Review cách "sống sót" trong hệ thống giao thông ở Osaka
Bài: An Thuỷ/ Cover: IndochinapostOct 17, 2017
Khi đến Osaka để du học, lần đầu tiên tiếp xúc với hệ thống giao thông ở Nhật, tôi đã vô cùng ngỡ ngàng và chứng kiến nhiều điều thú vị. Thành phố Osaka, là trung tâm kinh tế lớn thứ hai trong cả nước. Nơi đây nổi tiếng đã khai sinh món takoyaki, có rất nhiều di tích lịch sử cũng như biểu tượng bấy lâu nổi tiếng với bạn bè quốc tế. Đồng thời, Osaka có hệ thống hạ tầng và giao thông hết sức hiện đại, đa dạng. Giao thông ở Osaka đảm bảo sẽ khiến bạn có những trải nghiệm “đáng nhớ”.
Thành phố Osaka sầm uất. (Ảnh: osaka-info.jp)
Món Takoyaki "thần thánh" của Osaka. (Ảnh: migrationary)
Điểm danh các phương tiện giao thông tại Osaka
Limousine Bus - Airport Bus
Tại sân bay quốc tế Kansai có một hệ thống xe buýt rất tiện lợi tỏa đi nhiều hướng: Limousine Bus. Hệ thống xe buýt này giúp các bạn đi đến những điểm quan trọng khác trong vùng Osaka, ví như sân bay Itami. Xe buýt này rất sạch sẽ, không ám mùi và chạy rất êm. Bạn chỉ việc lên xe và ngủ một giấc cho đến khi có tiếng thông báo.
Các hệ thống tàu ở Osaka
Hẳn chúng ta khi nhắc đến hệ thống tàu điện Nhật Bản đều sẽ nghĩ ngay đến tàu điện ngầm ở Tokyo nơi một ngày có thể phục vụ hơn 8 triệu lượt khách, đến nhà ga Shinjuku trăm cửa.
Tôi đã từng nghĩ tàu điện chỉ đơn giản là tàu điện, cho đến khi đến Osaka và “tận hưởng” hàng loạt hệ thống tàu tại đây. Osaka có rất nhiều hệ thống tàu với rất nhiều hệ thống tàu tư nhân, trong đó có 5 hệ thống lớn nhất: Hankyu, Hanshin, Keihan, Kintetsu, Nankai. Thực ra, mỗi hệ thống này hoạt động cho một vùng nhất định và tên của chúng gần như chỉ ra phạm vi hoạt động. Ví dụ Hanshin (阪神 ) chính là ghép từ chữ thứ hai của Osaka (大阪) và chữ thứ nhất của Kobe (神戸)
Hệ thống tàu Hankyu (阪急): Phạm vi phía Bắc vùng Kansai, có 3 tuyến chính gồm Kobe, Takarazuka và Kyoto.
Hệ thống tàu Hanshin (阪神): Tổng cộng 33 ga, đi lại giữa Osaka và Kobe
Hệ thống tàu Keihan (京阪): Tổng cộng 39 ga, đi lại giữa Osaka và Kyoto
Hệ thống tàu Kintetsu (近鉄): Là hệ thống tàu lớn chỉ sau Tokyo JR Group, tạo một mạng lưới đi lại giữa Osaka, Nara, Kyoto, Nagoya, Tsu, Ise, và Yoshino.
Hệ thống tàu Nankai (南海): Hoạt động phía nam vùng Osaka
Ngoài ra, Osaka cũng có hệ thống tàu JR. Trên bản đồ hệ thống JR đặc biệt có Osaka Loop Line có vòng trong và vòng ngoài, đi qua 19 ga lớn thuộc trung tâm thành phố Osaka. Tuyến Osaka Loop Line này có thể giúp bạn đến hầu hết các điểm nổi bật trong thành phố Osaka như Lâu đài Osaka, bảo tàng Osaka, khu trung tâm mua sắm Umeda...
Cuối cùng, Osaka Monorail là hệ thống tàu điện trên không chạy tốc độ cao, cứ mỗi 3 phút dừng một ga, nhưng chính vì hiện đại nên giá cả rất đắt đỏ. Di chuyển 6 phút trên tàu Monorail sẽ “ngốn” của bạn 250 yên (khoảng 50 nghìn đồng).
Osaka Monorail ra đời năm 1990, hiện nay dài 28 km và từng được ghi nhận là tuyến monorail dài nhất thế giới trước khi Chongqing Monorail ra đời. (Ảnh: Wikipedia)
Những chuyện thú vị trên tàu điện
Mặc dù các nhà ga ở Osaka không đến nỗi có trăm cửa như nhà ga Tokyo, chúng vẫn có thể dễ dàng khiến bạn ra nhầm cửa và phát hiện bản thân đứng trên một con phố xa lạ chẳng biết đường về. Chẳng hạn với một người mới ở 3 ngày trên đất Nhật như tôi, lần đầu tiên bước ra khỏi ga và thấy trước mắt là những con hẻm lạ hoắc chứ không phải khu mua sắm sầm uất như lúc bước vào là một trải nghiệm hết sức “toát mồ hôi”.
Một số câu chuyện thú vị tôi quan sát được trong "văn hoá tàu điện" của người Nhật:
- Smartphone khắp nơi: Hình ảnh trên tàu điện tại Nhật, nhiều người cắm cúi vào smartphone hoặc đọc sách hẳn đã không quá xa lạ với chúng ta. Nhưng chiếc smartphone dường như đã đi rất sâu vào đời sống Nhật Bản, đặc biệt là giới trẻ. Không chỉ trên tàu điện mà lúc chờ tàu, thậm chí chỉ là đang đi bộ phải dừng lại chờ tàu qua, họ cũng có thể tranh thủ rút điện thoại ra để làm gì đó.
Dù có rất nhiều tàu, hệ thống tàu điện ngầm vẫn rất đông đúc, quá tải, đặc biệt vào giờ cao điểm. (Ảnh: Vân Anh)
- Nhiều người cho rằng đi tàu điện phải giữ im lặng vì tôn trọng người khác, nhưng điều đó không phải tuyệt đối! Trên những chuyến tàu tôi đi, tôi từng thấy hai người phụ nữ trò chuyện sôi nổi về việc trang điểm và chẳng hành khách nào nhăn mặt hay khó chịu, tôi từng thấy một cặp bạn bè bàn tán rôm rả về phong cảnh qua cửa sổ toa tàu và chẳng ai lấy làm phiền hà về chuyện đó. Miễn là bạn giữ âm thanh ở mức độ cho phép và không gây ảnh hưởng đến người khác, bạn hoàn toàn có thể trò chuyện vui vẻ trên tàu điện mà chẳng ai ý kiến gì.
- Có ai từng nghe rằng ở Nhật Bản việc nhường ghế cho người già là một sự xúc phạm? Tất cả các hệ thống tàu ở Nhật đều có những chỗ ngồi ưu tiên cho người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai. Một lần tôi thấy một cụ ông bước lên tàu điện và một thanh niên vội đứng dậy nhường chỗ, ông đã cảm ơn và ngồi xuống với vẻ nhẹ nhõm; một lần khác, khi một phụ nữ lớn tuổi đi không vững chống gậy lên tàu, hai bạn nữ liền đứng dậy đỡ bà ngồi xuống, và không hề có chút gì gọi là “bị xúc phạm” trong cách cảm ơn của người phụ nữ đó. Người Nhật vẫn tôn trọng người già và nhiều người già vẫn muốn được tôn trọng, được nhường nhịn.
- Cả tàu điện và xe buýt ở Nhật đều không cần phải nhanh chóng ra cửa chờ sẵn trước khi đến trạm như ở Việt Nam. Khi đến nơi, cửa mở và bạn mới rời khỏi ghế thong thả ra khỏi tàu cùng không sao. Tuy nhiên, rất nhiều người sẽ đứng sẵn trước khi đến trạm từ rất lâu, vì với nhịp sống dồn dập cùng lượng khách đi tàu quá đông, họ luôn muốn tiết kiệm thời gian cho mình cũng như cho người khác.
Vài mẹo "sống còn" khi di chuyển bằng tàu điện
- Đi theo mũi tên. Ở các ga lớn thường sẽ có tiếng Anh bên dưới tiếng Nhật. Bạn muốn đi hệ thống nào hãy tìm tên hệ thống đó và đi theo hướng mũi tên. Đừng hoảng nếu các mũi tên dẫn bạn đi lòng vòng ngót mười đến mười lăm phút, chỉ cần đảm bảo nhìn đúng hướng mũi tên chỉ là được.
- Tại các ga tàu ngay cửa ra vào thường có một phòng trực, nếu gặp bất cứ khó khăn gì, hãy đến đây hỏi người trực ga. Đồng thời, hầu hết các ga đều có nút bấm gọi trưởng ga, nhấn nút này trưởng ga sẽ đến giúp bạn.
(Ảnh: PIXTA)
- Đừng ngại nhờ giúp đỡ! Nếu bạn thấy một người Nhật đang mua vé, hãy lịch sự nhẹ nhàng nói “Sumimasen” và nhờ giúp đỡ. Có thể bạn không nói tiếng Nhật giỏi, nhưng chỉ cần nói tên trạm muốn tới (Đây là lí do nên dò bản đồ trước) và vận dụng “body language” thì họ luôn sẵn sàng mua vé giúp bạn.
- Tìm hiểu kĩ trước chuyến đi: Cũng như một bài viết tiếng Nhật thường có đủ 3 hệ thống chữ, việc di chuyển ở Osaka có thể khiến bạn phải chuyển tuyến nhiều lần. Ví dụ muốn đi từ Ishibashi đến lâu đài Osaka, ta phải đi tàu Hankyu Line đến ga Umeda, từ ga Umeda đi bộ đến ga Thành phố Osaka và chuyển sang JR Line để đi đến trạm Công viên Lâu đài Osaka. Cho nên, muốn đi đâu đều nên tìm hiểu kĩ trước để tránh tình trạng loay hoay giữa các ga lớn.
An Thuỷ/ kilala.vn