Giá đắt đến mức nào?
Câu chuyện lịch sử
Chẳng phải đến thời điểm hiện tại trái cây Nhật mới bắt đầu có giá mà từ trong lịch sử đã thế. Thuở xưa, hoa quả chỉ xuất hiện trong các buổi yến tiệc truyền thống (Kaiseki) và được gọi là mizugashi (水菓子). Thời điểm này phổ biến nhất là dưa, lê Nhật, nho và hồng vì hương vị thơm ngọt, thịt mềm.
Ngoài ra, vào dịp cuối năm (Seibo) hay rằm tháng 7 âm lịch (Chugen) là hai mùa tặng quà quan trọng trong văn hóa Nhật với mục đích cảm ơn những người đã giúp đỡ mình và mong muốn một mối quan hệ lâu dài. Ở thời điểm đó, người dân thường sẽ mang tặng trái cây.
Đến tận cuối những năm 50 của thế kỷ 20, người Nhật vẫn xem trái cây là thức quý được dùng trong những dịp đặc biệt. Cho đến những năm 60, khi đời sống vật chất tốt hơn, thu nhập tăng, cộng với việc ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây, người Nhật bắt đầu dùng trái cây nhiều hơn. Nhưng cho dù có tăng thì số lượng tiêu thụ trái cây tại quốc gia này vẫn thấp hơn so với những nước khác.
Thời điểm hiện tại
Trái cây bình dân vốn đã đắt. Chẳng hạn như một quả dưa hấu có giá khoảng 8.000 yên (1.600.000VND), một trái chuối có giá khoảng 100 yên (20.000VND). Đó là chưa tính đến những loại trái cây cao cấp. Chẳng hạn như xoài Miyazaki được xem là trái cây cao cấp, một miếng xoài có giá 3.000 yên hoặc như giống dâu trắng độc đáo có tên gọi "Hatsukoi no Kaori" có giá lên đến hơn 200.000VND/trái.
Năm 2016, giá của một cặp dưa Yubari King (một loại dưa lưới được trồng trong nhà kính) được đấu giá trong một siêu thị ở Osaka với giá lên tới 3 triệu yên (khoảng 600 triệu VND). Chỉ điểm qua sơ một vài món, bạn có thể thấy được độ đắt đỏ của trái cây ở quốc gia này.
Nguyên nhân khiến giá trái cây Nhật Bản cao bất ngờ
Người tiêu dùng Nhật tuy nhận thức được độ đắt đỏ của trái cây nhưng vẫn chấp nhận. Nguyên nhân là do đâu?
Thứ nhất: Quá trình để có được trái cây
Xét về điều kiện tự nhiên của Nhật Bản về đất, nước, khí hậu có thể dễ hiểu rằng vì sao giá thành trái cây lại cao như vậy. Việc nuôi dưỡng cây trồng và thu hoạch trái cây đạt chất lượng để bán ra thị trường không phải là điều dễ dàng. Có thể dễ thấy, táo là loại trái cây tương đối phổ biến tại các quốc gia phương Tây vì điều kiện khí hậu thích hợp để trồng loại trái cây này. Nhưng tại Nhật Bản, táo chỉ được trồng ở một khu vực nhỏ phía Bắc nước này mà thôi. Hoặc quả dưa lưới nổi tiếng ở Shizuoka, dưa được trồng trong nhà kính, được kiểm soát về điều kiện nhiệt độ khí hậu nghiêm ngặt. Mỗi dây dưa trên một luống nhất định chỉ giữ lại một quả để tăng chất lượng trái.
Thứ hai: Giá cả đi kèm chất lượng
Trái cây khi bán ra thị trường Nhật đạt chuẩn mực cả về “ngoại hình” lẫn chất lượng. Trước khi tung ra thị trường, một số lượng lớn trái cây không đạt chuẩn sẽ bị “sa thải”. Cụ thể như loại dưa nổi tiếng ở Hokkaido: dưa King Yubari. Dưa chỉ được xem là đạt chuẩn khi cuống có hình chữ T, các mắt lưới đều và đẹp, hình dáng tròn và đúng giới hạn trọng lượng. Mỗi loại trái cây trước khi đến tay người tiêu dùng đều phải thông qua hàng loạt tiêu chuẩn, vì vậy, chất lượng cao sẽ đi kèm giá thành cao.
Thứ ba: Truyền thống lâu đời
Như đã nói ở trên, từ xa xưa, trái cây đã đóng vai trò nhất định trong văn hóa ẩm thực và nghi thức biếu tặng của người Nhật. Trong quá khứ, người Nhật thường đem trái cây dâng cúng thần linh thể hiện lòng kính trọng, còn các samurai sẽ đem biếu tặng những loại quả quý lên tướng quân để bày tỏ tấm lòng thành. Còn các nông dân, sau khi thu hoạch họ sẽ đem trái cây biếu tặng cho hàng xóm láng giềng nhằm bày tỏ sự quý trọng, thân thiết và cảm ơn vì đã giúp đỡ họ trong vụ mùa vừa qua.
kilala.vn