Sống tối giản và những tình huống "dở khóc dở cười"

Bài: NatsumeMay 13, 2021

Sống tối giản ngày càng được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên việc nhận định sai lầm về lối sống này gây cho nhiều người những tình huống khó xử. 

Người khởi xướng trào lưu "sống tối giản"

Lối sống tối giản được ra đời từ những năm 1960, lấy cảm hứng từ phong cách nghệ thuật nổi tiếng - minimalism. Nhưng chỉ khi series “Dọn nhà cùng Marie Kondo” phát hành trên Netflix mới thật sự tạo nên một trào lưu dọn dẹp không chỉ tại Nhật mà còn nhiều nơi trên thế giới. 

Trong tiếng Nhật, lối sống tối giản có tên gọi là "Danshari - 断捨離" (Đoạn Xá Li). Nói đến việc giải phóng những thứ không cần thiết đối với cuộc sống của mình, cả về vật chất lẫn tinh thần.

sống tối giản và những tình huống dở khóc dở cười
"Thánh nữ dọn dẹp" Marie Kondo, người tạo nên trào lưu dọn dẹp trên toàn thế giới. Ảnh: NemNem

Xem thêm:Nghệ thuật dọn dẹp nhà cửa của Marie Kondo 

Lầm tưởng về "sống tối giản" và những tình huống “dở khóc, dở cười”

Dù thịnh hành tại Việt Nam từ lâu nhưng có những người hiểu sai về lối sống này dẫn đến những tình huống "cười ra nước mắt". 

Vứt bỏ đi tất cả mọi thứ

Nhiều người cho rằng tối giản có nghĩa là vứt bỏ đi hết mọi thứ và khi họ nhìn thấy những tấm hình đẹp như mơ về một căn nhà phong cách tối giản trên pinterest, họ quyết tâm làm theo nhưng lại chọn cách “tiêu cực”. Một người vợ sau khi được truyền cảm hứng về lối sống tối giản, chị quyết định làm một cuộc “cách mạng” cho căn nhà của mình. Bắt đầu bằng việc thanh lý: sofa, máy nước nóng, lò vi sóng, máy giặt...

lầm tưởng về sống tối giản
Một góc phòng khách tối giản "kiểu mẫu". Ảnh: Pixta

Ban đầu, mọi chuyện khá ổn khi các thành viên trong gia đình cảm thấy thoải mái trong không gian sống rộng rãi hơn. Tuy nhiên sau một thời gian, bất cập đã xảy ra: thiếu các thiết bị nhà bếp dẫn đến việc gia đình phải tốn nhiều thời gian hơn để làm một công việc đơn giản như đun nước; căn bếp quá ít đồ làm người vợ không muốn nấu nướng nên quyết định mua đồ ăn ngoài; thay vì bỏ đồ vào máy giặt thì giờ đây cuối tuần mọi người phải giặt bằng tay vì máy giặt đã được thanh lý... Sau thời gian nhận ra quan niệm sai lầm của mình, gia đình anh chị đã phải sắm sửa lại những đồ dùng mà họ đã bỏ đi với chi phí hơn 50 triệu đồng.

lối sống tối giản tiêu cực
Nhiều người suy nghĩ rằng sống tối giản là bỏ đi hết những vật dụng trong nhà. Ảnh: haszon

Câu chuyện trên cho thấy, nhiều người trong chúng ta vẫn hiểu chưa rõ ràng về lối sống này. Việc vứt bỏ không phải là tất cả mọi thứ, mà chỉ bỏ đi những thứ không thật sự cần thiết. Bí quyết để biết được đâu là món đồ cần giữ lại đó là cầm từng món lên, suy nghĩ về việc chúng ta có thực sự cần chúng không, ưu nhược điểm khi vứt bỏ món đồ này. Từ đó, bạn sẽ nhận biết được món nào thật sự có giá trị đối với thói quen sống của mình, giảm bớt những vật dụng vô bổ làm tiêu hao điện, không gian và tạo ra sự mệt mỏi cho bạn khi phải lau dọn quá nhiều.

Sống tối giản là sống kham khổ

Đây lại là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nhiều người tối giản đến mức cắt hết mọi chi tiêu, không dám mua sắm bất cứ món đồ gì, giảm hết mọi cuộc vui, hoạt động giải trí để “sống tối giản”. Nhưng liệu đó có phải là điều mà họ thật sự muốn? Điều mang lại niềm vui cho chính bản thân họ?

 Anh Lê Tuấn Anh - chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, người theo lối sống tối giản một thời gian, chia sẻ: lối sống này giúp anh xác định rõ đâu là nhu cầu thực sự của bản thân, đâu là nhu cầu do quảng cáo tạo nên và đặt sự ưu tiên vào chỗ nào. Ví dụ, cá nhân Tuấn Anh là một người không có sở thích về mua sắm. Với quần áo, anh chọn những bộ đồ cơ bản có thể mặc nhiều năm, về nơi ở cũng chỉ cần một căn nhà nhỏ xinh vừa đủ. Tuy nhiên anh dành thu nhập của mình cho việc ăn uống và du lịch. Điểm khác biệt ở đây là, Tuấn Anh chủ động và hiểu rõ ăn uống, du lịch là hai điều ưu tiên và thật sự thích mà không phải chạy theo xu hướng của xã hội. Anh cũng hiểu rằng, để có tiền đầu tư cho hai điều này, tự bản thân phải cắt giảm một số những nhu cầu khác. Vì tất cả đều nằm trong kế hoạch và sở thích nên Tuấn Anh hoàn toàn cảm thấy thoải mái.

sống tối giản là sống kham khổ
Thay vì chạy theo những quy chuẩn về lối sống, bạn hãy chọn làm điều mình thích nhất, giảm bớt những việc bạn thấy lãng phí, đó cũng là một cách sống tối giản. Ảnh: Pixta 

Chia sẻ của Tuấn Anh cho thấy, bạn hoàn toàn có thể sống tối giản mà vẫn tự do trải nghiệm những điều mà mình yêu thích, không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Quan trọng là bạn nhận ra  những việc nào có ý nghĩa với bản thân để ưu tiên, những việc không thật sự cần thiết thì có thể tối giản theo các bạn muốn.

Sống tối giản là chỉ sử dụng màu đơn sắc

Những màu nhẹ nhàng như: trắng, đen, be, nude sẽ tạo cảm giác dễ chịu và “nịnh mắt” hơn. Nhưng bạn không buộc phải từ bỏ những món đồ màu sắc mà mình yêu thích, bỏ hết 80% số lượng trang phục của mình. 

Tôi có một người bạn, cô ấy làm việc trong một doanh nghiệp lớn và phải tiếp xúc với nhiều khách hàng nên vẻ ngoài đối với cô ấy khá quan trọng. Nhưng khi nghe đến phong cách tối giản, bỏ hết những món đồ dư thừa, cô ấy quyết tâm “làm sạch” tủ quần áo của mình. Nhưng sau một tuần cô nhận ra sai lầm khi chỉ còn vài ba bộ quần áo để mặc đi gặp đối tác. Vốn là người yêu thời trang giờ đây cô ấy cảm thấy chán nản khi phải mặc đi mặc lại những bộ quần áo đơn điệu. Sau cùng, bạn tôi phải từ bỏ suy nghĩ về phong cách tối giản, quay lại với những trang phục yêu thích. 

sống tối giản là chỉ sử dụng màu đơn sắc
Với lối sống tối giản, bạn hoàn toàn có thể chọn những trang phục màu sắc, nếu đó là sở thích của bạn. 
Ảnh: BBH Singapore on Unsplash

Sống tối giản là một lối sống, không phải phong cách kiến trúc hay thời trang, nên bạn không cần phải cố gắng thay đổi tất cả những vật dụng của mình chỉ để trông cho đẹp hay theo chuẩn mực. Nếu kết quả nhận được chỉ là sự lãng phí hoặc không đúng với sở thích và khiến bản thân không thấy hạnh phúc - có thể bạn đang sống tối giản "tiêu cực".

Hãy lựa chọn những điều mang đến cho bạn cảm giác thoải mái nhất. Đừng chạy theo trào lưu vì chính trong cộng đồng những người sống tối giản cũng có sự khác nhau trong việc lựa chọn đồ đạc.

Đối với việc tối giản tinh thần, cách tốt nhất là bạn hãy tìm kiếm sở thích và mong ước của mình, tập trung vào những điều làm bạn vui, lúc ấy những cảm xúc tiêu cực sẽ tan biến.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU