Những “thành phố tương lai” của Nhật Bản
NGUYÊN GIANG. Theo Japan for Sustainability. Ảnh PIXTAAug 12, 2017
Trong những năm gần đây, các chính phủ và tổ chức trên toàn thế giới đã nỗ lực không ngừng nhằm tạo ra những mô hình mới cho các thành phố và cộng đồng. Đơn cử là chính phủ Nhật Bản trong năm 2011 đã đề ra Sáng kiến “Thành phố Tương lai” (FCI) thân thiện với môi trường. Dưới đây là cái nhìn tổng quan về những nỗ lực thực hiện FCI trong 4 năm qua, theo thông tin cập nhật từ Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Sáng kiến “Thành phố Tương lai”
Khái niệm cơ bản của FCI là tạo dựng các thành phố theo đuổi những giá trị mới, thân thiện với con người nhằm đối phó các vấn đề môi trường và xã hội lão hóa.
Mục tiêu là giải quyết các vấn đề mà cả Nhật Bản và thế giới đang phải đối mặt - như tài nguyên và năng lượng hạn chế, sự ấm lên toàn cầu và xã hội lão hóa - bằng cách thiết lập các hệ thống kinh tế và xã hội bền vững hơn, và khôi phục nhận thức gắn kết xã hội. Ngoài ra còn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và biến đô thị thành nơi mà mọi người đều muốn sống và tận hưởng cuộc sống của họ.
Theo tầm nhìn đó, tổng cộng có 34 thành phố - 11 "Thành phố Tương lai" và 23 "Thành phố Sinh thái Kiểu mẫu" - đã được chính phủ Nhật Bản lựa chọn vào tháng 3 năm 2015.
“Thành phố Tương lai” và “Thành phố Sinh thái Kiểu mẫu”
Các hoạt động chính của FCI trong năm 2014 bao gồm: Tổ chức các Diễn đàn Quốc tế, Công bố Kinh nghiệm Áp dụng và Nghiên cứu Trường hợp, và Cập nhật Dự án.
Hàng năm, Văn phòng và Ban Thư ký Nội các Nhật Bản đều tổ chức Diễn đàn Quốc tế về Sáng kiến "Thành phố Tương lai" với mục đích tăng cường hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ các trường hợp điển hình của Nhật Bản và thế giới, và xây dựng và củng cố mạng lưới quốc tế.
FCI đã công bố thêm một số kinh nghiệm áp dụng “Thành phố Tương lai” dựa trên các cuộc phỏng vấn và thăm viếng địa điểm, tiếp theo sau báo cáo của hai thành phố Toyama và Higashimatsushima hồi năm 2013.
Kinh nghiệm đúc kết bao gồm các nỗ lực tiên tiến được dùng làm tài liệu tham khảo cho các thành phố khác để phát động các sáng kiến tương tự. Chúng không chỉ cung cấp những nỗ lực chi tiết của FCI mà còn tập trung vào các yếu tố then chốt về mặt con người.
Hai thành phố Kashiwa và Yokoyama cung cấp những kinh nghiệm hữu ích về thành phố thông minh sử dụng công nghệ tiên tiến.
Còn thành phố Toyama thì nổi tiếng với nỗ lực trở thành một đô thị nhỏ gọn, đồng thời tích cực thúc đẩy việc sử dụng thế hệ thủy điện siêu nhỏ.
Đề cập đến năng lượng sản xuất trong nước, các trường hợp nghiên cứu về sản xuất năng lượng từ rừng của Vùng Kesen và thành phố Shimokawa đều rất hữu ích.
Về nỗ lực tái thiết sau thảm họa thì có sáng kiến của “Tổ chức Phát triển và Giáo dục Tiết kiệm Năng lượng Higashimatsushima” (HOPE) và kế hoạch tái định cư tập thể ở quận Tamaura Nishi thuộc thành phố Iwanuma (Miyagi), đã trình bày các phương pháp tiếp cận khác nhau về việc tái xây dựng cộng đồng.
Khu Nông nghiệp Năng lượng mặt trời (Solar Agripark) của thành phố Minamisoma (Fukushima) nhấn mạnh việc đào tạo các thế hệ tương lai bên cạnh những nỗ lực xây dựng lại cộng đồng. Thành phố Shinchi (Fukushima) bên cạnh việc sử dụng công nghệ thông tin để minh họa sản lượng điện năng tạo ra từ năng lượng mặt trời còn hướng tới giáo dục về môi trường cho trẻ em.
Trong số các khu vực bị ảnh hưởng thảm họa, Vùng Kesen đã thành lập một hiệp hội để cải thiện chăm sóc y tế, điều dưỡng và sức khỏe cũng như phúc lợi công trong một khu phố đang lão hóa.
Thành phố Kamaishi là một điển hình về phúc lợi toàn diện trong cộng đồng. Cụ thể, Kamaishi đã liên kết phúc lợi từ các ngành công nghiệp như chăm sóc y tế và sức khỏe, phúc lợi và chăm sóc điều dưỡng vào một Trung tâm hỗ trợ đời sống.
Ngoài ra, FCI cũng đã ước tính những tác động về mặt kinh tế lên các vùng phụ cận của thành phố áp dụng sáng kiến. Đến năm thứ tư này, tình trạng của các thành phố được lựa chọn đang có nhiều thay đổi. Trong khi ứng phó một cách linh hoạt với những thay đổi này, FCI và các thành phố tiên phong sẽ tiếp tục xem xét quá trình tiến bộ của họ để tạo ra những thành quả tích cực cho thế giới.