Người Nhật "giải phóng" đồ cũ như thế nào sau chiến dịch dọn nhà?

Bài: HappyJan 19, 2023

Có lẽ ai cũng từng trải qua cảm giác khủng hoảng và bối rối vì không biết xử lý đống đồ vừa "dạt ra" sau “chiến dịch” tổng vệ sinh phòng ốc, nhà cửa đón Tết. Nếu đó là những món đồ hư hỏng hoàn toàn thì có lẽ việc vứt đi thật dễ dàng, nhưng đối với những món đồ vẫn còn dùng được mà lại không còn nhu cầu sử dụng tới nữa thì phải làm sao?

Tại Nhật Bản, xử lý rác là một vấn đề nan giải. So với các quốc gia khác trên thế giới, việc xử lý rác thải tại xứ Phù Tang phức tạp vô cùng với những quy định nghiêm ngặt, thậm chí đối với nhiều loại rác thải người dân cần phải chịu một mức phí nếu muốn giải quyết chúng.

cách vứt quần áo cũ ở Nhật Bản
Ảnh: ancouverisawesome.com

Vậy làm thế nào để người Nhật có thể “giải phóng” những đống đồ "tồn kho" mà vẫn tuân thủ các quy định của quốc gia? Hãy cùng Kilala tìm hiểu những giải pháp hay ho giúp người dân đất nước Mặt trời mọc vừa có thể dọn sạch nhà cửa vừa mang đến những giá trị nhân văn cho cuộc sống nhé! Nếu bạn đang ở Nhật và cần "xử lý" đống đồ của mình thì những cách sau đây sẽ là gợi ý cực kỳ hữu ích đấy.

Tái chế quần áo cũ thông qua Uniqlo, H&M

Kể từ năm 2007, Uniqlo đã gửi quần áo qua sử dụng cho những người có nhu cầu trên toàn thế giới. Quần áo được trao cho các tổ chức hỗ trợ người tị nạn, người sống sót sau thảm họa, người vô gia cư, phụ nữ mang thai và bà mẹ đơn thân. Cho đến nay, sáng kiến này đã quyên góp được khoảng 14,2 triệu món đồ cho 53 quốc gia và khu vực trên toàn cầu.

Ở Nhật, nếu có một đống quần áo cũ vẫn còn trong tình trạng khá tốt, người ta có thể mang chúng đến bất kỳ cửa hàng Uniqlo nào và giao cho nhân viên hoặc tự bỏ vào thùng tái chế.

uniqlo
Ảnh: everydayonsales.com

Trong khi đó, với mỗi túi quần áo quyên góp, H&M Nhật Bản sẽ tặng khách hàng một phiếu mua quà trị giá 500 yên. Các nhân viên sẽ gửi quần áo còn nguyên vẹn đến chợ để bán lại và sau đó tái chế phần còn lại làm nguyên liệu thô.

Bán đồ cũ online

Có lẽ cách dễ nhất để loại bỏ các món đồ đã qua sử dụng là bán chúng trực tuyến. Ở Nhật Bản, có nhiều trang web hỗ trợ để mọi người có thể nhanh chóng “chuyển nhượng” những món đồ cũ, có thể kể đến như Mercari (trang web chỉ hỗ trợ tiếng Nhật), Craigslist... Đây là lựa chọn hàng đầu dành cho những người muốn kiếm được nhiều tiền nhất cho những món đồ đã qua sử dụng của mình.

bán đồ cũ online là một cách vứt quần áo cũ ở Nhật Bản
Ảnh: realestate-tokyo.com

Mang đồ đến chợ trời Mottanai

Chợ trời Mottainai là một lựa chọn tuyệt vời cho những người có quá nhiều đồ đạc không dùng tới và chẳng biết phải xử lý thế nào. Được tổ chức bởi Chiến dịch Mottainai nhằm thúc đẩy tính bền vững và bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, các phiên chợ thường diễn ra ở các địa điểm khác nhau vào mỗi cuối tuần. Bên cạnh ý nghĩa trong việc giảm thiếu gánh nặng rác thải lên môi trường, số tiền thu được từ các phiên chợ cũng được sử dụng cho các hoạt động từ thiện khác.cách vứt quần áo cũ ở Nhật Bản ở chợ trời mottainai
Ảnh: realestate-tokyo.com

Giải phóng tất tần tật đồ cũ với chuỗi cửa hàng “Off”

Cùng với sự phát triển của xu hướng “sống xanh”, các cửa hàng tái chế ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản trong những năm gần đây. Trong đó, chuỗi cửa hàng “Off” thuộc tập đoàn Hard Off có lẽ là phổ biến hơn cả.

Hard Off, thành lập năm 1972 luôn tuân theo tôn chỉ giải quyết các vấn đề về môi trường dựa trên nguyên tắc 3R: Reduce (cắt giảm nguyên liệu) - Reuse (tái sử dụng) - Recycle (tái chế).

Chuỗi cửa hàng “Off” (Book Off, Hard Off, Garage Off, Hoppy Off, Off House...) thường thu mua các sản phẩm đã qua sử dụng sau đó gia công, sửa chữa và bán lại cho những khách hàng có nhu cầu.

book off
Ảnh: tokyocheapo.com

Nhìn chung, những cửa hàng này không trả giá quá cao, nhưng là một lựa chọn tốt hơn so với việc vứt bỏ đồ đạc, đặc biệt là đối với đồ nội thất lớn trong tình trạng tốt.

Xem thêm: Mottainai: Học người Nhật xưa để sống bền vững hơn

Tham gia chương trình tái chế của địa phương

Ở Nhật Bản, tái chế là hoạt động quen thuộc thường xuyên được tổ chức ở khắp mọi nơi. Những thông tin về tái chế tại địa phương thường được cung cấp trên bảng thông báo của tòa nhà hoặc hoặc được dán gần địa điểm thu gom rác. Những chương trình tái chế của địa phương là cơ hội để người Nhật “giải phóng” những món đồ “tồn kho” của bản thân và gia đình.

Tự tay “nâng cấp” đồ cũ

Đối với những ai có niềm đam mê với đồ thủ công, đây có lẽ là cách tái chế thú vị nhất. Với chiếc kéo cắt vải, bộ dụng cụ may vá hoặc máy may gia đình, bạn có thể thỏa sức sáng tạo khi biến chiếc quần jeans cũ thành túi mua sắm chắc chắn và sang trọng hoặc biến chiếc áo sơ mi cũ bằng vải cotton thành khẩu trang...

cách vứt quần áo cũ ở Nhật Bản - upcycle
Ảnh: Zenbird

Điều quan trọng khi thiết kế quần áo tái chế chính là không có đúng hay sai. Bạn có toàn quyền kiểm soát phong cách mà mình theo đuổi và có thể tự hào khoe nó khi hoàn thành!

Kết

Dù là phương pháp tái chế nào thì đó không phải một sự bỏ đi mà là “một khởi đầu mới” của những món đồ cũ. Tái chế là hoạt động không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân chúng ta mà còn cho hành tinh này.

kilala.vn

 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU