Là một trong những người tạo ra dự án Y học cùng cộng đồng, Bác sĩ - Tiến sĩ Phạm Nguyên Quý được nhiều người xem là “superman” khi vừa làm việc tại Bệnh viện Trung Ương Kyoto Miniren, vừa là điều phối viên giúp tăng cường giao lưu về y tế giữa bệnh viện này và một số bệnh viện ở Việt Nam. Anh còn dành thời gian thực hiện và báo cáo các đề tài lâm sàng và đã nhận được Giải thưởng nghiên cứu xuất sắc của Hiệp hội Nội khoa Nhật Bản năm 2015.
Dự án Y học cùng cộng đồng - mang kiến thức về sức khỏe đến cho người Việt
Nhận thấy ở một số nước như Anh, Nhật và Mỹ, thông tin về sức khỏe được ban hành dưới dạng pamphlet, e-book hoặc application trên smartphone rất tiện lợi cho người dân, Bác sĩ - Tiến sĩ Phạm Nguyên Quý (Bệnh viện Trung Ương Kyoto Miniren) kết hợp với một số bác sĩ khác và nhóm IT quyết định tiến hành thực hiện dự án Y học cộng đồng: Thực hiện soạn dịch tình nguyện các bài viết về nhiều đề tài sức khỏe từ các trang web uy tín của Anh, Mỹ, Nhật sang tiếng Việt. Mỗi bài viết về bệnh tật luôn được ít nhất một bác sĩ hiệu đính và đăng kèm profile cá nhân rõ ràng của người tham gia biên soạn.
Để có được sự cộng tác lâu dài của nhiều công tác viên (trong và ngoài ngành Y Sinh) và phản hồi tích cực của độc giả, nhóm Y học cộng đồng gặp khá nhiều khó khăn. BS Quý tâm sự “Công việc soạn dịch cũng như xây nhà, làm phần thô (dịch ban đầu) thì khá nhanh, nhưng tới đoạn trang trí nội thất (hiệu đính) thì rất lâu vì phải tỉ mỉ chỉnh sửa để bài viết chuyên nghiệp nhất. Một số bài viết cộng tác viên “ngâm” bài lâu quá không biết làm thế nào vì nhắc nhở nhiều thì ngại. Việc tình nguyện cũng có cái khó là không ép buộc hay gây áp lực được.
Một khó khăn nữa của dự án là việc tìm kiếm hỗ trợ tài chính. Mặc dù dự án hoạt động dựa trên tinh thần tình nguyện là chính, nhưng cũng cần thêm tài chính, dù ít ỏi, để động viên tri ân các thành viên nhiệt tình này. Trong năm 2017 này, đội ngũ dự án Y Học Cùng Cộng Đồng sẽ hoàn thành các dự án chuyên sâu về Tiêu hóa, Hô hấp, Nhãn khoa, Tim mạch và cố gắng hoàn thành bộ sách chuyên sâu về Bệnh tiểu đường.”
Bác sĩ Việt Nam và cuộc sống 15 năm tại Nhật
Nói về những khó khăn khi hòa nhập văn hóa Nhật, bác sĩ Quý tâm sự: “Nhiều khi người Nhật coi trọng lợi ích cộng đồng hơn là hạnh phúc của bản thân và gia đình, dẫn đến sự quá tải trong công việc, làm bản thân phải hi sinh kham khổ không cần thiết. “Dĩ hòa vi quý” cũng có cái hay nhưng mặt trái là không ai nêu rõ ý kiến của mình một cách mạnh mẽ và muốn quá nổi trội”.
Công việc mỗi ngày của BS Quý khá bận rộn: “Mỗi ngày tôi có một lịch trình riêng, bao gồm nội soi, trực cấp cứu, giải thích bệnh tình cho bệnh nhân và người nhà cũng như các thủ tục hành chính đi kèm... Nhìn chung, bệnh nhân ở Nhật đa số là người già, nhiều cụ ở một mình nên việc cho xuất viện cũng phức tạp hơn. Đôi khi, bác sĩ phải viết một số giấy tờ để xin các gói hỗ trợ chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân, và tìm bác sĩ tới khám tận nhà cho các bệnh nhân không còn đi lại được.
“Công việc ở bệnh viện Kyoto khá nhiều nên tôi chỉ có thể dành thời gian hiệu đính, xây dựng nội dung website Y học cộng đồng vào cuối tuần hoặc sau 10h tối một vài ngày trong tuần. Đôi khi muốn dành nhiều thời gian hơn cho dự án này nhưng sợ càng ngày càng…mất cân bằng” – BS Quý cười “thú nhận”.
Bác sĩ phải tìm hiểu kĩ về đời sống của bệnh nhân
Theo anh, bác sĩ không nên chỉ dừng lại ở việc chẩn đoán bốc thuốc mà phải quan tâm nhiều hơn đến các nhân tố xã hội, yếu tố môi trường có ảnh hưởng lên quá trình sinh bệnh để can thiệp song song.
“Trong năm 2017 này, ngoài việc trau dồi chuyên môn về chẩn đoán sớm và điều trị ung thư, tôi muốn dành thêm thời gian để khám chữa bệnh cho người Việt Nam không biết tiếng Nhật tại Kyoto và vùng lân cận, cũng như nghiên cứu cách hỗ trợ online cho các tình huống khẩn cấp cần thông dịch y tế. Hiện nay tôi vẫn đang tìm thêm hỗ trợ tài chính để có kinh phí in ấn các bộ sách theo chủ đề đặt ở các phòng khám, phòng đọc sách tại cộng đồng, tổ chức một số lớp học định kỳ tại các vùng nông thôn nơi chưa tiếp cận Internet, cùng tổ chức một vài Workshop về nội soi để các bác sĩ Nhật sang Việt Nam trao đổi kinh nghiệm.”– Bác sĩ Quý chia sẻ.
Những khác biệt trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ của người Nhật so với người Việt Nam
Có rất nhiều khác biệt trong cách chăm sóc sức khoẻ của người Nhật so với người Việt Nam. Đây là một số điểm nổi bật theo bác sĩ Quý:
a. Ở Nhật dân số già hơn nên việc quản lý và điều trị các bệnh mạn tính, hỗ trợ người già,…là các vấn đề nổi trội trong khi ở Việt Nam việc chữa trị các bệnh cấp tính, tai nạn giao thông… vẫn đang là thách thức lớn.
b. Y tế Việt Nam vẫn đang còn phải tập trung đối mặt với việc cứu lấy mạng sống của bệnh nhân; các dịch vụ và phương pháp điều trị hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống (Quality of Life) vẫn còn hạn chế.
c. Ở Việt Nam đa số khi có bệnh hoặc bệnh nặng mới chữa. Người Nhật chú trọng đầu tư phòng bệnh hơn chữa bệnh. Họ có số liệu thống kê rõ ràng về tỉ lệ mắc bệnh của từng loại bệnh và các nguyên nhân gây tử vong cho từng độ tuổi, từ đó xây dựng chiến lược phòng tránh, tầm soát và điều trị phù hợp và hiệu quả.
d. Hệ thống chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội của Nhật toàn diện và công bằng hơn. Bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận và hỗ trợ một cách hệ thống và bình đẳng chứ không manh mún, “tùy duyên số”, tùy quan hệ,… như ở Việt Nam.
e. Liên kết liên viện, nội viện ở Nhật rất tốt và nó phản ánh khả năng làm việc tập thể, tất cả vì lợi ích của bệnh nhân ở đây.
f. Còn nhiều vấn đề chuyên sâu khác như phòng chống nhiễm khuẩn, an toàn y tế, cách xử lý các sự cố y tế,… cũng có nhiều khác biệt và phản ánh sự khác biệt về văn hóa cũng như mức độ phát triển của mỗi xã hội.
Phương Anh/ kilala.vn
Sau 4 năm thành lập, dự án Y học cộng đồng đã có hơn 2000 bài viết ở nhiều chủ đề, Fanpage Y Học Cộng Đồng đạt hơn 18.500 like, Group Nhi khoa với 6.600 thành viên để các bà mẹ có thể tương tác với bác sĩ trực tuyến. Dự án còn xây dựng “Tủ sách Y học cộng đồng” với bộ sách Nhi khoa đầu tay gồm 17 tài liệu miễn phí từ cơ bản đến chuyên sâu.