Tôi đã thấy họ lướt qua, như những cái bóng không linh hồn, gật gù đong đưa trên những chuyến tàu sớm khuya, đi như chạy trên những con phố nêm chật người, khật khà trên bàn nhậu rượu bia đổ tràn.
Có một nước Nhật rất khác...
Ở một đất nước phát triển đã phân công vị trí và chức năng xã hội quá rạch ròi như Nhật Bản thì công việc của hai giới đúng theo kiểu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
Là một người đàn ông, còn nhỏ thì tới tuổi tới trường, tới tuổi đi học, tới tuổi tốt nghiệp, đi làm, đi làm được 2, 3 năm ổn định thì lấy vợ, rồi sinh con, rồi cần mẫn để được thăng chức tăng lương, mượn nợ ngân hàng mua nhà mua xe, cho con đi học. Ai trật ra khỏi cái quỹ đạo ấy, ngoài chuyện bị mọi người xung quanh coi là khác thường, mà bản thân người đó cũng cảm thấy lạc lõng giữa thế giới, như một đàn kiến hành quân đông đúc có một con kiến thợ lẻ loi ven đường, không biết làm thế nào để được thu nạp lại vào tập thể ấy.
Ở các nước phương Tây, tốt nghiệp xong nghỉ một năm dùng tiền dành dụm đi du lịch (tiếng Anh gọi là gap year) được coi là một trải nghiệm cần có thì ở Nhật, một năm bị tụt lại so với các bạn đồng trang lứa dù với lý do gì đi nữa lại trở thành sự băn khoăn, nghi ngại của người xét duyệt hồ sơ khi xin thi tuyển vào công ty.
Đi làm, ổn định mấy năm mà chưa có vợ, hay có vợ rồi ly hôn, đó là một chuyện cũng chẳng hề nhỏ. Điều mâu thuẫn là, người Nhật cực kì tôn trọng thông tin cá nhân cũng như sự riêng tư nơi công cộng như không có việc vô tư bắt chuyện với người xa lạ (người như thế bị gọi là quấy rối, hoặc thậm chí là biến thái) nhưng một khi đã là người của công ty, thì đó là chuyện khác. Ai bảo người Nhật rạch ròi chuyện công việc và chuyện cá nhân? Cho dù anh làm việc tốt thế nào, mà đến tuổi chưa kết hôn, hay gia đình không hòa thuận, công ty và cả đồng nghiệp sẽ nhìn anh như một kiểu “người có vấn đề”hay “có mỗi chuyện gia đình mà lo cũng không xong”, từ đó ảnh hưởng tới uy tín, sự tôn trọng của mọi người xung quanh dành cho người đàn ông đó.
Hôm nọ, trong một bữa nhậu, có anh bạn người Nhật than rằng đi nhậu về loay hoay mở cửa hoài không được mới gọi điện thoại cho vợ, lúc đó vợ cũng đang ở nhà. Cô vợ không bắt máy, chỉ nhắn tin trả lời “Không phải là anh không mở được, mà có phải là anh đã uống quá xỉn và về quá muộn hay không?” Tôi đùa bảo, có mỗi cái dây khóa bé tẹo, ông tông cửa vào là được mà. Ai ngờ ông bạn thật thà đáp “Làm thế hàng xóm nghe được người ta cười cho, bảo gia đình này không hòa thuận thì tao mất mặt lắm.” Anh không kể tiếp, nhưng tôi cũng đoán được cái kết của đêm đó thế nào.
Người đàn ông ra ngoài xã hội, trên có sếp, xung quanh có đồng nghiệp, có khách hàng, một người ba bốn bổn phận, cái nào cũng phải tuyệt vời hoàn hảo, về nhà là người bố, người chồng, cũng không thể nào có thiếu sót. Phụ nữ stress có khi chỉ cần thỏa mãn nhu cầu “tám” chuyện, nhưng người đàn ông với những nỗi niềm không giải tỏa mới thực sự đáng tội nghiệp. Ai bảo sinh ra “kiếp” đàn ông làm chi, để than thở cũng không được, mà nước mắt thì lại càng phải nuốt ngược vào trong.
Cả thế giới nhìn vào nước Nhật, bảo người đàn ông Nhật chỉ biết lo phấn đấu vì công việc, chuyện gia đình đã có vợ đảm đang nhưng thực tế, sự giằng co giữa trách nhiệm một người nhân viên trong công ty, một người chồng, một người bố trong gia đình chưa có giờ phút nào buông tha đàn ông Nhật.
Có đọc được tâm sự của những ông bố trên mạng mới thấy cả xã hội và gia đình đang đặt trên vai người đàn ông Nhật Bản những trọng trách quá nặng nề.
“Khi tôi về nhà thì vợ con đã đi ngủ. Sáng sớm khi tôi ra khỏi nhà cho kịp chuyến tàu điện đi làm thì con vẫn còn chưa thức giấc. Nhiều khi cả tuần chẳng được nói chuyện với con.”
“Tôi đi công tác đằng đẵng năm này qua tháng nọ, liệu vợ tôi ở nhà có ngoại tình? Mà nếu có ngoại tình thì tôi biết làm gì bây giờ?”
“Tối nào tôi cũng phải đi uống với đối tác. Lúc đầu vợ cằn nhằn, giờ thì cô ấy chẳng nói gì nữa. Ngay cả khi thấy tôi mở cửa bước vào, tuyệt nhiên cô ấy cũng chẳng nói một lời...”,
“Mấy tháng mới về thăm nhà được một lần, lúc tôi bế con lên, con bé khóc, giẫy nẫy gọi mẹ. Vợ tôi nói nó sợ người lạ. Tôi là...người lạ?!”
“Trong nhà, con và cô gái (vợ) là một phe, còn tôi, ở phe còn lại.” v.v.
Ở Nhật có rất nhiều những quán rượu nhỏ theo kiểu , im lặng. Vào trong quán dễ bắt gặp những người đàn ông ngồi trầm mặc với ly bia, rượu trước mặt. Nhân viên đi lại cũng khẽ khàng, tránh gây tiếng động. Họ cứ ngồi thế, tưởng chừng như thời gian đang trôi, xã hội nhộn nhịp ngoài kia là của một ai khác, không phải của họ. Dần dần, tôi mới hay, sau những cuộc nhậu với khách hàng, với đối tác, v.v. trước khi về nhà, đó là nơi họ ghé qua uống một ly, một ly dành riêng cho họ, một khoảng thời gian riêng “ta với ta” trước khi về nhà, như một bước reset, để thay đổi giữa hai bộ mặt. Một sự chuẩn bị.
Tôi tự hỏi, nếu gia đình thực sự là một chỗ dựa cho người đàn ông như những gì thế giới đang ca tụng về sự hi sinh của những bà vợ Nhật làm hậu phương vững chắc cho những ông chồng cống hiến sức lực cho xã hội, thì lấy đâu ra “những người đàn ông trầm mặc” như thế?
Thường những người Nhật, khi có một mình vẫn trầm mặc, nhưng biểu hiện của họ sẽ thay đổi chỉ sau một giây nếu gặp một đối tượng khác như bạn bè, đồng nghiệp. Họ sẽ đứng phắt dậy, tay bắt mặt mừng, miệng cười tươi, ánh mắt rạng ngời, hoan hoan hỉ hỉ, nói nói cười cười. Những khuôn mặt tĩnh lặng một giây trước giây sau biến đổi hoàn toàn như một phím tắt xoay chuyển giữa những bộ mặt. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên mình nhìn thấy cảnh đó, tôi đã quá đỗi ngạc nhiên đứng chôn chân tự hỏi chuyện gì đang diễn ra thế này.
Một nước Nhật tươi hồng, một nước Nhật phát triển vượt bậc, một đất nước gương mẫu làm hình tượng cho bao nhiêu quốc gia khác thực ra cũng chỉ là một đất nước với những nỗi niềm cũng rất riêng và rất thực. Ở đó có những người đàn ông cần mẫn đi về với sự cô đơn đổ dài trong những bộ đồ vest công sở chỉnh chu.
Có một nước Nhật rất khác...
Bài: Minh Nhật/kilala.vn