Sau thành công vang dội của Kitchen - tác phẩm đã lan tỏa hiện tượng Bananamania lên tầm quốc tế, Banana Yoshimoto trở thành cái tên nổi bật bậc nhất trên văn đàn Nhật Bản. Nắp biển một lần nữa chứng minh sức ảnh hưởng của vị nữ tác giả độc đáo này.
Ca khúc Nắp biển của Hara Masumi chính là ca khúc yêu thích của nhân vật Hajime trong truyện. “Ai là người bước lên từ biển, trên bãi biển một ngày Hạ tàn. Người cuối cùng ấy đã trở về nhà mà không đóng nắp biển. Vì vậy mà biển cứ mãi mở toang”. Sự mênh mông của biển cũng chính là sự mênh mông trong lòng người. Nếu có thể, hãy lắng nghe Nắp biển và chậm rãi đọc bài review này.
Câu chuyện của Nắp biển không quá kịch tính, và vắng bóng những mối tình ngang trái như trong những tác phẩm khác của Banana. Hai cô gái bình thường, gặp nhau trước biển, dần hiểu nhau, thương mến nhau. Nghe tưởng chừng đơn giản thế thôi, nhưng những triết lí sâu xa ẩn nhẫn dưới lớp vỏ bọc ngôn từ tinh tế không hề ít hơn các tác phẩm khác. Cái chết, sự quên lãng, sự tàn nhẫn của thế giới con người đều được tác giả khắc họa hết sức rõ nét qua những rắc rối, nỗi đau và suy nghĩ của hai nhân vật chính.
Banana Yoshimoto từng phát biểu rằng hai chủ đề chính trong các tác phẩm của bà là “sự cạn kiệt của giới trẻ Nhật Bản trong Nhật Bản đương đại” và “cách thức mà những trải nghiệm ghê sợ định hình cuộc đời một con người”. Trong Nắp biển, Hajime, với vẻ ngoài mong manh, nhợt nhạt, lại là cô bé tiềm ẩn một tâm hồn kiên cường và những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, chính là đại diện tiêu biểu cho một đứa trẻ được định hình bằng đau đớn và mất mát. Còn Mari, người đã rời bỏ Tokyo để trở về nơi chôn rau cắt rốn - một thị trấn mấy năm trước còn nhộn nhịp rực rỡ, nay ngấp nghé phai tàn, như một phản ảnh tiêu biểu của một thế hệ trẻ vì những mối lo toan cuộc sống nên phải đổ xô vào thành thị và guồng quay bất tận của công việc. Cái tài cố hữu của tác giả chính là như thế, khắc họa bao quát tình hình xã hội mà không dùng đến ngôn từ trực diện.
Nắp biển, giống như các tác phẩm khác của Banana, thấm đẫm một phong vị đặc trưng không thể gọi tên của riêng tác giả. Thế giới của Banana Yoshimoto luôn là một khoảng giao hợp của con người và tự nhiên, của con người và những lấp lánh trừu tượng. Với Banana, mỗi nhành cây ngọn cỏ, mỗi viên đá, mỗi tòa nhà trong Nắp biển đều nuôi dưỡng sự đẹp đẽ, những kí ức về một thời đã xa, đều vương tình yêu mến của những con người dã vì nó mà rung động. Không có tình cảm nam nữ, nhưng Nắp biển, vẫn là tràn ngập tình yêu. Tình yêu giữa hai tâm hồn tri âm, tình yêu thiên nhiên, tình yêu kí ức, tình yêu mỗi sự vật của quê hương, chảy tràn mãnh liệt xuyên suốt tác phẩm.
Thời khắc chia tay, khi hai cô gái nói với nhau “Năm nay, chị em mình đã đóng nắp biển cẩn thận rồi.” chính là thời khắc những nỗi đau chừng đã thực sự được xoa dịu, mỗi nhân vật đều đã tìm lại được “niềm vui cuộc sống” và đủ dũng khí để bước tiếp trên con đường mình lựa chọn.
Cũng như Mari và Hajime luôn cảm thấy ấm áp và thanh thản khi đắm mình vào lòng biển, độc giả đắm chìm trong ngôn từ rất đỗi dịu dàng của Nắp biển đều sẽ cảm thấy tâm hồn như được gột rửa qua một làn nước biển, khoan khoái thanh sạch đến diệu kì. Nắp biển không dài, có thể đọc xong trong một buổi chiều, nhưng dư âm nó gieo vào lòng độc giả sẽ còn dai dẳng đến nhiều ngày sau, nếu bạn thực sự đắm mình vào cái đẹp của tâm hồn nhân vật và cái vỗ về trìu mến của mẹ thiên nhiên.