Shinri Tezuka, người bảo tồn Amezaiku

Bài: Lăng Vi/ Ảnh: Amezaiku AmeshinFeb 9, 2018

Có một câu nói mà tôi rất thích: “The Earth without Art is just Eh”, tạm dịch là “Trái đất mà không có nghệ thuật thì chỉ là Ờ”. Câu này sử dụng cách chơi chữ hết sức thú vị để nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật. Không có nghệ thuật thì thế giới thật trống rỗng, vì vậy mà trải qua h à n g ngàn năm, nghệ thuật dù mới hay cũ vẫn song hành với đời sống con người. Có người ngày đêm tìm tòi sáng tạo loại hình nghệ thuật mới, có người lại nỗ lực phát triển và bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống để nó không bị mai một theo thời gian. Shinri Tezuka là một trong số đó.

Sinh năm 1989, khác với nhiều người trẻ Nhật Bản đang chạy trong guồng quay công việc văn phòng, Shinri Tezuka lại đam mê nghệ thuật Amezaiku - tạo tác kẹo đường - được khai sinh từ thế kỉ thứ 8. Anh chia sẻ: “Làm cho Amezaiku trở thành một phần quan trọng trong văn hóa Nhật Bản chính là công việc của tôi. Tôi muốn là người giúp bảo tồn loại hình nghệ thuật này.” 

Cuối tháng 11 vừa qua, khi Tezuka sang Việt Nam theo lời mời của trung tâm Bà Nội Trợ Tài Danh, Kilala đã có một cuộc trò chuyện ngắn với con người trẻ tuổi tài hoa này.

kẹo đường Amezaiku

Những cây kẹo sống động như thật của Tezuka, một số bày bán, một số chỉ để trưng bày tại cửa hàng Ameshin

Amezaiku, nghệ thuật tạo tác kẹo đường

Xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỉ thứ 8 nhưng Amezaiku thực sự phổ biến từ thời đại Edo, khi các nghệ nhân làm kẹo và bán trên đường phố. Kẹo được giữ ở nhiệt độ 900C và tạo hình từ viên kẹo tròn trong khoảng 3 - 5 phút - thời gian kẹo còn mềm còn nóng. Khác với điêu khắc, Amezaiku là nghệ thuật tạo hình mà không cắt bỏ bất cứ phần nào trên viên kẹo.

Chào Tezuka, anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân với độc giả Kilala được không?

Xin chào, tôi là Shinri Tezuka, nghệ nhân Amezaiku. Năm nay tôi 27 tuổi, hiện đang kinh doanh cửa hàng Amezaiku Ameshin ở Asakusa và TOKYO SKYTREE. Cả hai đều ở Tokyo nên dù sinh ra và lớn lên tại Chiba, hiện tại tôi đang sinh sống ở Tokyo.

Tên Ameshin có ý nghĩa gì đặc biệt không?

À, đó đơn giản là ghép chữ Ame (kẹo) với tên tôi là Shinri mà thôi. 

kẹo đường Amezaiku

(Ảnh: Amezaiku Ameshin)

Từ khi nào anh bắt đầu quan tâm đặc biệt đến loại hình nghệ thuật Amezaiku?

Tôi biết đến Amezaiku từ khi còn bé nhưng thực sự dồn tâm huyết vào nó lúc 20 tuổi. Khi đó tôi nghĩ mình phải học về cái này và cứ thế mà bắt đầu. Nhưng thực sự thì loại hình nghệ thuật này không có trường lớp đào tạo chính quy nào cả, cũng không có ai xung quanh có thể chỉ dạy nên tôi phải tự mày mò, tự học là chủ yếu.

Quá trình tự học của anh đã diễn ra như thế nào?

Hiện giờ tôi vẫn đang trong quá trình học hỏi, tính từ lúc bắt đầu đến nay cũng đã được 7 năm, nhưng tôi học được khoảng 4 năm thì mở tiệm Amezaiku Ameshin ở Asakusa. Đến năm 2015, tôi mở được thêm một cửa hàng nữa ở TOKYO SKYTREE.

kẹo đường Amezaiku

(Ảnh: Amezaiku Ameshin)

Ban đầu anh có gặp khó khăn gì không và làm cách nào để vượt qua nó?

Tất nhiên là có rất nhiều khó khăn. Ở Nhật rất hiếm người theo đuổi Amezaiku, rồi lúc mở cửa hàng cũng khá vất vả vì ban đầu Ameshin chưa làm ra lợi nhuận, mà không có lợi nhuận thì không thể tiếp tục được. Quá trình học tập suốt 4 năm đến khi mở cửa hàng cũng là khoảng thời gian khá lao đao.

Tôi đã vượt qua khó khăn với suy nghĩ là mình không còn cách nào khác ngoài việc phải tiếp tục. Phải làm thôi. Tôi cũng nghĩ rằng nếu tôi không tiếp tục thì Amezaiku sẽ không thể phát triển mất. Tôi đoán ở Việt Nam có lẽ cũng gặp chuyện tương tự, đó là những loại hình nghệ thuật, văn hóa truyền thống đang dần bị suy thoái, nên nếu những người trẻ không làm thì sẽ có thứ nào đó bị mất đi. Tôi không muốn điều đó xảy ra.

kẹo đường Amezaiku

(Ảnh: Amezaiku Ameshin)

Điều gì khiến anh có hứng thú với Amezaiku?

Amezaiku phải được thực hiện trong thời gian ngắn vì kẹo sẽ dần đông cứng lại. Trực tiếp xem người thợ tạo hình kẹo ở cửa hàng rất thú vị, khi đó khách hàng sẽ không có cảm giác mình đang phải chờ đợi. Đó là đặc trưng của Amezaiku và tôi bị thu hút bởi điều này.

Trong tất cả các kiểu dáng đã làm, anh có đặc biệt thích tạo hình nào không?

Đặc điểm của kẹo là trong suốt và lấp lánh nên tạo hình phù hợp nhất chính là các động vật dưới nước như cá, ếch,... Tôi cũng làm hình dáng các loài động vật khác và hoa nữa nhưng quả thực các động vật dưới nước là sống động và nổi bật hơn cả.

kẹo đường Amezaiku

(Ảnh: Amezaiku Ameshin)

Tạo hình khó nhất anh từng làm là gì?

Là gì nhỉ? Ở Ameshin, tôi đã từng làm rất nhiều kiểu mẫu khác nhau theo yêu cầu của khách hàng nhưng khó nhất có lẽ là mô phỏng vật thật, ví dụ tôi từng làm ra một chai Coca Cola hay một bữa ăn hải sản có sò điệp và càng cua,... Những thứ như vậy rất khó vì phải làm sao cho giống y hệt vật thật.

kẹo đường Amezaiku

(Ảnh: Amezaiku Ameshin)

Bí quyết để tạo hình sống động cho kẹo là gì?

Chắc hẳn là sự quan sát. Trước khi tạo hình, tôi phải quan sát kỹ lưỡng từ những chi tiết nhỏ nhất, nói nôm na là phải có input thì mới output được. Mặc dù để output thành công thì cũng cần quá trình luyện tập lâu dài nhưng quá trình quan sát - input - thực sự là giai đoạn rất quan trọng.

kẹo đường Amezaiku

(Ảnh: Amezaiku Ameshin)

Amezaiku phải được tạo hình trong thời gian ngắn chỉ từ 3 - 5 phút, trước khi kẹo đông cứng lại. Vậy thì với những hình dáng phức tạp cầu kì cần nhiều hơn 5 phút thì anh xử lý thế nào?

Về cơ bản, Amezaiku truyền thống là phải được làm trong khoảng thời gian chừng 5 phút nhưng ở Ameshin, tôi nhận được nhiều yêu cầu có hình dáng phức tạp cầu kì hơn, khi đó tôi sẽ làm từng bộ phận rồi “hàn” chúng lại với nhau. Ngoài ra còn có nhiều cách làm khác nữa.

Như anh đã chia sẻ, ở Nhật có rất ít người theo đuổi Amezaiku, đặc biệt là ở thế hệ của anh. Theo anh Tezuka thì nguyên nhân là vì đâu?

Tôi nghĩ có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu có lẽ là do họ nghĩ rằng đây là công việc có thu nhập bấp bênh, không được ổn định. Hầu hết những người trẻ đều mong muốn được vào làm việc ở những công ty lớn và nhận lương ổn định. Bản thân tôi khi vận hành Ameshin vào những ngày đầu cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhưng sau khi vượt qua được rồi thì cảm thấy rất thú vị.

kẹo đường Amezaiku

Anh nghĩ lý do mọi người yêu thích kẹo của mình là gì?

Điều mà tôi tự hào nhất về kẹo của mình chính là chất lượng và công phu. Bất cứ sản phẩm nào tôi cũng chăm chút một cách nghiêm túc và bỏ nhiều công sức vào đó để giữ cho chất lượng đồng đều và ổn định, đó là nguyên tắc của bản thân tôi.

Từ khi mở cửa hàng đến nay, hẳn là anh có rất nhiều kỉ niệm vui buồn?

À, tôi sẽ chỉ nói về kỉ niệm vui thôi. Không cụ thể lắm nhưng mỗi ngày tôi đều nhận được những yêu cầu đặt hàng để làm quà tặng và người nhận quà đều rất hạnh phúc. Được là người góp phần đem lại niềm vui cho người khác thật sự rất tuyệt. Đó là điều vui nhất tôi nhận được từ khi mở cửa hàng.

kẹo đường Amezaiku

Lấy cảm hứng từ chiếc quạt cầm tay, Uchiwa Ame là một dòng sản phẩm mới rất được yêu thích của Ameshin. Thiết kế thay đổi theo mùa, giá 600 yên/chiếc (gồm thuế)

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện hôm nay!

Lăng Vi/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU