Thực phẩm chức năng ở Nhật Bản

Bài: Linh San/ Ảnh: Shutterstock, PIXTAMar 5, 2018

Với thế mạnh là truyền thống ẩm thực tự nhiên và lành mạnh, cùng nền tảng công nghệ tiên tiến, ngành thực phẩm chức năng Nhật Bản ngày càng bùng nổ. Những món ăn, thức uống, thậm chí thức ăn vặt ở xứ sở mặt trời cũng được nghiên cứu để bổ sung các dưỡng chất có lợi cho sức khoẻ, làn da.

Nước Nhật là cái nôi của thực phẩm chức năng

Khái niệm “thực phẩm chức năng” xuất phát từ Nhật Bản vào năm 1984 trong một nghiên cứu khoa học do chính phủ Nhật bảo trợ, nhằm khai thác lợi ích từ thực phẩm tự nhiên, giúp tăng cường sức khỏe cho người già, giảm gánh nặng khám chữa bệnh cho hệ thống y tế. Đến năm 1991, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên chính thức công bố tiêu chuẩn chứng nhận mang tính pháp lý dành cho các loại Thực phẩm đặc biệt cho sức khoẻ (Foods for Specific Health Use – FOSHU). Đó là nền tảng để ngành thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Chỉ vài năm gần đây, các loại thực phẩm chức năng mới xuất hiện nhiều ở Việt Nam, trong khi ở Nhật Bản, nó đã trở nên quen thuộc với đời sống hàng ngày từ hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, không ít người Việt hiện nay vẫn nhầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, ở Nhật Bản, nó được xác định là sản phẩm dành cho người khoẻ, sử dụng hàng ngày và phân biệt rạch ròi với các loại thuốc có tác dụng chữa trị.

Thực phẩm chức năng Nhật Bản

Theo Bộ Sức khoẻ, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, thực phẩm chức năng là “những loại thực phẩm có hiệu quả tốt đối với sức khỏe nhờ các dưỡng chất tự nhiên và những hoạt chất sinh học có trong nó“. Rõ ràng, các loại thực phẩm chức năng có vai trò tích cực trong việc hỗ trợ sức khoẻ và giúp phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, người dùng cần có nhận thức đúng về nhu cầu và mục tiêu của bản thân, hiểu rõ công dụng cũng như các thành phần của thực phẩm chức năng thì mới tận dụng được lợi ích của chúng. 


Thực phẩm chức năng Nhật Bản

Hệ thống pháp lý rõ ràng khiến người Nhật yên tâm sử dụng

Để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các nhầm lẫn vô tình hoặc những quảng cáo sai lệch mang tính cố ý, chính phủ Nhật ban hành các điều luật chặt chẽ về việc ghi thông tin và cam kết về sức khoẻ trên nhãn mác hay trong quảng cáo. Các sản phẩm có chứng nhận FNFC (Foods with Nutrient Function Claims - Thực phẩm có cam kết về chức năng dinh dưỡng, nhưng không cần chứng minh lâm sàng) hoặc FOSHU (Foods for Specified Health Uses - Thực phẩm đặc biệt cho sức khoẻ) thường được ưa chuộng và tin tưởng. Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng tốt nhưng không đăng ký tiêu chuẩn FOSHU, chỉ vì thủ tục phức tạp và chi phí quá cao. Chính vì vậy, Bộ Sức khoẻ, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vừa ban hành luật mới (triển khai từ tháng 4/2015) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất trong việc chứng nhận tiêu chuẩn FOSHU cũng như thúc đẩy thị trường thực phẩm chức năng Nhật Bản.
Để được in logo FOSHU trên nhãn mác, các sản phẩm phải vượt qua quá trình kiểm định chặt chẽ kéo dài khoảng 1 năm. Tính đến 2014, đã có hơn 1.100 sản phẩm TPCN được cấp tiêu chuẩn FOSHU ở Nhật Bản.

Các nguyên liệu và thành phần chức năng phổ biến nhất ở thị trường Nhật Bản

Astaxanthin: Chất chống oxy hóa, ngăn ngừa tia UV. Ngày càng được người Nhật quan tâm. Có trong cá hồi, cua, tôm, cá tráp...

Bột cỏ lúa mạch / cải xoăn: Dùng để sản xuất dòng nước ép rau quả màu xanh lá cây (aojiru).

Bột sụn (mucopolysaccharide): Bao gồm chondroitin sulfat, sulfat heparan, glucosamine, acid hyaluronic,... Sử dụng sụn của bò, cá mập...

Collagen và gelatine: giúp cải thiện độ đàn hồi và trẻ hoá làn da

Enzyme: Dòng sản phẩm này được sử dụng trong chế độ ăn uống đặc biệt hoặc thực phẩm ăn kiêng, đòi hỏi kỹ thuật độc đáo và kế thừa truyền thống sản xuất rượu lâu đời của Nhật Bản.

Glucosamine: Hỗ trợ giảm đau khớp.

 Axit Hyaluronic: Tác dụng duy trì độ ẩm. Được sử dụng trong mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và đồ uống.

 Dầu Krill: Có chứa Omega 3 và axit béo như: EPA, DHA, và astaxanthin. Ngày càng phổ biến trong việc thay thế cho dầu cá và dầu hạt lanh.

 Lutein: Chất chống oxy hóa. Có trong rau bina và bông cải xanh.

 Cỏ Peucedanum japonicum: Được gọi là “cỏ trường thọ” trong tiếng Nhật. Có chứa vitamin, khoáng chất, chất xơ, polyphenol, và Isosamidin, giúp giảm thiểu nguy cơ xơ cứng động mạch.

Placenta: Có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật (ngựa, bò, cừu), dùng trong mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung. Ngày càng phổ biến ở Nhật Bản. Được biết đến với hiệu quả dinh dưỡng, chống oxy hóa, antiglycosylation, cải thiện tình trạng da, và một số hiệu quả khác.

 Resveratrol: Chất chống oxy hóa. Có trong rượu vang đỏ và nho.

 Nghệ: Được biết đến với tác dụng cải thiện chức năng gan

Collagen type II: Được biết đến với tác dụng giảm đau khớp.

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU