Ở Nhật, không phải người phụ nữ nào cũng dám đứng lên nói ra quan điểm của mình vì đơn giản, nhiều người sẽ bị chỉ trích hay nghi ngờ là "không đứng đắn"
Một cuộc vận động đã được khởi xướng trên mạng xã hội với hashtag #MeToo (#TôiCũngVậy) nhằm vạch trần những hành vi quấy rối và tấn công tình dục, đặc biệt là tại nơi làm việc. Phong trào #Metoo đã thực sự gây chấn động thế giới cuối năm ngoái với nhiều câu chuyện về vấn nạn xâm hại tình dục. Tuy nhiên, khi một số phụ nữ Nhật hưởng ứng phong trào này, họ lại không nhận được nhiều sự đồng cảm.
Nhà báo Shiori Ito, đã quyết định tổ chức một buổi họp báo vào năm 2017 sau khi tòa án không xử tội kẻ đã hiếp dâm cô: Noriyuki Yamaguchi vào năm 2015, sau một lần hắn ta mời cô đi ăn tối và thảo luận công việc. Khi cô cảm thấy hơi mệt, hắn đã đưa cô tới phòng khách sạn và hãm hiếp khi Ito không nhận thức được. Ngày hôm sau, Ito đến một phòng khám nhưng các nhân viên ở đây không biết nhiều về xâm hại tình dục, còn một trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục từ chối trao đổi qua điện thoại. Cảnh sát thì yêu cầu cô kể lại chi tiết nhiều lần và còn bắt cô phải minh họa với một con búp bê có kích cỡ như người thật.
Phải mất đến 3 tuần, cảnh sát mới bắt đầu điều tra. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực, vụ án vẫn bị hủy bỏ vì Yamaguchi có mối quan hệ với một vài thế lực lớn. Tuy nhiên, nhiều người đã quay ra chỉ trích cô, cho rằng cô trông quá là quyến rũ, nhiều người gọi cô là một nỗi xấu hổ, nỗi nhục.
Cây bút nổi tiếng Haruka Ito (bút danh Ha-Chu), đã bị chỉ trích nặng nề sau khi tiết lộ câu chuyện cô đã bị xâm hại tình dục bởi một đồng nghiệp nam khi cả 2 làm việc tại Dentsu - công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản. Kẻ xâm hại tình dục cô sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi và nghỉ việc, mặc dù anh ta một mực phủ nhận những hành vi xâm hại của mình.
Ước tính, cứ 15 phụ nữ Nhật Bản lại có 1 người từng bị hiếp dâm hay ép quan hệ tình dục ở công sở. Những áp lực xã hội khiến phụ nữ Nhật không dám lên tiếng hay nói "không" vớiv những mối quan hệ tình dục ép buộc. "Trong một xã hội phụ hệ, nơi phụ nữ vẫn thường bị đổ lỗi cho mọi điều, nhiều nạn nhân cố gắng quên đi nỗi đau về việc bị xâm hại tình dục, thay vì kiếm sự ủng hộ và đồng tình từ xã hội. Nhiều người không dám lên tiếng vì sợ bị mất việc" Mari Miura - giáo sư khoa học chính trị tại đại học Sophia, Tokyo cho biết.
Mika Kobayashi, một nạn nhân bị xâm hại tình dục đã thành lập một nhóm tự giúp đỡ, nơi họ chia sẻ những câu chuyện #MeToo. Tuy nhiên, những chia sẻ trên chỉ được giữ trong nhóm. Cô nói rằng cô từng bị đẩy vào một chiếc ô tô và bị hiếp trên đường về vào năm 2000. Dù đã báo cáo với cảnh sát, kẻ tấn công cũng không được tìm ra.
"Tôi từng coi bản thân mình là một người giữ bí mật lớn, một nạn nhân xâm hại tình dục nhơ nhuốc. Tôi thấy may mắn vì có thể liên lạc được với những nạn nhân khác. Họ cho tôi sức mạnh", Kobayashi chia sẻ.
kilala.vn