Kendo (hay còn gọi là Kiếm đạo) là môn võ thuật xuất xứ từ Nhật Bản. Tiền thân của Kendoka (người học Kendo) là Samurai (võ sĩ đạo) nên Kendo được xem là môn võ thuật có tính đối kháng cao. Tuy nhiên không vì thế mà các Kendoka chỉ chú trọng đến việc thắng thua. Bên cạnh mục đích học kiếm thuật, Kendo còn giúp người học rèn luyện tinh thần võ sĩ đạo và nhân cách con người thông qua đường kiếm.
Năm 1986, Kendo du nhập vào Việt Nam, trong đó Kendo Tinh Võ là một trong những võ đường đầu tiên giảng dạy Kendo tại Việt Nam. Kilala đã có buổi trò chuyện cùng thầy Trần Hồng Minh cùng các võ sinh tại Kendo Tinh Võ để tìm hiểu thêm về môn võ thuật này.
Học văn hóa, lễ nghĩa qua Kendo
Chào hỏi
Trước và sau mỗi buổi tập, võ sinh đều phải chào và cảm ơn bằng tiếng Nhật. Nghi thức này nhằm thể hiện sự biết ơn đến sư tổ cũng như Sensei (giáo viên) và các môn sinh. Trong một buổi tập, cứ 3 phút các Kendoka lại đổi cặp để tập đối luyện, nên việc chào và cảm ơn được thực hiện rất nhiều lần, từ đó trở thành nguyên tắc đối với các Kendoka.
Thuật ngữ và trang phục Kiếm đạo
Trang phục sử dụng trong Kendo là Hakama, bên ngoài là áo giáp toàn thân bảo vệ Hông (Do), Eo (Tare), Mặt (Men), Tay (Kote). Thanh kiếm được sử dụng khi tập luyện, thi đấu được làm bằng tre, gọi là Shinai. Các bộ phận (được bảo vệ) trên cũng là những nơi Kendoka được phép ra đòn, Kendoka sẽ bị trừ điểm khi đánh vào những phần cơ thể không được bảo vệ của đối thủ. Do đó, mặc dù mang tính đối kháng nhưng Kendo được xem là môn võ gặp rất ít tai nạn, chấn thương
Về mặt thiết kế, Hakama có 7 nếp gấp (5 trước, 2 sau) tượng trưng cho 7 tính cách của người võ sĩ: Yuki – Lòng dũng cảm; Jin –Lòng nhân ái; Gi – Sự công bằng, ngay thẳng và chính trực; Rei – Sự lịch thiệp, lễ độ; Makoto – Lòng trung thực; Chugi – Sự trung thành và tận tụy; Meiyo – Danh dự và uy tín.
Tác phong trong kiếm thuật
Với người Nhật khi làm một việc gì đó thì tác phong, nghi thức luôn được xem là cái gốc, nền tảng của sự phát triển. Chính vì thế các tác phong cơ bản như: cách bước vào Dojo (sân tập), Seiza (ngồi quỳ kiểu Nhật), Rei (cách cúi chào) là bài học quan trọng đầu tiên mà các Kendoka được Sempai (tiền bối) hướng dẫn.
3 lưu ý về lễ khi bước vào thảm tập gồm có: cởi bỏ giày dép xếp ngay ngắn trên kệ hoặc bên ngoài thảm tập với mũi giày hướng ra cửa; cúi chào hoặc chào trong tư thế Seiza trước khi vào và luôn nhường cho Sempai và Sensei vào trước.
Về Seiza - ngồi quỳ kiểu Nhật, võ sinh cũng cần phải học để làm đúng. Ở tư thế này, hai ngón chân cái của hai chân xếp lên nhau, khoảng cách giữa hai đầu gối là 10cm- 15cm đối với nam, với nữ thì trong khả năng có thể khép gần vào nhau, thẳng lưng, hai tay để lên đùi, miệng khép, mắt nhìn thẳng về phía trước.
Kendo giúp rèn luyện nhân cách con người
Sự chú ý, tập trung
Trong Kendo có 10 đẳng nhưng lại không có sự phân biệt qua màu đai như Aikido hay các môn võ khác, khi tập luyện các Kendoka thường giao đấu ngẫu nhiên, bài tập cũng như nhau không phân biệt cấp đai; không những vậy mọi người còn đeo Men (mũ có lưới sắt) khó có thể nhìn rõ mặt. Vậy làm sao để phân biệt được đâu là Sempai, Kohai (hậu bối)?
Cách thứ nhất là chú ý tốc độ ra đòn của đối phương: Người có cấp đai cao sẽ ra đòn nhanh và chính xác hơn. Cách thứ hai là chú ý vị trí ngồi lúc chào sân của các Kendoka: Những người ngồi bên phải HLV thì cấp đai càng lớn.
Sự kiên nhẫn
Chị Ngọc Anh (tập Kendo được 6 tháng) tâm sự: “Một người thầy của chị chia sẻ kinh nghiệm rằng muốn tập Kendo giỏi phải tập luyện thường xuyên và mỗi ngày phải chém được đến khoảng chục ngàn cái. Việc tập chém nhằm giúp Kendoka tăng thể lực, sức bền và sự nhanh nhạy.” Bên cạnh đó, sự kiên nhẫn cũng giúp Kendoka hiểu rõ kỹ thuật cũng như rèn luyện sự bình tĩnh trong giao đấu nói riêng và cuộc sống nói chung.
Giải phóng cơ thể, suy nghĩ
Không khí trong sân tập Kendo thường khá ồn ào, do tiếng thét (Kiai) được sử dụng khá nhiều trong mỗi hoạt động luyện tập. Trong tiếng Nhật, Kiai được viết bởi hai chữ Kanji Hợp (sự trao đổi, hợp tác) - Khí (khí huyết). Có thể hiểu ở đây, tiếng thét giúp các Kendoka lưu thông khí huyết, tạo tinh thần sảng khoái trong tập luyện.
Giúp con người hoàn thiện bản thân
Nội quy của Kendo giúp võ sinh rèn luyện một tác phong gọn gàng, nghiêm túc. Khi vào tập thì võ phục phải luôn gọn gàng, móng tay phải được cắt ngắn, đặc biệt phải luôn đúng giờ. Những điều này tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ có ích trong một số trường hợp trong cuộc sống như làm việc. Mặt khác, Kendoka tuyệt đối không được đánh sau lưng đối phương. Điều này giúp con người rèn luyện tính thẳng thắn, hỗ trợ khá nhiều trong một ứng xử xã hội.
Một điều khá đặc biệt là những môn sinh hay HLV học Aikido thường học cả Kendo. Giải đáp điều này, thầy Trần Hồng Minh cho biết: “Đây là sự tiếp nối tư tưởng từ các võ sĩ Nhật Bản thời xưa. Trong thời buổi chiến tranh, các võ sĩ phải học nhiều môn võ để hoàn thiện bản thân trước kẻ thù. Ngày nay, việc học nhiều môn không chỉ giúp con người hoàn thiện kỹ năng võ thuật mà còn giúp hiểu rõ bản thân hơn để từ đó hoàn thiện bản thân”.
Hiện nay, với sự du nhập của một số môn thể thao mới như Gym, với tính chất dễ tập, có được cơ thể đẹp, hay không ràng buộc nhiều về nội quy, đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chọn Kendo như một lớp học không chỉ để nâng cao thể lực mà còn để rèn luyện bản thân. Với các đặc trưng vận động nhiều, dụng cụ an toàn, ít chấn thương, Kendo là môn võ thích hợp với tất cả mọi người, ngay cả phụ nữ và trẻ em (từ 6 tuổi trở lên).
Một số võ đường Kendo tại TPHCM:
CLB Tinh Võ (1 Lão Tử, phường 11, quận 5)
CLB Thế giới Võ thuật (142 Nguyễn Duy Dương, phường 3, quận 10)
CLB Kendo Toukai (139 Bắc Hải, phường 14, quận 10)
Hoàng Phượng Vũ/ kilala.vn