“Người mẹ Nhật” trên đất Huế

Bài & Ảnh: MINH ANJul 26, 2020

Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Huế những ngày cuối hè trở nên ấm áp, vui nhộn bởi niềm vui của những bệnh nhi khi được gặp lại, chuyện trò với một người phụ nữ có khuôn mặt đôn hậu, đôi mắt đen tuyền và luôn nở nụ cười tươi nhìn về các em. Ít ai biết rằng chị là Kazuyo Watanabe, 51 tuổi, người Nhật Bản - Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á mà chỉ gọi với cái tên thân thiện, trìu mến: “mẹ Nhật”. 

Bén duyên với đất Huế

Vừa đặt chân vào khu khám bệnh, chưa kịp mang tất chân y tế, chị Kazuyo Wantanabe đã nghe tiếng gọi văng vẳng:“Mẹ Nhật, mẹ Nhật...” từ các giường bệnh của các bệnh nhi. Đến phòng nào, các em cứ thế chạy theo níu áo, nhí nhố tranh nhau kể chuyện cho chị nghe như đàn gà con nối đuôi mẹ hiền.

mẹ nhật trên đất huế
Trẻ em vây quanh chị Kazuyo Watanabe.

Trước khi biết đến các bệnh nhi chị đã bén duyên với Huế trong một dịp đến Việt Nam du lịch lần đầu vào 20 năm về trước. Để rồi sau đó trở lại, giảng dạy tiếng Nhật tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, và làm việc cho một dự án giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ trên vùng đất cố đô. Thời gian làm việc ở đây, tình cờ Kazuyo Watanabe biết đến bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế gặp nhiều khó khăn bởi tỷ lệ lành bệnh còn thấp và tỷ lệ bỏ điều trị cao chị đã từ bỏ các công việc để lập riêng một dự án giúp đỡ bệnh nhi cũng như người nhà.

Cứ thế, từ năm 2005 đến nay, đều đặn mỗi năm chị rời Tokyo đến Huế 4 - 5 lần, mỗi lần như vậy ở lại với các bệnh nhi tầm 2 tuần. Khi chúng tôi tò mò, tại sao không phải là một thành phố nào khác, chị lý giải: “Việc chọn Huế là để cân bằng với hai đầu đất nước, khi mà ở hai đầu đã nhận được quá nhiều sự giúp đỡ của nhiều tổ chức. Và đa số bệnh nhi ở đây là con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn”.

Mỗi ngày có mặt trên đất Huế chị tranh thủ toàn bộ thời gian hỏi thăm từng em, tư vấn cho các phụ huynh cách chăm sóc các cháu từ chế độ ăn uống, vệ sinh cho đến nghĩ dưỡng và một vài công việc liên quan với mục đích giảm thiểu trẻ em bỏ điều trị và nâng cao tỷ lệ sống sót, điều trị thành công. Nhờ công sức của chị Kazuyo Watanabe mà sau hơn 10 năm, tỷ lệ bệnh nhi ung thư bỏ điều trị từ hơn 50% này tụt xuống chỉ còn chưa tới 5%.

“Ngôi nhà Hy Vọng” của nàng dâu đất cố đô

Thi thoảng giữa cuộc trò chuyện, chúng tôi hỏi chị một vài sở thích khi đến Huế. Chị nói đi khá nhiều và thích khung cảnh thơ mộng của Huế với danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Chị nói món ăn Huế khá ngon với những hương vị đặc trưng mà ít nơi nào có được như bún bò, bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc... “Tất cả rất ấn tượng và tuyệt vời”, chị Kazuyo Watanabe gật đầu khen ngợi.

chị watanabe làm việc
Chị Watanabe đồng hành cùng các bệnh nhi.

Nhắc đến ẩm thực chị bảo đó là một phần dinh dưỡng. Quanh đi quẩn lại, chị lái chúng tôi về câu chuyện bệnh nhi, chị bảo dinh dưỡng rất quan trọng đối với các em đang điều trị cần chế độ khoa học, đảm bảo vệ sinh. Vì thế mà chị đã thuê một ngôi nhà bên ngoài gần bệnh viện và đặt tên gọi “ngôi nhà Hy Vọng”  từ đầu năm 2016, được áp dụng theo mô hình của Nhật Bản để giúp đỡ quá trình điều trị cho các bệnh nhi ung thư. Đó vừa là không gian làm nơi nghỉ ngơi cho những phụ huynh ở  xa đưa con đến điều trị, vừa là nơi để người nhà bệnh nhi có thể nấu nướng, cung cấp bữa ăn an toàn và đầy đủ dinh dưỡng, hợp khẩu vị cho các cháu.

“Tôi cảm giác mua ở ngoài không yên tâm, không đảm bảo vệ sinh. Vì thế, tôi muốn bếp ăn ra đời để đáp ứng đầy đủ nhu cầu nấu nướng các bữa ăn cho các cháu, bữa ăn đó không chỉ đầy đủ dinh dưỡng mà sạch sẽ, có thể mới giúp các em vượt qua những cơn xạ trị, hóa trị đau đớn”, chị Kazuyo Watanabe chia sẻ. Thông qua không gian này, tạo ra cảm giác gần gũi, thân thiện và tràn ngập tình yêu thương như chính ngôi nhà của họ. Đến dịp lễ tết, chị lại tổ chức dã ngoại, sinh nhật, liên hoan... như cách bù đắp những khoảng trống tinh thần cho các em. Để duy trì được ngôi nhà này chị đã vận động nhiều tổ chức, kêu gọi quỹ. Từ đó, luôn nhận được sự đồng cảm, hỗ trợ của các mạnh thường quân trong lẫn ngoài nước với những đóng góp từ gạo, mắm muối, gas, tiền bạc...

mẹ nhật trên đất huế
Chơi đùa vui vẻ cùng bé gái.

Chừng ấy thời gian gắn bó với Huế, với các phận đời tuổi thơ nghèo khó chống chọi với bệnh tật luôn gắn chặt trong ký ức chị. Đó là những cháu được điều trị khỏi hẳn bệnh, về nhà đi học bình thường rồi trưởng thành vào học đại học có cháu lập gia đình và sinh con làm chị thấy thấy hạnh phúc. Chị cũng không bao giờ quên những đứa trẻ kém may mắn mà chị nói rằng rất thông minh, chăm chỉ.

Tôi đọc được trong ánh mắt chị niềm đau đáu lo toan cho bệnh nhi, nơi mà chị đã gửi gắm tất cả tình thương. Nói mình là người độc thân, ấy vậy mà khi nào chị cũng tự nhận mình làm dâu xứ Huế và có trăm đứa con thơ. Cứ thế, mỗi lần trở về Huế chị như về lại mái ấm gia đình, nơi có ngập tràn yêu thương luôn chờ đón chị. Với những công lao, đóng góp không ngừng nghĩ ấy, cuối năm 2014 chị vinh dự được Bộ Y tế Việt Nam trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU