Lựa chọn mới cho người ăn kiêng - bánh mì low-carb
Bài: JINius
Aug 28, 2019
Nguồn tham khảo: Asahi Shimbun
Người gặp vấn đề về cân nặng và đường huyết: chỉ kiêng đường liệu có đủ?
Theo các nghiên cứu, tiêu thụ lượng carbohydrate cao từ lúa mì và đường được cho là tác nhân gây tăng cân, bởi vì chúng được lưu trữ dưới dạng chất béo trung tính trong gan và tế bào mỡ. Tuy nhiên, nếu như hầu hết mọi người đều chỉ tập trung vào việc kiêng đường, thì tác nhân còn lại cũng gây hại không kém - lúa mì - lại thường bị xem nhẹ.
Bạn có biết, bánh mì được bán phổ biến ở các tiệm bánh mì thông thường được làm từ bột mì trắng. Nguyên liệu này sau khi qua tinh chế sẽ không còn chứa chất xơ và có thể làm lượng đường huyết tăng cao.
Không chỉ vậy, thành phần của hầu hết các loại bánh mì đều chứa muối. Do đó, nó thúc đẩy sự hấp thụ carbs, làm tăng nguy cơ tăng lượng đường trong máu. Một khi lượng đường trong máu tăng mạnh, nó sẽ tác động đến sự khởi phát, tiến triển của bệnh tiểu đường, gây xơ cứng động mạch và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Chính vì vậy, một số người đang trong chế độ ăn kiêng gắt gao thường cố gắng không nạp carbohydrate vào cơ thể. Đặc biệt, những người đang gặp vấn đề về đường huyết càng cần phải kiêng khem nghiêm ngặt để tránh tình trạng bệnh trở nên xấu đi.
Tin vui cho bạn: Bánh mì Low-carb
Gần đây, theo thông tin trang Asahi Shimbun đăng tải, Atsushi Suzuki, giáo sư khoa Nội tiết và Chuyển hóa tại Khoa Y của Đại học Y tế Fujita đã phối hợp cùng những sinh viên đã tốt nghiệp và một thợ làm bánh để tìm cách tạo ra một loại bánh mì có hàm lượng carbohydrate thấp (gọi tắt là low-carb), dành cho những người mắc bệnh tiểu đường và những người đang trong chế độ ăn kiêng.
Loại bánh mì này có tên gọi "Medi Midi". So với bánh mì thông thường, lượng carbohydrate có trong Medi Medi ít hơn hẳn 1/2 nhưng vẫn cung cấp lượng calo cần thiết như bánh mì thông thường. Tuy nhiên vì trong bánh không có đường nên Medi Medi vẫn giữ được vị ngon nguyên bản của các loại nguyên liệu.
Trong quá trình nghiên cứu, họ đã tăng lượng chất xơ trong bánh bằng cách thay thế một phần bột mì bằng bột cám và đậu nành. Mục đích là để ức chế sự hấp thụ carbohydrate nhưng vẫn khiến người ăn có cảm giác no.
Giáo sư quyết tâm đảm bảo chất lượng bánh mì và sự đa dạng của bánh nên đã phát triển ba loại bánh mì low-carb: bánh mì trơn; bánh mì kết hợp vỏ cam; và bánh mì nhân đậu đỏ nghiền azuki. Mặc dù chất làm ngọt nhân tạo không được sử dụng, vỏ cam và đậu đỏ vẫn giữ được lượng đường tự nhiên nên bánh vẫn có hương vị đậm đà.
GS. Suzuki và các đồng nghiệp đã thử nghiệm bánh mì của họ với sự hỗ trợ của bệnh nhân tiểu đường nhập viện tại trung tâm y tế. Sau khi thử nghiệm, ông nhận ra rằng bánh mì Medi Midi “thân thiện” với tuyến tụy hơn bánh mì bình thường và giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Với sự ra đời của bánh mì Medi Medi, các bệnh nhân tiểu đường cũng như những người ăn kiêng khắt khe sẽ có thêm một sự lựa chọn mới cho bữa ăn của mình.
kilala.vn