Ở Nhật Bản, “Tsuyu - 梅雨” là thuật ngữ dùng để miêu tả khoảng thời gian giao mùa từ xuân sang hè, khi những luồng khí nóng ẩm từ Thái Bình Dương đẩy không khí lạnh lên phía Bắc, thời gian mặt trời chiếu sáng trở nên ít hơn và những cơn mưa xuất hiện đều đặn hơn. Những cơn mưa Tsuyu không lớn nhưng rả rích và kéo dài nhiều ngày. Đối với người Nhật Bản, thay vì dựa vào các căn cứ khoa học, mùa mưa Tsuyu lại hiển nhiên trở thành một dấu hiệu thiên nhiên, tí tách thông báo với mọi người rằng, một mùa hè khác đã lại về.
Vị sứ giả mùa hè
Ngoại trừ quần đảo Ogasawara và tỉnh Hokkaido là không có mùa mưa, ở các địa phương khác, thông thường Tsuyu sẽ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 7. Càng về phía Bắc, mùa mưa càng đến muộn. Hằng năm, Đài khí tượng Nhật sẽ thông báo “Tsuyu-zensen” - biểu đồ dự đoán thời gian Tsuyu ghé thăm Đảo quốc Nhật Bản. Theo Âm lịch, Tsuyu rơi vào khoảng tháng 5 nên còn có tên gọi khác rất thi vị là “Samidare”, tức “Ngũ Nguyệt Vũ” (五月雨).
Có một nghịch lý là mặc dù không ít người Nhật than phiền rằng mùa mưa Tsuyu thật đáng ghét, nhưng thực chất bản thân họ lại không hoàn toàn cảm thấy như vậy. Có một điều không thể phủ nhận, đó là tiếng mưa rơi có tác dụng giải tỏa căng thẳng rất tốt. Khoa học đã chứng minh, khi con người lắng nghe tiếng mưa rơi, não bộ sẽ tự động phát ra sóng Alpha - loại sóng giúp tâm trạng trở nên thư giãn và nâng cao khả năng tập trung. Tương tự tiếng Việt, trong tiếng Nhật cũng có rất nhiều từ tượng thanh miêu tả tiếng mưa như “Shito shito” - âm thanh âm ỉ khi những cơn mưa lất phất rơi, hay “Za za” - âm thanh rào rào khi trời bất chợt đổ mưa.
Với một số người, Tsuyu đồng nghĩa với việc khó phơi khô áo quần, chăn mền dễ lên mốc, những cuộc hẹn bị hoãn lại, tâm trạng thì ủ ê và luôn rơi vào cảm giác lười vận động. Tuy nhiên, cơn mưa Tsuyu lại chính là những giọt phúc lành đổ xuống từ trời đối với đất đai, cây cối và ruộng đồng. Và có đứa trẻ nào lại không say mê những ngày trời đổ mưa, được bì bõm trong những vũng nước đọng?
Ngay cả quang cảnh ngày thường, qua làn mưa giăng giăng cũng trở nên mờ ảo lạ lùng. Tiết trời mát mẻ khi mưa xuống, âm thanh lộp bộp của tiếng mưa rơi trên mái nhà, mùi lá cây tươi mới sau khi được nước trời gột rửa, hay chỉ đơn thuần là cảm giác yên bình khi nhìn mưa rơi... chắc chắn, bạn cũng sẽ tìm được một lí do của riêng mình để yêu thích mùa mưa Nhật Bản.
Cùng trải qua một mùa mưa thật đẹp
Vào chùa ngắm hoa Cẩm tú cầu
Người Nhật rất yêu thích các hoạt động thưởng hoa theo mùa, nếu mùa xuân có Sakura thì mùa hè chắc chắn phải đi ngắm Ajisai. Còn được biết đến với tên gọi “Cẩm tú cầu”, Ajisai là một trong những đại diện tiêu biểu cho những loài hoa nở vào đúng mùa mưa Nhật Bản. Hoa Ajisai nhỏ nhắn, cánh mỏng manh, khi mọc xếp lên nhau chen chúc, tạo thành từng chùm to tròn. Tùy vào độ pH và lượng nhôm trong đất mà cây hấp thụ được, cánh hoa sẽ có màu xanh, tím, trắng hoặc đỏ. Do đó, có khi chỉ trên một khoảnh đất nhỏ nhưng các bụi hoa lại có màu sắc hoàn toàn khác nhau, tạo nên vẻ đẹp nao lòng.
Vào mùa hè, có thể bắt gặp nhiều nơi có hoa Ajisai nở rộ như thành phố Maizuru ở Kyoto hay Gamagori ở Aichi. Tuy nhiên, các ngôi chùa vẫn là địa điểm thưởng hoa được nhiều người Nhật ưa chuộng nhất. Ajisai là loài hoa ưa thích sự ẩm ướt nên đối với những nơi có đất đai phì nhiêu và nguồn nước dồi dào như chùa chiền, đây chính là loài hoa thích hợp để gieo trồng. Nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Tokeiji ở Kamakura, chùa Mimuroto ở Uji hoặc chùa Yoshimine ở Nishiyama.
Những bụi cây chỉ cao chừng 1 - 2 mét, thấp tròn, mọc xum xuê nhưng lại rất gọn gàng, khi nở rực rỡ sắc màu nhưng vẫn chừa chỗ cho sắc lá xanh chen vào tô điểm, thể hiện cái đẹp vừa phô trương vừa khiêm nhường. Sau cơn mưa hè, các bụi hoa Ajisai nở rộ tưng bừng, mang thêm luồng không khí tươi mới vào trong không gian vốn dĩ yên bình và cổ kính của những ngôi chùa Nhật Bản. Khung cảnh vừa tươi vui vừa trầm mặc này không chỉ làm thổn thức những thi nhân Nhật Bản thời xưa mà còn lay động cả người nay.
Điệu đà trong mùa mưa
Kể cả trong những ngày mưa u ám, người Nhật vẫn có cách riêng để làm điệu với những cây dù, ủng đi mưa hay chiếc áo mưa xinh xắn. Ngoài kiểu dù trong suốt đặc trưng, còn có rất nhiều loại dù đi mưa với hoa văn và màu sắc phong phú. Khi mua dù, bạn nên lưu ý để tránh nhầm lẫn dù che mưa (雨傘-Amagasa) với phần tán dài hơn để che nước bắn vào và dù che nắng (日傘-Higasa) vốn có màu sắc đơn giản, ít hoa văn hơn nhé!
Làm búp bê cầu nắng - Teru Teru Bozu (てるてる坊主)
Các fan hâm mộ của Doraemon chắc không lạ gì búp bê “Teru teru bozu” mà Nobita hay treo ngoài cửa sổ. Trong tiếng Nhật, “Teru” có nghĩa là nắng, còn “Bozu” có nghĩa là cậu bé đầu trọc, “Teru teru bozu” là cậu bé nắng. Trẻ em Nhật thường treo Teru teru bozu ở hiên nhà hoặc cửa sổ để cầu thời tiết tốt cho ngày hôm sau, đặc biệt là trước những hôm đi cắm trại. Bạn nhớ lưu ý khi treo nhé, vì nếu lật ngược búp bê lại thì có nghĩa là bạn đang cầu mưa đấy!
Tìm sợi mưa Kusari-toi
Với tâm hồn yêu thiên nhiên và trân trọng cái đẹp cả ở những chi tiết nhỏ nhoi, người Nhật đã nghĩ ra “Kusari-toi” (鎖樋) - chuỗi ly trang trí treo bên dưới máng xối. Khi mưa xuống, nước mưa từ mái nhà sẽ theo đường máng xối rót đầy vào trong các ly treo trên Kusari-toi, tạo thành những dòng nước róc rách vô cùng sinh động. Tiếng Anh dịch từ này là “Rain chain”, tức sợi mưa. Bạn có thể bắt gặp Kusari-toi ở các công trình kiến trúc truyền thống Nhật Bản. Nếu có dịp đến Nhật vào mùa mưa, hãy thử để mắt tìm những sợi mưa này khi đang thơ thẩn quanh các đền Thần đạo nhé!
Bạn đã đọc "Khu vườn ngôn từ" (Koto no Ha no Niwa) chưa?
Được chuyển thể từ Anime nổi tiếng, tiểu thuyết “Koto no Ha no Niwa” bản tiếng Việt với tên "Khu vườn ngôn từ" đã ra mắt độc giả vào năm 2015. Có thể nói, một trong những lí do khiến các bạn trẻ đón nhận “Koto no Hana” chính là hình ảnh khu vườn Nhật Bản vào mùa hè với đầy đủ mọi âm thanh, mùi hương, màu sắc được khắc họa vô cùng thi vị xuyên suốt tác phẩm. Tiểu thuyết có những chi tiết được đặc tả kỹ càng và dày dặn hơn, lấp đầy những khoảng trống mà phiên bản Anime chưa khai thác hết.
Lê Mai/ kilala.vn
Đón xem trên KILALA Vol.19: