Kinh nghiệm làm phục vụ nhà hàng Nhật ở Việt Nam

Bài/ Ảnh: Hoàng Phượng VũJul 25, 2017

Theo học ngành Kế toán thuộc trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ (HUTECH) nhưng Quỳnh Như (sinh năm 1995) lại tìm thấy định hướng của bản thân: Có sự đam mê với văn hóa Nhật Bản và quyết định học thêm tiếng Nhật. Tính đến thời điểm hiện tại, Quỳnh Như đã làm phục vụ ở 4 nhà hàng Nhật, trong đó có 2 nhà hàng chủ người Nhật là Heike (tại khách sạn New World) và Okinawa Yamaneko; 2 nhà hàng có chủ người Việt là Sushi Sài Gòn và Haruna. 

Lưu ý về tên món, vệ sinh, cách đọc số tiền của người Nhật

Theo Quỳnh Như, cũng có sự khác biệt nhỏ giữa môi trường làm việc với chủ người Nhật và chủ người Việt. Người Nhật vốn cầu toàn nên có sự khó tính và đòi hỏi cao trong công việc, từ đó tạo nên một môi trường làm việc phép tắc, sự hoàn thiện trong tác phong của nhân viên; trong khi đó, một số chủ nhà hàng người Việt lại dễ tính, gần gũi với nhân viên hơn, tuy nhân viên của họ không hoạt động hoàn hảo như nhân viên của những người chủ Nhật nhưng môi trường làm việc lúc nào cũng vui vẻ, tạo nên bầu không khí cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm cùng giúp nhau tiến bộ. 
Kinh nghiệm làm phục vụ nhà hàng Nhật ở Việt Nam
Nhân viên người Việt tại Oedo Alley Japanese Food Village (Saigon Centre, quận 1) (Ảnh: Noriaki Sugita)

Thời gian đầu, Quỳnh Như là một nhân viên thiếu kinh nghiệm và không biết tiếng Nhật. Tuy được training một số câu giao tiếp cơ bản trong môi trường nhà hàng và tên các vật dụng phổ biến, nhưng việc người Nhật nói quá nhanh khiến cô bạn không ít lần phải “Komatte” – khốn đốn. Đa phần khách sẽ cho qua khi nhân viên không hiểu được và đáp ứng không đúng yêu cầu nhưng một số vị khách Nhật khó tính sẽ trả lại món và yêu cầu gặp quản lý.

Bên cạnh đó, vấn đề về thời gian lên món hay vệ sinh cũng thường được người Nhật chú ý và nhắc nhở. Điều này khá hiển nhiên với tính cách thích sạch sẽ, cầu toàn cũng như  đúng giờ của họ. Ngoài ra, một trở ngại nhỏ khác là cách đọc số tiền tiếng Nhật, nhất là đối với người hoàn toàn không biết tiếng Nhật. Ở Việt Nam, số tiền được tính theo đơn vị “ngàn” (nghìn)- ba số 0; nhưng người Nhật lại tính số tiền theo đơn vị “vạn” (trăm nghìn) – bốn số 0. Điều này trái với thói quen người Việt nên một số bạn mới làm việc tại nhà hàng Nhật thường mất thời gian (để đếm số) khi tính tiền với khách hàng. Như chia sẻ: “May mắn là mình có thể làm quen khá nhanh chứ một số bạn khác cho rằng họ phải mất thời gian khá lâu để làm quen với các đọc này.” 

Làm thêm tại nhà hàng Nhật giúp lên trình ngôn ngữ siêu nhanh

Nhà hàng Nhật là môi trường khá thuận lợi để học giao tiếp, như một “Nhật Bản thu nhỏ” vì bạn sẽ phải học tên rất nhiều món, dụng cụ cũng như tiếp xúc với người Nhật rất nhiều. Khi làm việc tại nhà hàng, không chỉ các kỹ năng cơ bản, bạn còn có thể học hỏi nhân viên cũ những kinh nghiệm làm việc của bản thân và gợi ý một số hướng đi phù hợp trong trường hợp bạn quyết tâm theo đuổi tiếng Nhật. Theo Quỳnh Như, đa số các anh, chị nhân viên đều có một thời gian làm việc tại Nhật Bản (họ chủ yếu đạt N5 tại Việt Nam và tự học N4 qua thời gian làm việc ở Nhật) nên họ giao tiếp tiếng Nhật rất trôi chảy, các bạn chưa biết tiếng Nhật vì thế cũng lắng nghe và học theo rất nhanh. “Các anh, chị còn khuyên mình nên học N5 để có căn bản rồi tự học N4, có gì không hiểu anh, chị sẽ giúp đỡ.” – Như tâm sự.
làm thêm tại nhà hàng Nhật
Quỳnh Như (phía sau) cùng đồng nghiệp chụp hình vui vẻ với vị khách quen tại nhà hàng Haruna (Ảnh: NVCC)
Đa số người Nhật rất thân thiện, đặc biệt khách Nhật tại nhà hàng cực kỳ thích nói chuyện với nhân viên. “Một số khách quen còn chú ý và theo dõi quá trình giao tiếp tiếng Nhật của nhân viên, khi hiểu nội dung mình diễn đạt bằng tiếng Nhật, họ trông có vẻ thích thú và thường cảm thán “Sugoi”- tuyệt. Bản thân mình cũng lấy đó làm động lực để cố gắng nói tốt hơn” – Như chia sẻ. Thú vị hơn, qua thời gian làm việc tại đây, cô bạn và đồng nghiệp còn làm quen được với rất nhiều người bạn Nhật. Họ thường rủ nhân viên đi ăn vặt, họp mặt trò chuyện vui vẻ. Như kể: “Có lần một chú kỹ sư người Nhật còn hào phóng mời mọi người trong quán đi ăn mà giá thì không hề nhỏ. Khi về nước, họ thường xuyên nhắn tin hỏi thăm, trò chuyện làm bọn mình cảm thấy rất ấm áp; khi quay lại Việt Nam thì luôn kèm theo “Omiyage”- đặc sản, giúp bọn mình hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản.”  

Học thêm kiến thức về văn hoá, kinh doanh

Theo Quỳnh Như, người Nhật khá khá chú trọng đến hình thức giao tiếp như cách chào hỏi (người Nhật hay cúi chào 90 độ, khi rời nhà hàng họ liên tục cúi chào nhau cho đến khi hình bóng đối phương khuất khỏi tầm mắt), trong cách nói chuyện họ thường xuyên sử dụng thể lịch sự, kính ngữ. 
Văn hoá ẩm thực của Nhật Bản
Văn hoá ẩm thực của Nhật Bản vô cùng thú vị (Ảnh: PIXTA)
Ở môi trường nhà hàng nói chung, bạn còn học được kỹ năng làm hài lòng khách hàng, cách upsale (tăng doanh số), cách xử lý tình huống,…; riêng ở nhà hàng Nhật bạn sẽ được biết thêm những câu chuyện văn hóa lồng ghép trong các kỹ năng như cách xếp đũa trên bàn ăn, nghệ thuật nấu ăn Nhật Bản truyền thống (đối với phụ bếp),… Bạn cũng sẽ nhìn thấy cách người Nhật cư xử từ tốn với nhân viên, họ không đặt mình trong tâm thế “khách hàng là thượng đế” mà đòi hỏi, xem yêu cầu bản thân là mệnh lệnh đối với người khác, mà luôn nhẹ nhàng đề nghị nhân viên. Khi yêu cầu nhân viên họ vẫn dùng thể lịch sự và cúi chào nhẹ khi kết thúc yêu cầu.
học thêm kiến thức về văn hoá
Ở môi trường nhà hàng nói chung, bạn còn học được kỹ năng làm hài lòng khách hàng, cách upsale (tăng doanh số), cách xử lý tình huống... (Ảnh: Noriaki Sugita)
Tuy nhiên, bên cạnh những nét văn hóa mang màu sắc truyền thống, quy tắc nêu trên, bạn cũng sẽ thấy hình ảnh người Nhật hút thuốc, uống rượu bia rất nhiều, trong bàn ăn họ cũng nói lớn tiếng. Đối với văn hóa Nhật Bản, những điều này là bình thường, nhưng có thể sẽ gây khó chịu đôi chút đối với người thuộc văn hóa khác.

Tìm việc làm thêm tại nhà hàng Nhật ở đâu?

tìm việc làm thêm tại nhà hàng Nhật
Hiện nay, có rất nhiều nhà hàng Nhật ở TPHCM và một số thành phố lớn khác. (Ảnh: Hoàng Phượng Vũ)

Tại TPHCM, những nhà hàng này chủ yếu tập trung ở khu phố Nhật Lê Thánh Tôn, và rải rác ở một số quận khác, cụ thể như: đường Phạm Viết Chánh, khu dân cư The Manor ( Bình Thạnh), đường Đinh Tiên Hoàng, Đặng Dung, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trãi (Q1), trong trung tâm thương mại Nhật Bản… 

Các nhà hàng Nhật tuyển dụng khá thường xuyên, nhiều nhà hàng thông báo được dán trước nhà hàng (hiếm khi qua mạng xã hội) nên nếu bạn thực sự muốn làm việc tại đây hãy thường xuyên lui tới nhà hàng trực tiếp để nắm bắt thông tin kịp thời.

Hoàng Phượng Vũ/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU