Xu hướng lựa chọn căn hộ có cách âm tăng cao ở Nhật

Nguồn: NikkeiJul 21, 2023

Để được la hét và đi lại thoải mái mà không sợ những lời phàn nàn, nhiều người đã lựa chọn những căn hộ có cách âm tốt.

Việc ô nhiễm tiếng ồn là điều tối kị đối với những người sống ở Nhật Bản nói riêng và các quốc gia phát triển khác nói chung. Nhưng mức sống đắt đỏ buộc mọi người phải chọn ở chung cư, đồng nghĩa với việc phải chịu sự “giám sát” âm thanh của hàng xóm.

Đối với những người làm các công việc đặc thù như ca sĩ, nhạc sĩ…, họ cần phải tập luyện, nhưng điều đó không tránh khỏi những lời kiện cáo của hàng xóm. Nhưng giờ đây, họ có thể thoải mái làm điều mình thích vì đã có căn hộ cách âm được gọi là "mususion", một từ ghép của "music" và "mansion" - một thuật ngữ chỉ căn hộ hoặc tòa nhà chung cư lớn ở Nhật Bản.

cách âm

Giáo viên thanh nhạc Yutaka Hosomi giảng bài từ căn hộ của anh ở tỉnh Saitama, gần Tokyo. Ảnh: Nikkei

Livlan, một nhà phát triển bất động sản ở Tokyo, đã giới thiệu những căn nhà ở cách âm cho các nhạc sĩ từ năm 2000. Công ty có tổng cộng 727 căn hộ trong 30 tòa nhà ở khu vực đô thị Tokyo, bao gồm 14 tòa nhà được xây dựng sau năm 2020.

Livlan đã tích cực xây dựng những tòa nhà như vậy kể từ khi COVID-19 bùng phát. Mặc dù giá thuê nhà cách âm cao hơn khoảng 30% so với nhà ở thông thường có kích thước và vị trí tương đương, nhưng Livlan có 2.800 người trong danh sách chờ chuyển đến.

Mức độ cách âm của một không gian được đo bằng "D-value" của nó. Con số này càng cao thì khả năng chống rò rỉ tiếng ồn càng tốt. Viện Kiến trúc Nhật Bản khuyến nghị D-value là 50 cho một căn hộ và chỉ định nó là "đặc biệt cách âm" nếu từ 55 trở lên. Hầu như tất cả các căn hộ trong các tòa nhà cách âm đều có D-value trên 70, một số lên tới 85. 

game

Một game thủ thoải mái chơi game tại căn hộ mới. Ảnh: Nikkei

"F---!!!," một nhân viên công ty hét lên trong căn hộ của anh ấy gần như mỗi đêm khi livestream chơi game trên YouTube. "Bất cứ khi nào bị kẻ thù tấn công, tôi đều hét lên, kể cả lúc nửa đêm", anh nói.

Game thủ 32 tuổi chuyển đến căn hộ cách âm của mình vào tháng 9/2022. Trước đó anh sống trong một tòa nhà bình thường nhưng bị buộc phải rời khỏi do những lời phàn nàn từ người hàng xóm kế bên. Anh đã thử dựng rèm ngăn tiếng ồn ở chỗ cũ và nhờ bạn của anh ta hét thật to, cố gắng xác định xem có thể nghe thấy tiếng ồn bên ngoài hay không. Anh bắt đầu phát trực tuyến quá trình chơi game của mình một cách thận trọng. Nhưng một ngày nọ, anh bắt đầu nhận được những lời phàn nàn về tiếng ồn và cuối cùng quyết định đổi căn hộ.

Một số streamer lắp đặt buồng cách âm trong phòng của họ, nhưng người đàn ông này quyết định chuyển ra ngoài vì "Tôi không muốn livestream từ một căn phòng nhỏ. Giờ tôi có thể hét to mà không phải do dự".

Yutaka Hosomi là một cư dân khác đang rất hài lòng trong căn hộ cách âm. Lúc 10 giờ sáng trong căn hộ ở tỉnh Saitama, anh ấy hát một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Nhật Bản Yuuri. Giọng hát trầm ấm của Hosomi vang lên một cách thoải mái mà không sợ làm phiền bất kì người hàng xóm nào. Hosomi là một giáo viên thanh nhạc. Anh ấy cũng đăng nhạc của riêng mình trên YouTube. "Tôi liên tục livestream nhạc và video yêu thích của mình”.

chơi nhạc

Hiroko Yamakawa, một nghệ sĩ saxophone, đang tập chơi nhạc cụ và giảng bài cho học sinh trong căn hộ cách âm của mình. Ảnh: Nikkei

Nhưng đối với những người sống sau “bức tường âm thanh hạnh phúc” của chính họ, một câu hỏi được đặt ra: Làm gì khi người giao hàng bấm chuông cửa?

Một số căn hộ cách âm có công tắc bật đèn trong nhà khi bấm hệ thống liên lạc nội bộ. Điều này cho phép cư dân tập trung vào niềm đam mê âm thanh của họ mà không bỏ lỡ bất kì vị khách nào.

Vậy trước khi những căn hộ này xuất hiện thì các nhạc sĩ đã sống ở đâu? Hiroko Yamakawa, một nghệ sĩ saxophone, cho biết cô từng sống trong một tòa nhà nhiều căn hộ, nơi những người thuê nhà ngầm hiểu rằng: "Bạn có thể chơi nhạc cụ của mình, đồng nghĩa với việc bạn nên kiên nhẫn nếu hàng xóm gây ồn ào", cô nói. Nơi cô sống có nhiều sinh viên nhạc viện.

Yamakawa hiện sống trong một tòa nhà cách âm ở tỉnh Kanagawa, phía tây nam Tokyo. Cô không chỉ chơi saxophone mà còn dạy học trong căn hộ của mình. "Không có âm thanh từ các phòng khác, tôi có thể tập trung tốt hơn vào việc chơi nhạc", cô nói.

Thị trường nhà cách âm từng chỉ dành cho các nhạc sĩ và một số chuyên gia âm thanh khác. Nhưng nhu cầu đã tăng lên đối với những cư dân bình thường khi đại dịch khiến mọi người phải ở nhà. Theo khảo sát của trang web thông tin nhà ở Lifull Home's, số người cân nhắc mua nhà vì lý do cách âm đã tăng 80% so với trước đại dịch.

Các nhà phát triển bất động sản nắm bắt cơ hội, muốn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này. Ascot có trụ sở tại Tokyo đã hoàn thành tòa nhà chung cư cách âm đầu tiên ở Tokyo vào năm ngoái. Một đại diện của công ty cho biết: “Mọi người đang dành thời gian ở nhà theo nhiều cách khác nhau và điều đó đã tạo ra những nhu cầu như có thể làm việc tại nhà mà không bị làm phiền bởi tiếng ồn xung quanh”. 14 căn hộ của tòa nhà đã ngay lập tức tìm được người mua và Ascot có kế hoạch xây dựng thêm hai tòa nhà cách âm vào năm 2024.

Daiwa House Industry vào tháng 4 đã bắt đầu cung cấp các phòng cách âm có tên là Oto no Jiyuku (Khu vực âm thanh tự do) cho các ngôi nhà dành cho một gia đình. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU