Gần đây, thị trường hoa rộ lên loại hoa mang tên “Ly lửa Nhật Bản” và đang gây sốt bởi vẻ ngoài đẹp rực rỡ và bắt mắt. Nhưng thực chất, đây là loài mang trong mình chất kịch độc chết người.
Loại hoa nhập mang tên “Ly lửa Nhật Bản”
Theo các chủ shop hoa tươi quảng cáo thì đây là loại nhập từ Nhật Bản, luôn trong tình trạng cháy hàng. Vì vẻ ngoài của hoa rất bắt mắt: tuy không có mùi thơm như hoa ly Việt Nam nhưng hoa có màu đỏ, cánh mỏng manh, uốn cong như một ngọn lửa đang cháy, nên hoa rất “được lòng” các chị em phụ nữ. Được biết, giá mỗi cành cây của ly lửa Nhật Bản trên thị trường hiện nay đã lên tới khoảng 400.000VND.
Hoa ly lửa Nhật Bản thực chất là cây ngót nghẻo
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu (Viện Dược liệu, bộ Y tế), hoa ly lửa Nhật Bản chính là cây ngót nghẻo, có nhiều ở các tỉnh, địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận… Trên thế giới, nó còn xuất hiện ở các nước như Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Nhật Bản…
Cây ngót nghẻo có tên khoa học là Gloriosa L. thuộc họ Colchicaceae. Ở Việt Nam, chúng mang nhiều tên gọi khác nhau như hoa Móng hổ, Huệ lồng đèn, Loa kèn lửa, Ngoắt nghẻo…
Đây là dạng cây sống lâu năm, mọc hoang ở các vùng bìa rừng núi cao, rừng ngập mặn, có thể sống được ở những nơi điều kiện ngặt nghèo như cồn cát. Nó có 6 cánh hoa dài nhọn màu đỏ tươi, đôi khi có màu vàng nhạt hoặc cam. Quả chứa các hạt màu đỏ, rễ phình to thành củ.
Toàn thân cây ngót nghẻo đều chứa kịch độc
Điểm đặc biệt cần chú ý của cây ngót nghẻo là toàn thân của nó đều chứa kịch độc, có thể giết chết động vật cỡ lớn hoặc con người. Biểu hiện trúng độc thường thấy vài giờ sau khi ăn với những triệu chứng như đau môi, lưỡi, tê dại toàn thân, đau bụng, đại tiện ra máu, trụy tim mạch, suy hô hấp, mất tri giác rồi chết. Với phụ nữ, độc từ cây ngót nghẻo có thể gây lột da và chảy máu vùng âm đạo. Người ta trồng cây ngót nghẻo để ứng dụng trong y học và làm cảnh. Liều uống được điều chế từ cây thì không được quá 0,5g mỗi ngày và phải do các thầy thuốc có kinh nghiệm bào chế để sử dụng. Chất độc từ cây ngót nghẻo được người dân ở Nigeria sử dụng để tẩm vào mũi tên. Tại Ấn Độ, một số người dân đặt củ của cây ở cửa sổ để đuổi rắn độc ra xa nhà ở.
Cho đến thời điểm hiện tại, người ta đã ghi nhận vài trường hợp bị trúng độc do ăn nhầm cây ngót nghẻo. Ví dụ ở Nhật Bản, củ cây ngót nghẻo khá giống cây củ mài nên, năm 2006, một người đàn ông ở Kochi và năm 2007, một người đàn ông ở Shizuoka đã tử vong do ăn phải củ cây ngót nghẻo. Tại Mỹ, năm 1964, một bệnh nhân ăn phải củ ngót nghẻo đã rụng rết tóc dẫn đến hói đầu, thậm chí lông trên cơ thể cũng rụng hết.
Còn ở Việt Nam, khoảng 40 năm về trước, một sản phụ ngụ tại xã Hòa Nhơn (Đà Nẵng) bị phù thũng và được người ta mách rằng nên dùng cây Cối xay (còn gọi là Giằng xay) sắc nước uống. Do tên cây ngót nghẻo có nơi gọi là “Giằng xay” nên người ta đã chỉ nhầm cho sản phụ đó. Kết quả, sản phụ đã tử vong sau khi uống nước sắc từ cây này.
Với những nguy hiểm tiềm ẩn từ cây ngót nghẻo đã liệt kê như trên, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu cảnh báo loài cây này rất nguy hiểm với người tiêu dùng, đặc biệt với nhà có trẻ nhỏ. Vì vậy, để đón Tết lành mạnh và an toàn, các chị em có lẽ nên cân nhắc việc mua loài hoa này về trồng.
kilala.vn