“Mùa thu của cây dương” hay mùa của những yêu thương

Bài: Khánh Hà
May 5, 2020

Ảnh bìa: sachnhanam.com

Từ trang bìa cho đến dòng chữ cuối cùng, “Mùa thu của cây dương” là một quyển sách lấp lánh những yêu thương rất đỗi bình dị.

Quyển sách là câu chuyện trở về của Chiaki, một y tá vừa quyết định bỏ nghề vì những bóng đen tâm lý ám ảnh từ những ngày tuổi thơ. Chiaki trở về với vùng quê mình từng sống, trở về với những ký ức hạnh phúc nhất ngày tháng đó, trở về với bà cụ chủ nhà - người đã dùng những yêu thương để xoa dịu nỗi đau mất cha của một cô bé sáu tuổi. Trên chuyến hành trình trở về ấy, cây dương vẫn trải vàng trong ký ức, và một cô bé đã tìm lại được chính mình. 

mùa thu của cây dương
Ảnh: sachnhanam.com.

“Mùa thu của cây dương” được Kazumi Yumoto sáng tác bằng ngòi bút bình lặng và nhẹ nhàng, khẽ khàng chạm đến những góc nhỏ của tâm hồn người đọc. Ra mắt từ những năm cuối thế kỉ XX, nhưng đến nay, hơn 20 năm trôi qua, câu chuyện vẫn đủ sức làm rung động bất cứ ai lật mở từng trang sách. Tác phẩm từng nhận giải Parents' Choice Award for Fiction vào năm 2002 và được dịch ra nhiều thứ tiếng, Nhã Nam cũng đã mua bản quyền xuất bản quyển sách này tại Việt Nam. Và tôi gọi, “Mùa thu của cây dương” là một quyển sách chữa lành.

Mùa thu của Chiaki: một mùa dịu dàng

Chiaki sáu tuổi chuyển đến Khu căn hộ Cây Dương trong những ngày cuối hạ, cùng với mẹ và một bóng đen tâm lý khó chịu sau khi người bố qua đời. Chiaki hai mươi năm sau trở về Khu căn hộ Cây Dương trong những ngày cuối thu, một mình cùng với nỗi sợ hãi khi phải sống. Nếu như năm sáu tuổi ấy Chiaki được bà cụ chủ nhà kéo ra khỏi bóng đen kia thì năm ba mươi tuổi, chính Chiaki đã tự tìm được cho mình cách đứng vững, tự tìm thấy cho mình cách để sống tiếp.

Bố qua đời để lại một khoảng hẫng hụt trong tâm hồn của hai mẹ con, cả hai như chìm sâu vào nỗi đau của chính mình. Một cô bé Chiaki nhạy cảm đến mức luôn lo lắng, sợ hãi và chẳng thể yên lòng về mọi thứ. Một người mẹ gắng gượng để giấu kín một sự thật đau thương, luôn tự trách mắng bản thân và luôn cảm thấy bất lực trước đứa con gái nhỏ. Hai tâm hồn yếu đuối ấy luôn tìm cách trốn chạy mọi thứ, vì sợ hãi, vì hoang mang, nghi ngại. Nhưng rồi ba năm ở Khu căn hộ Cây Dương, cả hai đã được nâng đỡ để bước đi từng bước thật chậm rãi mà vững chắc, để sống tiếp. Chiaki bắt đầu biết kết bạn, chơi đùa cùng mọi người, tìm thấy niềm vui trong những điều nhỏ bé, và cô bé đã bắt đầu để bố quay lại trong tâm trí bé nhỏ của mình.

mua thu cua cay duong

Chiaki trong lần đầu tiên nói chuyện cùng bà cụ chủ nhà đã nhận ra một điều thế này: “Khi ta mở lòng chuyện trò cùng thế giới bên ngoài, hẳn sẽ có biết bao điều từ thế giới ấy chảy vào ta.” Những điều nhỏ bé, giản dị nhưng chân thành ấy chảy vào cô bé, như dòng nước mát lành chảy vào những hố đen của tâm hồn, khiến lòng cô bé trở nên an yên và dịu êm hơn hẳn. Hai mươi năm sau, khi Chiaki trở về bên cạnh cây dương và bà cụ chủ nhà, tôi dường như nhìn thấy có một cô bé đang tìm cách nhìn thẳng vào bản thân, cố gắng trò chuyện cùng chính mình để hiểu và để yêu một Chiaki-đã-từng-tổn-thương-như-thế. Tôi thầm nghĩ, thật may vì năm đó hai mẹ con đã nhìn thấy cây dương sừng sững kia rồi đến ở trọ tại đây, và cũng thật may khi hai mươi năm sau cây dương vẫn ở đó, ở nơi mà nó luôn đứng.

Mùa thu của bà cụ chủ nhà: một mùa yêu thương

Tôi tự hỏi, không biết bà cụ chủ nhà làm thế nào để có thể thấu hiểu hết thảy những câu chuyện của người khác để rồi tìm ra cách để đưa cho họ một chiếc phao cứu sinh tâm hồn. Là do bà cụ đã đi qua quá nhiều đau thương để hiểu được từng chút những vỡ vụn trong tim ấy, hay là do vốn dĩ, người phụ nữ ấy được định sẵn sẽ trở thành người gửi gắm yêu thương đi khắp chốn và ủi an những trái tim kia. Nhưng dù lý do thật sự là gì, thì bà cụ chủ nhà vẫn khiến mình mỉm cười trong khi rơi nước mắt.

Một bà cụ khó tính, nấu ăn dở, ưa sạch sẽ, lại hay hù dọa trẻ con, mới nghe qua thôi đã cảm thấy đây chắc hẳn là nhân vật khó chịu nhất câu chuyện. Nhưng không, hóa ra chính bà là người yêu thương và được yêu thương nhiều nhất. Bà, như cây dương trước nhà, cứ lặng lẽ sừng sững ở đó, làm những việc của mình và làm yên lòng những người ở lại. Là cô bé Chiaki ở lại sau khi mất bố, là mẹ Chiaki ở lại sau nỗi đau mất chồng, là bác Nishioka ở lại sau những vất vả, đáng thương, là ông lão Yamane ở lại sau cái chết của con trai,... rất nhiều người ở lại sau những vết thương đã được bà cụ dán vào một chiếc băng cá nhân kì lạ nhưng hiệu quả. Như câu nói “Tình yêu thương sẽ cứu rỗi thế giới”, bà cụ chủ nhà này đã cứu rỗi rất nhiều con người.

mùa thu của cây dương
Ảnh: sachnhanam.com.

Không có cao trào kịch tính, không có những nhân vật khác biệt, tất cả những gì Kazumi Yumoto kể trong “Mùa thu của cây dương” đều là những vụn vặt, li ti của cuộc đời gom góp cùng một chút yêu thương của một bà cụ để trở thành miền mộng mơ và dịu dàng cho những ai đang cảm thấy mệt mỏi. Đi hết các trang sách, người ta sẽ phải dừng lại một chút, cảm thấy ngỡ ngàng đôi chút và nhận ra một điều: mình vẫn còn sống. Chính trong khoảnh khắc đó, những đớn đau kia, những tổn thương đó, những vất vả này, hết thảy đều sẽ trở nên như một cơn gió mạnh thổi qua cây dương và khiến nó rụng lá, việc của mình giờ đây chỉ là quét sạch đám lá ấy đi mà thôi.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU