Ngạn ngữ phương Đông có câu “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”, nghĩa là “bệnh từ miệng (thức ăn) mà vào, họa từ miệng (lời nói) mà ra”. Vì thế, bên cạnh việc lựa chọn đồ ăn thức uống phù hợp, thì việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cũng có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của con người!
Hằng ngày chúng ta vui vẻ ăn uống, giao tiếp, hô hấp, thể hiện tình cảm hỉ nộ ái ố một cách dễ dàng, thuận lợi là nhờ có sự hoạt động hiệu quả của vùng răng miệng. Tuyến nước bọt trong miệng là “tiền tuyến” của hệ tiêu hóa, ngoài tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, mang về cho cơ thể thật nhiều chất dinh dưỡng còn giúp làm sạch khoang miệng, giảm thiểu mùi hôi, phòng ngừa các bệnh sâu răng. Thêm vào đó, một hàm răng khỏe mạnh, thơm tho, sạch sẽ còn góp phần làm cho khuôn miệng trông đáng yêu, tươi tắn, trẻ trung, hoàn thiện vóc dáng bề ngoài, mang đến sự tự tin trong giao tiếp.
Ảnh: sasaki106/PIXTA
1. Các vấn đề thường gặp:
Nhắc đến răng miệng, chúng ta có thể kể ngay đến các bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu, chứng hôi miệng, răng xỉn màu,... Việc giữ vệ sinh răng miệng tốt không chỉ giúp giảm sự khó chịu và đau đớn mà những căn bệnh này trực tiếp gây ra, mà còn giúp bạn phòng tránh các biến chứng không ngờ tới dưới đây:Bệnh tiểu đường
Trước nay chúng ta vẫn nghe những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có tỉ lệ mắc các bệnh nha chu cao, nhưng theo những nghiên cứu gần đây thì sự thực có vẻ ngược lại. Vi khuẩn gây bệnh nha chu theo vào máu sẽ làm cản trở sự hoạt động của insulin (vốn có tác dụng giảm chỉ số đường huyết). Ngoài ra, việc viêm nhiễm trong khoang miệng do bệnh nha chu sẽ làm giảm năng lực xử lý đường, góp phần gây phát bệnh hoặc làm xấu thêm tình hình bệnh tiểu đường.
Bệnh tim mạch
Người mắc bệnh nha chu được cho là có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như nhiễm trùng máu, xơ vữa động mạch,... cao hơn so với người khỏe mạnh. Vi khuẩn trong túi nha chu thâm nhập vào máu qua nướu răng bị viêm hay niêm mạc miệng bị tổn thương chính là nguyên nhân.
Sinh non
Phụ nữ đang mang thai cần đặc biệt chú ý vấn đề răng miệng. Nội tiết tố tăng lên khi mang thai trở thành nguồn dinh dưỡng cho các vi khuẩn nha chu nên phụ nữ có bầu dễ bị mắc các bệnh nha chu. Khi bị viêm nha chu nặng, chất cytokine (vốn là chất sẽ tăng khi chuẩn bị chuyển dạ) sẽ tăng lên trong máu, gây co thắt tử cung, làm tăng nguy cơ sinh non. Thực tế, người mắc bệnh nha chu được cho rằng có khả năng sinh non cao gấp 5 - 6 lần. Vì vậy, tốt nhất là nên giải quyết triệt để các vấn đề về răng miệng trước khi mang thai.
Viêm phổi
Vi khuẩn gây nha chu có thể theo hệ hô hấp lan tới phổi gây viêm phổi.
2. Cách chăm sóc răng miệng
Trong việc chăm sóc răng miệng, cần có sự kết hợp giữa việc tự chăm sóc hằng ngày ở nhà và được kiểm tra định kì bởi các nha sĩ. Cách tự chăm sóc răng miệng tại nhà hằng ngày như sau:
- Đánh răng mỗi ngày (cố gắng sau mỗi bữa ăn), đánh sạch cả các kẽ răng. Bàn chải đánh răng được khuyến khích sử dụng là loại làm bằng sợi nylon mềm tránh làm tổn thương nướu răng. Phần gắn các sợi nylon có chiều dài bằng khoảng đốt đầu tiên của ngón tay cái là vừa. Bàn chải làm bằng sợi nylon sau khi được rửa sạch, dựng đứng bàn chải lên thì sẽ khô rất nhanh, phòng chống vi khuẩn sinh sôi trong bàn chải. Lúc đánh răng, đánh với lực nhẹ nhàng để không cảm thấy đau là được. Không cần phải bôi kem đánh răng lên toàn bộ bàn chải, vì không phải là kem đánh răng mà chính là phần đầu bàn chải chạm vào răng mới là thứ đánh bay các vết bẩn của răng. Hơn nữa, quá nhiều kem đánh răng sẽ tạo ra nhiều bọt, gây khó chịu, dễ buồn nôn, nhiều khi làm cho việc đánh răng không được tiến hành kĩ càng. Vì vậy, lượng kem đánh răng chỉ bằng một hạt đậu lớn là vừa đủ rồi.
- Sử dụng kết hợp cả bàn chải chuyên dụng cho kẽ răng hoặc chỉ nha khoa để loại trừ các mảng bám, phòng ngừa bị cao răng.
Minh họa: etoileak/PIXTA
- Trường hợp cần thiết có thể dùng thêm dụng cụ cạo lưỡi để làm sạch các vết bẩn trên lưỡi. Đối với trường hợp bị khô miệng, để tăng cường độ ẩm, hãy sử dụng các loại nước súc miệng ít kích thích để súc miệng.
- Để giữ gìn chức năng của răng miệng, cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng chất dinh dưỡng, nhai kĩ trong khi ăn. Không sử dụng răng để cắn, mở các vật cứng như nắp chai, lọ hay nhai nước đá, kẹo cứng,...
- Lên lịch khám răng định kì, ngay cả khi bạn không thấy dấu hiệu, bởi tốt hơn hết vẫn là ngăn chặn các bệnh chứng trước khi chúng tiến triển. Nếu đã qua độ tuổi thay răng, chắc hẳn mỗi chiếc răng đều rất đáng giá và bạn không muốn mất chúng chút nào đúng không?
Các nha sĩ sẽ làm gì cho bạn?
- Ngoài việc chữa trị các bệnh về răng miệng đã phát hiện, các nha sĩ có thể thực hiện công việc vệ sinh mang tính chất chuyên môn mà bạn không tự mình làm được như lấy cao răng, loại trừ các mảng bám cứng đầu, giữ cho răng, nướu sạch sẽ.
- Bên cạnh các kỹ thuật thẩm mỹ như niềng răng hay bọc sứ... nha sĩ sẽ kiểm tra và tư vấn về chức năng chung của khoang răng miệng như cắn, nhai, nuốt, cười,... Nếu một trong những chức năng có dấu hiệu bất ổn, các nha sĩ có thể tư vấn phác đồ điều trị hoặc các bài mát-xa, phục hồi chức năng cần thiết cho bạn.
Bài: Minh Nhật/kilala.vn