẹp đẽ mà u buồn và cô độc ấy, tâm hồn của một kẻ chuyên tâm theo đuổi cái đẹp của Shimamura vừa bị mê hoặc, vừa bị giằng xé giữa hai mối tình với Komako và Yoko.

Cốt truyện đứt quãng, tương phản nhưng thu hút lạ kì

Cách Kawabata xây dựng hình tượng nhân vật tưởng như tương đồng mà đối lập giữa hai nàng thơ Komako và Yoko trong lòng Shimamura là một điểm đặc sắc trong nghệ thuật truyện. Vẻ đẹp tràn đầy sức sống của Komako được khắc họa vô cùng sắc nét và sống động qua trái tim yêu thương nhiệt thành và tràn đầy đam mê của nàng dành cho Shimamura. Mặc dù Komako luôn sẵn sàng hiến dâng tình cảm chân thành không đòi hỏi đền đáp, mọi hình ảnh về nàng đều biến mất trong tâm trí Shimamura khi chàng bước ra khỏi xứ tuyết. Tất cả những gì gợi nhớ về Komako chỉ là ngón tay trỏ còn đọng lại sự tiếp xúc với Komako ở bàn tay trái của chàng. Vì sự say mê Shimamura đối với Komako bắt nguồn cứ cái đẹp chứ không phải vì nội tâm hay tính cách của nàng, chàng khó có thể mở lòng mình trọn vẹn trước tình cảm mãnh liệt của Komako. Trong mắt Shimamura, vẻ đẹp tinh khôi và tấm lòng chan chứa tình yêu nồng ấm của Komako không thể thắng được nỗi bi ai và buồn thương phảng phất trong sự hiện diện của nàng. 
Xu tuyet (1).jpg
Cái đẹp song hành cùng cái tịch mịch u buồn - một nét đặc trưng trong quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản đã được Kawabata kế thừa và khắc họa xuất sắc qua tuyệt tác Xứ tuyết. (Ảnh: Flickr)
Nếu Komako đại diện cho vẻ đẹp rất “thực” và sống động thì vẻ đẹp thanh khiết củaYoko lại mong manh như hình ảnh phản chiếu của nàng trên tấm kính toa tàu. Vẻ đẹp thanh cao và thoát tục như sương khói ấy không thể chạm vào được mà chỉ có thể chiêm ngưỡng mà thôi. Sau khi Shimamura bắt gặp Yoko trên con tàu vào lần thứ hai đến với xứ tuyết, dường như tâm trí chàng đã bị chinh phục hoàn toàn bởi vẻ đẹp thoát tục của Yoko, một vẻ đẹp chàng hằng khao khát và theo đuổi. Chàng không nhớ gì đến Komako nữa, chỉ còn lại Yoko mà thôi. Điều này cũng lý giải vì sao câu chuyện được mở đầu với lần thứ hai Shimamura đến với xứ tuyết khi chàng tình cờ diện kiến Yoko thay vì lần đầu tiên với Komako. 
Nghệ thuật tương phản trong truyện còn được thể hiện qua kết truyện với cái chết của Yoko. Ngọn lửa đỏ rực bùng lên giữa nền tuyết trắng, cũng như sự đối lập giữa ánh sáng choáng ngợp của lửa với bóng tối huyền bí của bóng đêm đã trở thành điểm nhấn của câu chuyện. Dưới con mắt duy mỹ của Shimamura, vẻ đẹp mong manh của Yoko đã được chuyển hóa từ sự sống sang cái chết mà vẫn giữ nguyên sự hoàn mỹ. Chứng kiến cái chết của Yoko, dường như Shimamura cũng trải qua sự ảnh hưởng và biến đổi mạnh mẽ về mặt tâm hồn với hình ảnh dải Ngân hà cuộn chảy thét gầm xuyên qua con người chàng. 
Ẩn dưới cốt truyện đơn giản và có phần đứt quãng của Xứ tuyết là thế giới quan độc đáo với những rung cảm thẩm mỹ vô cùng tinh tế của tác giả. Cái đẹp và nỗi bi ai, sự tương giao hài hòa giữa con người với khung cảnh thiên nhiên, sự tương phản về sắc thái trong cách khắc họa chân dung và nội tâm nhân vật đã góp phần tạo nên cái hồn độc đáo của tác phẩm. Giữa khung cảnh xứ tuyết, hình tượng các nhân vật hiện lên vừa sắc nét chân thật, vừa lãng đãng huyền ảo dưới ngòi bút chứa đựng cả thi và họa của Kawabata. Ông đã xuất sắc kế thừa quan niệm thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản như yuugen (huyền bí), wabi-sabi (thanh nhã, vô thường) và tính chất cô đọng mà giàu sắc thái của thơ haiku để có thể viết nên Xứ tuyết, một tuyệt tác in đậm dấu ấn Nhật Bản cả về nội dung và nghệ thuật.
Ngân Hà/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU