Lí do Mikon Shakai - tầng lớp "ế" ở Nhật gia tăng

Bài: Nguyễn Thị Thu/ Ảnh: iStockAug 1, 2018

Mikon-shakai - xã hội chưa kết hôn” đã trở thành một cụm từ thông dụng ở Nhật trong thời gian gần đây, chỉ hiện tượng ngày càng có nhiều người Nhật ở độ tuổi kết hôn nhưng không hề có ý định yêu đương và kết hôn, thay vào đó họ theo đuổi chủ nghĩa độc thân và vui vẻ với cuộc sống một mình. Điều gì đang xảy ra trong suy nghĩ của những người Nhật trẻ, trong xã hội hiện đại Nhật Bản đang là câu hỏi khiến các bậc phụ huynh và những nhà cải cách xã hội đau đầu.

Trong một cuộc điều tra xã hội khảo sát 1.200 người trẻ trong độ tuổi 20-29, có 45% nam giới và 28% nữ giới cho biết họ chưa hề yêu ai

Tâm lý ngại yêu, sợ tổn thương, hoặc giao tiếp kém

feet-1081910_1280.jpg
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Điều tra trên cũng cho ra một kết quả bất ngờ là có rất nhiều thanh niên suy nghĩ tiêu cực về tình yêu, đăc biệt là nam giới. Họ ngại yêu vì không muốn chịu cảm giác tổn thương cũng như thất bại trong tình yêu với ai đó. Trong một cuộc điều tra khác tiến hành tại Đại học Kyushu, các sinh viên chia sẻ rằng họ “không thể mở cửa trái tim mình một cách dễ dàng với người khác giới”, hay “không thể trả lời ngay lập tức cho người khác giới biết những điều mình nghĩ trong lòng”. Điều đó cho thấy kỹ năng giao tiếp kém cũng là một trong những lí do khiến các sinh viên đại học ngại yêu.

Độc thân: Tự do, thoải mái

tự do thoải mái
Cuộc sống độc thân rất tự do, thoải mái (Ảnh minh họa: adamkontor/Pixabay)

Rất nhiều người khi được hỏi đều trả lời rằng họ không muốn kết hôn vì cuộc sống độc thân rất tự do, thoải mái, họ có cách sống riêng, không muốn thay đổi thói quen và cũng không muốn ai xâm phạm vào lãnh địa riêng của mình. Thậm chí độc thân còn mang đến cho họ cảm giác như đang kết hôn với chính mình. Người Nhật cũng ít khi tò mò về chuyện riêng tư của người khác, cha mẹ tôn trọng suy nghĩ của con cái nên họ không hề cảm thấy áp lực về chuyện kết hôn.

Việc đề cao tự do cá nhân trong cộng đồng xã hội Nhật Bản còn thể hiện qua sự phát triển của các dịch vụ giải trí dành cho người độc thân. Bên cạnh hội những người bạn độc thân (ở Nhật có một cụm từ riêng dành cho những người đàn ông không thích yêu và kết hôn là “Zetsushokuke-danshi”), còn có nhiều lớp học nấu ăn, câu lạc bộ câu cá, đạp xe, thể thao tổ chức vào cuối tuần dành cho đàn ông độc thân tham gia, khiến họ thấy không còn cô đơn khi không kết hôn.

Áp lực công việc và gánh nặng thu nhập 

áp lực công việc
Áp lực công việc là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc ngại kết hôn
(Ảnh minh họa: ErikaWittlieb/Pixabay)

Ngoài các nguyên nhân chủ quan kể trên, có thể nói chính áp lực công việc, mức thu nhập “không đủ để lo cho gia đình” hay tương lai về già đầy bất an mới là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc ngại kết hôn ở thanh niên Nhật.

Thời gian trung bình để người Nhật kết thúc công việc thường là 9 giờ tối và có nhiều công ty phải làm muộn hơn. Chính vì bị cuốn vào guồng quay công việc nên thanh niên Nhật luôn có tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi, và không còn thời gian để đi tìm hiểu hẹn hò.

Trong khi đó, phụ nữ Nhật vẫn thích tìm kiếm bạn đời có thu nhập cao và ổn định. Đa số phụ nữ sau khi lấy chồng và sinh con sẽ phải ở nhà làm nội trợ và trọng trách kiếm tiền đặt lên vai người đàn ông. Vì thế rất nhiều đàn ông có thu nhập thấp không đủ tự tin để kết hôn vì sợ mình sẽ không đủ khả năng lo cho gia đình. 

Hơn nữa phần lớn sinh viên Nhật đều xuất thân từ gia đình không khá giả về kinh tế và phải vay mượn tiền dưới hình thức học bổng có hoàn trả trong suốt 4 năm đại học với 2 mức vay phổ biến là 50.000 hay 80.000 yên/tháng, và họ sẽ phải trả góp sau khi tốt nghiệp và đi làm. Tính ra mỗi sinh viên Nhật sau khi tốt nghiệp đều phải trả nợ, tùy mức tiền vay và trả mà thời gian để trả hết có thể là 5 năm hay 10 năm, khiến họ không đủ dư dả về mặt kinh tế để tính đến chuyện xây dựng gia đình với người khác.

Tiết kiệm để lo cho tuổi già của bản thân 

cafe-569349_1920.jpg
(Ảnh minh họa: Unsplash/Pixabay)

Trước một xã hội ngày càng ít người lao động mà tiền lương hưu dành để nuôi người già cứ phình ra, chỉ còn một cách giải quyết khả dĩ là chính phủ phải nâng độ tuổi về hưu lên khoảng 70 hay 75 tuổi và tiền lương hưu sẽ bị giảm đi trong tương lai.

Vì thế mà gần đây, trong những người ở độ tuổi 30 - 40 chưa kết hôn xuất hiện một xu hướng tâm lí mới là lo trước cho tuổi già. Bước vào ngưỡng 35 với nữ giới và 40 với nam giới – tức độ tuổi ngại kết hôn, ngại sự thay đổi thói quen trong cuộc sống, họ không còn mặn mà với việc kết hôn nữa mà thay vào đó là bắt đầu tiết kiệm tiền để lo cho tuổi già trong tương lai của mình với nhiều bất ổn như chi phí y tế cao, lương hưu ít.

Với hiện trạng trên, chắc chắn rằng trong tương lai những người già sống một mình mà không có người thân sẽ càng tăng lên và chính phủ Nhật sẽ phải chuẩn bị đưa ra nhiều chính sách mới để ứng phó với những thay đổi của cấu trúc xã hội.

Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn

Đặc điểm chung của những người đàn ông ở tuổi 40 không kết hôn ở Nhật 

➤ Lấy sở thích hay đam mê cá nhân làm lẽ sống

➤ Mắc bệnh quá sạch sẽ

➤ Quá yêu công việc

➤ Nhiều bạn cùng giới

➤ Yêu thích việc nhà và nấu nướng

➤ Thu nhập thấp

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU