Review Dạ Khúc, Năm Câu Chuyện Âm Nhạc Và Đêm Buông
Bài: Phương Thuỳ/ docsach.orgJan 11, 2018
Trong từng con chữ, tôi đã tưởng tượng như Kazuo Ishiguro đã tạo ra những âm khúc, những bản nhạc jazz văng vẳng bên tai tạo ra một nhịp điệu của ngẫu nhiên, như sự bình lặng dịu dàng của các bản Nocturne, như thể người đọc, hoặc khán giả đang ngồi trong quán bar địa phương để xem buổi diễn nhỏ của band nhạc mới toanh. Ban nhạc ấy chơi bằng cả tình yêu lẫn nỗi đau buồn, sau đó là màn solo của một cây cello, một saxophone, một tay guitar đang ngẫm nghĩ trên giai điệu của ca khúc mới…
Người ta có thể nghe được gì trong một cuốn sách viết về âm nhạc? (Ảnh: Nhã Nam)
Dạ khúc, năm câu chuyện âm nhạc và đêm buông là một trong những cuốn sách dịu dàng về tình yêu và thân phận con người, âm nhạc hiện diện, có người thì trở thành nguồn sống, có người thì trở thành kẻ đồng lõa với nỗi buồn mỗi khi đêm buông, có người thì đó là quá khứ vàng son... Karuzo đã chiêu đãi người đọc một buổi trình diễn đặc sắc với từng màn độc diễn lạ lùng và nhiều khắc khoải. Tác giả đã cho người xem nhìn thấy năm mảnh đời, năm câu chuyện trong những thời khắc cuối ngày, hoàng hôn và kém rực rỡ nhất. Đó là khoảng thời gian mà nhiều người cảm thấy họ muốn được ở một mình. Các địa điểm trong tập truyện này thường là các quán cafe, đặc biệt là tại Venice, nơi của nhân vật đầu tiên và cuối cùng xuất hiện trong tập truyện này. Một nơi cho phép người ta thả lõng bản thân vào những bản nhạc và những năm tháng xưa cũ.
“Mọi thứ đều thay đổi. Trẻ con chuyển qua nghe The Beatles, Rolling Stones. Dino tội nghiệp, cậu cứ hát như Bing Crosby. Cậu ta thử cho ra một đĩa bossa nova chỉ khiến người ta cười nhạo… Tôi không còn là người tên tuổi. Giờ một là tôi có thể chỉ việc chấp nhận và cứ thế mờ đi. Sống bằng hào quang của quá khứ. Hoặc tôi có thể nói, không, tôi chưa phải bỏ đi. Nói cách khác, tôi có thể làm một cú quay lại… Anh phải sẵn sàng thực hiện nhiều thay đổi. Anh thay đổi con người anh. Anh thay đổi cả một vài thứ anh yêu…” (Trích Người hát tình ca)
(Ảnh: Nhã Nam)
Không chọn cách thể hiện sự bay bổng hay đầy cao trào như một bản nhạc lớn, thay đổi tiết tấu liên tục, Kazuo đã chọn cách tiếp cận đơn giản, nhẹ nhàng như nhịp điệu dập dềnh của chiếc gondola. Từng nỗi lòng rút vào bóng tối, âm nhạc vang lên, I fall in love too easily
“I fall in love too easily, I fall in love too fast
I fall in love too terribly hard, for love to ever last
My heart should be well schooled, ’cause I’ve been fooled in the past
And still I fall in love too easily, I fall in love too fast”
Người ta bây giờ không chỉ còn thích nghe những bản tình ca u sầu nữa, người ta thích nói về ca sĩ đang lên, một scandal mới, nữ ca sĩ thần tượng đang có quan hệ tình ái với nhà sản xuất quyền lực… và âm nhạc đã thay đổi. Những âm thanh thỏ thẻ đã không còn hợp thời. Nam danh ca trong truyện ngắn đầu tiên đã phải cúi đầu chấp nhận trước sự thay đổi, và bởi vì, tình yêu âm nhạc của ông vẫn còn quá lớn. Sự dằng xé, mâu thuẫn nội tâm của nhân vật khi đứng trước quyết định lớn đã được thể hiện một cách khẽ khàng, nhưng ẩn chứa sau đó là sự tròng trành đến đáng sợ của một tương lai phía trước, khi ông đã từng bước lui dần về ánh hoàng hôn, khi thị trường âm nhạc đang tìm cách từ chối những lão già nghiêm túc như ông.
Trong khi đó, truyện ngắn Mưa đến hay nắng đến, kể về một cặp vợ chồng đã từng nghe chung những bài hát broadway của Mỹ ngày xưa, đang trên bờ vực rạn nứt vì những quan điểm khác nhau, kể cả gu âm nhạc hiện thời. Cùng với sự chứng kiến của một người bạn chung, Kazuo đã mời gọi người đọc dũng cảm đối diện với những xung khắc trong cuộc sống hôn nhân. Một mối quan hệ sẽ ra sao nếu đến một thời điểm nào đó, một người vẫn còn chỉ nghe những bản nhạc chậm rãi quá mức như April in Paris của Sarah Vaughan, còn một người thì cảm thấy họ cần phải có “góc nhìn mới”. Một đôi vợ chồng sống giữa thành thị và luôn bị bao vây bởi tốc độ nhanh đến chóng mặt mỗi ngày, làm sao họ có thể nắm tay đi dạo giữa một buổi chiều ấm áp, tay trong tay chăm sóc những chậu cây, cùng chọn một đĩa than, làm thành giai điệu để họ tâm sự những chuyện trong ngày? Chúng ta đang phải đánh đổi quá nhiều cho cuộc sống, và nếu bằng một cách tế nhị nào đó, Kazuo hẳn đã ra một dấu hiệu ngầm, chính là sự thay đổi về cách nghe nhạc và chọn bài hát trong hiện tại.
Tác giả Kazuo Ishiguro (Ảnh: Reuters)
Dạ khúc, năm câu chuyện âm nhạc và đêm buông có cấu trúc đối xứng của một tập truyện ngắn đa tuyến, mỗi nhân vật đều có mắc xích liên quan với nhau, như hai truyện ngắn Người hát tình ca và Dạ khúc, một người phụ nữ luống tuổi, có chút nổi loạn và cả sự hằn học của những người thất thời, nhưng luôn giữ trái tim trinh bạch với thể loại âm nhạc mà bà từng si mê một thời. Cuốn sách như một thánh địa, là vũ trụ của những cuồng tín âm nhạc. Và đồng thời cũng đầy cô đơn. Thỉnh thoảng họ tan biến vào bóng đêm, “…thật là phấn chấn. Cả ngày anh là người tù ở đây, rồi lúc ấy anh hoàn toàn tự do, cảm giác thật tuyệt vời.”
Đối với tôi, việc đọc cuốn sách này cũng như một cách đối thoại với từng nhân vật, chúng tôi đang say sưa trong bản nhạc, như một giao ước để tìm lại sự thinh lặng cần thiết. Từng câu chuyện sẽ vặn điều khiển để phát ra tuần tự các bản nhạc, ở đó, chúng ta tận hưởng vẻ đẹp thong thả của ký ức đang quay trở lại bên mình.
Phương Thuỳ
Đọc Sách là chuyên trang phi lợi nhuận tập hợp những bài viết luận, bình, và cảm về sách cũng như các ý tưởng đến từ sách. Đọc Sách được thành lập vào tháng 1 năm 2017 bởi Đăng Trình, Phương Thùy và Huy Minh.
Website: https://docsach.org/