Người Nhật kỳ thị hẹn hò trực tuyến dù muốn kết hôn

Bài: Ngọc OanhMay 8, 2021

Tâm lý ái ngại khi trò chuyện với người lạ, sợ bị lừa tình, gạ gẫm khiến người Nhật không nhiều hứng thú với các ứng dụng hẹn hò trực tuyến dù rất muốn kết hôn.

Hẹn hò trực tuyến và những nỗi lo

Chán yêu chán cưới” ở Nhật chỉ là vẻ bề ngoài của xu thế “nổi loạn” bên trong. Có rất nhiều mái ấm hạnh phúc, trong đó, mỗi sáng, người vợ thức dậy, chuẩn bị bữa cơm cho gia đình và cho chồng mang theo đi làm. Người chồng chăm sóc vườn tược và con cái. Tối đến, cả gia đình quây quần trong những bữa cơm chung.

Trong bài phỏng vấn với tờ CNBC năm 2020, bà Emu Nishiyama - Giám đốc thương hiệu Eureka thuộc tập đoàn Match Group – đơn vị sáng lập ứng dụng hẹn hò Pairs, chia sẻ: chỉ 20% người độc thân tại Nhật từng hẹn hò online. Trong khi đó, tại Mỹ, tỉ lệ này lên đến 60%. Bà Nishiyama cho biết người Nhật vẫn chưa thật sự ưa chuộng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến vì còn nhiều rào cản. Đặc biệt là vấn đề an toàn khi hẹn hò mà chưa chưa từng tiếp xúc ngoài đời. 

người Nhật kỳ thị hẹn hò trực tuyến dù muốn kết hôn
Nhiều người độc thân lo lắng bị lừa tình, gạ gẫm khi hẹn hò trực tuyến. Ảnh: savvytokyo

Theo Yuen Shu Min - nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Khoa nghiên cứu Nhật Bản của Đại học Quốc gia Singapore, tâm lý lo sợ khi dùng ứng dụng hẹn hò để tìm kiếm một nửa xuất phát từ việc có nhiều vụ lừa đảo, thậm chí là án mạng. Điều này được truyền thông Nhật Bản đưa tin rầm rộ và trở thành câu chuyện giật gân trên nhiều mặt báo khiến người độc thân hoang mang và phân vân trước mỗi quyết định hẹn hò. Những cuộc hẹn online “đáng sợ” như này thường có xu hướng xảy ra trên Twitter, Facebook nhiều hơn. Yuen Shu Min nói rằng chúng có ảnh hưởng nhất định đến cách nhìn nhận về mạng xã hội nói chung của người Nhật. 

Takahiro Shiraishi, 30 tuổi được mệnh danh là “sát thủ Twitter” đã sử dụng mạng xã hội này để dụ dỗ 9 nạn nhân tuổi đời từ 15 đến 26, trong đó có 8 phụ nữ và 1 nam giới. Hắn dụ họ đến căn hộ của mình để giúp các nạn nhân tự tử rồi chết cùng họ. Tuy nhiên, hung thủ đã thực hiện hành vi giết người vô cùng man rợ. Trong hai tháng, từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2017, mỗi tuần lại có thêm một nạn nhân. Cảnh sát đã tìm thấy nhiều bộ phận cơ thể bị cắt lìa ra tại căn hộ của Shiraichi tại Zama, tỉnh Kanagawa.

hẹn hò trực tuyến và những nỗi lo
Chân dung "sát thủ Twitter" cùng danh sách 9 nạn nhân và căn hộ nơi giấu thi thể của họ. 

Theo tờ Japantoday, ngày 10/6/2015, trang hẹn hò mang tên Sakura lừa đảo người đăng ký khi chỉ có duy nhất một người dùng nữ "thật" trong số 2,7 triệu thành viên. Số còn lại là tài khoản "ảo", trò chuyện, dụ dỗ người dùng chi tiền cho các dịch vụ nâng cấp gói thành viên VIP với nhiều quyền lợi tối ưu khi tiếp cận thành viên khác. Những người điều hành đã thu về khoảng 10 tỷ yên vào năm 2012, trong khi một người dùng chi tới 13 triệu yên để tìm kiếm tình yêu đích thực nhưng thu về cái kết "tiền mất tật mang". 

Bên cạnh một số người mong muốn tìm một mối quan hệ nghiêm túc thông qua các ứng dụng hẹn hò, không ít người sử dụng chúng sai mục đích như tìm kiếm sefure (セフレ - bạn tình - FWB (Friend with benefit)).

Nhiều  đàn ông ngoại quốc hẹn hò phụ nữ Nhật với mong muốn dễ dàng hơn trong việc xin Visa, một số thông qua đó để ngoại tình. Điều này làm cho ứng dụng hẹn hò ngày càng “xấu đi” trong mắt người Nhật. 

Xem thêm: 8 kiểu con trai phổ biến trên ứng dụng hẹn hò Nhật

Giải pháp đột phá cho những người độc thân lười hẹn hò

Những biểu hiện xấu xí bề nổi của hẹn hò online khiến các ứng dụng hỗ trợ cho việc này - gặp khó khi tiếp cận với người dùng Nhật Bản. Để chinh phục thị trường khó tính này, ứng dụng Pairs đã chọn một hướng đi khác biệt là tập trung giải quyết những nỗi lo của phụ nữ Nhật khi hẹn hò online. Nhờ dành sự ưu tiên cho phái đẹp, năm 2020, Pairs đã vượt mặt Tinder, trở thành ứng dụng hẹn hò trực tuyến có lượt tải cao nhất tại xứ sở hoa anh đào. 

Số liệu của App Annie trên tờ Wall Street Journal cho thấy Pairs đang đứng đầu Nhật Bản với 3,1 triệu lượt tải vào năm 2020 và doanh thu của Pairs tại Nhật cũng cao gấp 7 lần so với 5 năm trước. Theo sau là Tinder, Happy Mail, Trapple, With và Omiai (theo nghiên cứu từ App Ape, tháng 11 năm 2018 đến tháng 9 năm 2020).  

giải pháp đột phá cho những người độc thân lười hẹn hò
Ứng dụng hẹn hò Pairs tạo bước đột phá tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: breakingasia

Điểm khác biệt của ứng dụng Pairs so với đối thủ cạnh tranh chính Tinder là số lượng người dùng nữ áp đảo. Trong hai năm, từ 2018 đến 2020, người dùng nữ của Pairs cao gấp 5 lần so với Tinder và đang dần tăng lên. Là một ứng dụng đến từ tập đoàn Match Group của Mỹ, Pairs chiếm được lòng tin của người dùng Nhật Bản, nhất là phụ nữ bởi nhiều chính sách bảo vệ phái đẹp. 

số lượng nữ giới sử dụng ứng dụng Pairs áp đảo so với ứng dụng tinder
Số lượng nữ giới sử dụng ứng dụng Pairs áp đảo so với ứng dụng Tinder. 

Mục tiêu phát triển của Pairs là hướng tới nhóm đối tượng người Nhật độc thân có ý định kết hôn cũng như giúp phụ nữ có cảm giác thật sự thoải mái khi sử dụng. Theo đó, nữ giới  không phải trả phí và có thể đăng ký hồ sơ với tên viết tắt, có quyền quyết định về địa điểm, thời gian của cuộc hẹn. Ngược lại, nam giới phải trả 34 USD/tháng (khoảng 784.040 VND) và đăng ký hồ sơ rất chi tiết từ xuất thân, tính cách, sở thích, tiêu chuẩn cá nhân, học vấn, công việc, thu nhập...Những đối tượng đã kết hôn hoặc “hoa có chủ” sẽ được sàng lọc kỹ càng. Để bảo vệ tối đa quyền lợi của người dùng và tạo một môi trường hẹn hò online lành mạnh, an toàn, Pairs còn cung cấp quyền tắt các cuộc trò chuyện video nếu nội dung hội thoại không phù hợp. 

Bên cạnh đó, Pairs sẽ ghép đôi những người có chung sở thích. Takefumi Umino, 40 tuổi, đã ly hôn - từng thử qua một số dịch vụ mai mối truyền thống nhưng anh tin rằng cách này không hiệu quả với những người đã đổ vỡ trong hôn nhân. Takefumi đã quyết định thử sử dụng ứng dụng hẹn hò trực tuyến Pairs, cuối cùng, sau sáu tháng, anh đã tìm được một nửa của mình trong nhóm dành riêng cho những người mê phim. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU