Hy sinh cả cuộc sống riêng tư để dành trọn tâm huyết cho việc phục vụ thực khách Nhật, đem lại sự thành công cho nhà hàng An Nam, quán ăn món Việt nổi tiếng vùng Shizuoka, khi trở về Việt Nam, chị lại mở tiếp nhà hàng Mirai chuyên phục vụ món Nhật cho người Việt.
Trước khi là đồng chủ nhân của hai nhà hàng phong cách Nhật mang thương hiệu Mirai (Tương Lai) ở Việt Nam, chị Lê Thị Hồng Vinh từng là giảng viên dạy tiếng Nhật tại Đại Học HUFLIT, sang Nhật tu nghiệp học tiếp lên tiến sĩ. “Nghiệp” làm nhà hàng đến tình cờ khi có người bạn rủ kinh doanh lĩnh vực này, vậy là nhận lời và xác định đây chỉ là công việc làm thêm một thời gian trong lúc chuẩn bị tiếp cho chuyện học vấn. An Nam ra đời, và ngày càng đi xuống, vắng khách, thậm chí có nguy cơ đóng cửa. Hồng Vinh đi đến quyết định phải dừng chuyện học hành để tập trung toàn lực cho nhà hàng.
Hồng Vinh về lại Việt Nam, tìm khắp các món ngon thuần Việt có khả năng phù hợp khẩu vị người Nhật đưa vào thực đơn, khi chế biến giảm các gia vị người Việt quen dùng nhiều như nước mắm, giảm độ ngọt. Nhà hàng An Nam dần được thực khách Nhật ủng hộ, và trở thành một trong những nhà hàng món Việt tốt nhất ở vùng Shizuoka.
Nói về sự thành công của An Nam ở Nhật, Hồng Vinh chia sẻ: “Người Nhật rất cầu toàn, trong ẩm thực họ càng kỹ tính hơn, và họ đánh giá người khác qua quá trình làm việc. Để xây dựng được thương hiệu ở Nhật rất vất vả, mình phải cho thực khách thấy được những nỗ lực, cố gắng, cả tình cảm và cung cách phục vụ của mình trong đó”.
An Nam thành công còn nhờ một lợi thế khác, ấy là người Nhật rất quý mến người Việt, mỗi khi đến quán ăn, hay tìm gặp cô chủ để trò chuyện, hỏi han, khi đi xa còn mua quà về tặng. Và đáp lại sự chân tình của thực khách, Hồng Vinh chia sẻ thêm: “Người Nhật khi xác định đi ăn món Việt, thông qua ẩm thực, họ rất muốn tìm hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam. Thế nên bất kỳ dịp lễ tết nào ở Việt Nam như mừng Quốc khánh, giỗ tổ Hùng Vương, ngày Phụ nữ Việt Nam, trung thu, tết Nguyên Đán… mình đều tổ chức các sự kiện và món ăn có nét gì đó gợi về văn hóa Việt, những khách quen không có mặt thì mình viết thư, viết thiệp tặng để bày tỏ lòng cảm ơn, và để họ nhớ đến mình. An Nam có khoảng 1.000 khách quen nên ngoài công việc nhà hàng, toàn thời gian còn lại mình đều phải dành trọn chăm lo cho thực khách”.
Trở về Việt Nam mở tiếp nhà hàng kiểu Nhật cũng là sự tình cờ khi Hồng Vinh biết thông tin về tập đoàn Aeon Nhật Bản sang TP.HCM mở siêu thị Aeon Tân Phú, những người bạn Nhật trong Hội các chủ nhà hàng vùng Shizuoka khuyên nên mở một quán Nhật để phục vụ thực khách Việt, họ sẽ hỗ trợ phần kỹ thuật, thông tin và giới thiệu các món Nhật đến Việt Nam. Vậy là Mirai ra đời, Hồng Vinh được những người bạn Nhật dạy cách chế biến món Nhật đặc trưng vùng Shizuoka như bánh gối trà xanh, rong biển… và chọn các món phù hợp với khẩu vị Việt để đưa vào thực đơn, học kỹ thuật chế biến và về lại Việt Nam, đích thân vào bếp hướng dẫn cho nhân viên thực hiện.
Ở Mirai, ngoài những món Nhật quen thuộc như Sushi, Sashimi, Hồng Vinh còn đưa về một nguyên liệu mới từ Nhật là bột than tinh tre để phối cùng những món ngon đặc trưng của quán như bánh gối than tre, mì than tre, tạo màu đen tuyền đẹp mắt và độ thơm ngon cho bánh, dai mềm cho mì. Nói về chuyện làm ăn ở Việt Nam, Hồng Vinh vui vẻ nói: “Công việc ở Việt Nam thoải mái và nhẹ nhàng hơn, ở Nhật giá nhân công cao nên mọi việc phải tự làm là chính. Thời gian đầu khi mở Mirai, cực công vì phải vào bếp chỉ dạy cho nhân viên, giờ chỉ cần theo dõi, kiểm tra, và dự định lâu dài sẽ mở thành chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Mirai ở Việt Nam”.
Thắc mắc về nguyên liệu bột than tinh tre, Hồng Vinh cho biết: “Người Nhật luôn tìm tòi để phát kiến ra những nguyên liệu có ích cho sức khỏe ứng dụng vào ẩm thực. Tre về cơ bản là loại cây hút chất thải, người Nhật vận dụng vào chế biến thành sản phẩm có thể ăn được. Bột than tinh tre phải qua các công đoạn làm than cực kỳ phức tạp, trước tiên tre được đưa vào lò ở nhiệt độ 800 – 1000 độ, đốt trong 10 ngày, sau đó làm nguội mất đến 10 ngày, than khi ra lò rất cứng, phải xay đạt độ nhuyễn đến mức một bụi hạt tre nhỏ chỉ bằng 1/16 bụi bột mì. Nguyên liệu làm than tre rẻ, nhưng thành phẩm khi ra đời lại rất mắc và có chức năng thanh lọc cơ thể”.