Hướng dẫn đi tàu điện ngầm ở Tokyo

Bài: wikiHow/ Dịch: Nguyên Giang
May 30, 2018

Ảnh: flickr/ Bìa: tokyoform

Tàu điện ngầm là một trong những phương tiện giao thông công cộng được người dân sử dụng nhiều tại Nhật Bản, đặc biệt là Tokyo. Tuy nhiên, nếu bạn không quen sử dụng thì rất dễ lạc lối vì hệ thống tàu điện ngầm Tokyo có rất nhiều tuyến đường và nhà ga đan xen nhau. Dưới đây là một số kinh nghiệm di chuyển bằng tàu điện ngầm sẽ giúp cho chuyến tham quan Tokyo của bạn trở nên thoải mái và thuận tiện hơn.

Tàu điện ngầm Tokyo

Tàu điện ngầm ở Tokyo (Ảnh: tokyoform/flickr)

1. Lập kế hoạch di chuyển:

Nếu bạn không canh giờ trước thì rất dễ bị chìm ngập trong biển người vào giờ cao điểm từ 7h30-9h sáng và 5h-7h chiều. Chuyện này rõ ràng chẳng vui vẻ gì nếu bạn là một người không thích sự xô bồ. Trong giờ cao điểm, các ghế dài trên tàu được gấp lên để tối đa hóa sức chứa và các nhân viên đeo găng trắng luôn tay đẩy hành khách qua các cửa ra vào. Một số tuyến tàu điện ngầm có toa dành riêng cho phụ nữ vào giờ cao điểm buổi sáng, vì vậy, phụ nữ và trẻ em có thể đi lại thoải mái hơn.

2. Lịch trình được tuân thủ nghiêm ngặt:

Chỉ cần tàu bị chậm trễ khoảng 30 giây là bạn có thể lắng nghe lời xin lỗi phát ra trên loa. Mặc dù tần suất hoạt động rất sát sao, đôi khi chỉ từ 2 - 3 phút một chuyến, nhưng lịch trình luôn được tuân thủ cực kỳ nghiêm ngặt. Ở những nơi khác trên thế giới, nếu tàu trễ khoảng 1 phút thì có thể được xem là “đúng giờ”, nhưng ở Nhật Bản thì lại là một sự cố đáng kể.

3. Thời gian hoạt động:

Nếu muốn dạo một vòng “Tokyo by Night” thì bạn sẽ phải lựa chọn giữa về nhà sớm trên chuyến tàu cuối cùng hay ở lại chơi tiếp và chờ bắt chuyến tàu đầu tiên, hoặc bạn phải đi taxi. Giờ hoạt động của tàu điện ngầm là từ 5h sáng đến 1h sáng ngày hôm sau.

4. Mang theo bản đồ:

Bạn có thể lấy bản đồ tàu điện ngầm bằng tiếng Anh tại quầy khách sạn hoặc ở các sân ga. Nếu có bản đồ thì việc định hướng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Các trạm tàu điện ngầm sẽ được đánh dấu bằng ký hiệu bao gồm cả tên trạm viết bằng tiếng Anh. Mỗi tuyến được diễn đạt bằng một chữ cái và một màu nhất định. Ví dụ, tuyến Ginza sẽ có biểu tượng chữ G. Bạn chỉ cần lần theo các dấu hiệu sẽ tìm được biểu tượng và màu của tuyến đường.

5. Tìm đúng trạm:

Khi đến sân ga, có hai cách để bạn nhận biết trạm hoặc tuyến của mình. Một là sử dụng tên của trạm (tiếng Anh) để làm hướng dẫn. Hai là tìm chữ cái và mã số để xác định mỗi trạm. Chữ cái đại diện cho tuyến đường và mã số xác định vị trí nhà ga trên tuyến đường.

6. Mua thẻ trả trước:

Là một loại "thẻ thông minh" có thể nạp thêm. Có hai thương hiệu lớn về thẻ tàu là Suica và Pasmo. Nhưng chúng chỉ được sử dụng cho tàu điện ngầm, xe lửa và các tuyến xe buýt tại Tokyo (với ngoại lệ là Shinkansen của JR và tàu tốc hành có giới hạn). Hầu hết các loại vé và thẻ tàu điện ngầm Tokyo có thể được mua từ các máy bán hàng tự động có tùy chọn ngôn ngữ tiếng Anh. Máy bán vé được đặt tại mỗi trạm tàu điện ngầm. Một số trạm lớn có cả văn phòng bán vé. Bạn cần phải đặt cọc 500 yên khi mua thẻ tàu, khoản này sẽ được hoàn lại tại các trạm tàu điện ngầm khi bạn rời khỏi Nhật Bản. Bạn có thể lựa chọn số tiền nạp vào thẻ tùy thuộc vào thời gian và kế hoạch chi tiêu của bạn ở Tokyo.

Thẻ trả trước

Suica và Pasmo, 2 loại thẻ trả trước phổ biến khi sử dụng các phương tiện giao thông ở vùng Kanto, Nhật Bản (Ảnh: Emil Erlandsson/flickr)

Quầy nạp tiền dành cho các thẻ trả trước

Quầy mua vé tự động và nạp tiền cho thẻ trả trước (Ảnh: tokyoform/flickr)

7. Quét thẻ để qua cửa soát vé:

Cửa soát vé
Cửa soát vé trong ga điện ngầm (Ảnh: Kazuhiko Maeda/flickr)

Muốn qua cửa soát vé, bạn phải quét thẻ qua đầu đọc và sẽ được xác nhận bằng ánh sáng màu xanh. Khi bạn đặt thẻ lên, nó sẽ hiển thị số tiền còn lại trong thẻ của bạn. Nếu rời khỏi ga tàu mà không biết chính xác số cửa ra cho điểm đến dự định thì có thể bạn phải lội bộ trong mê cung vô tận của hệ thống tàu điện ngầm Tokyo. Bạn có thể tìm thấy số cửa ra một cách dễ dàng trên các bản đồ được đặt trên sân ga hoặc sau khi qua khỏi cổng soát vé. Một khi đã xác định được số cửa ra, bạn đi theo các dấu hiệu chỉ dẫn lối ra thích hợp. Nếu không thì có thể tìm các nhân viên giám sát đứng trên sân ga hoặc bên cạnh cổng soát vé để nhờ giúp đỡ.

Cửa soát vé

Ô màu xanh có chữ "IC" là đầu đọc dành cho các thẻ Suica, Pasmo. Chỉ cần đặt thẻ lên trên và có ánh sáng màu xanh xác nhận là bạn có thể vào bên trong. Ngoài ra, phía dưới còn có khe để cho vé vào trong trường hợp bạn không dùng thẻ (Ảnh: Toshihiro Oimatsu/flickr)

8. Mua vé từ trạm tới trạm:

Nếu muốn phiêu lưu một tí thì bạn có thể mua vé riêng cho từng trạm. Đây là một lựa chọn thay cho thẻ trả trước. Ban đầu thì nó có vẻ hơi đáng ngại nhưng khi đã quen thì cũng rất tiện lợi. Nếu gặp khó khăn thì bạn vẫn luôn có thể yêu cầu giúp đỡ. Sau đây là hướng dẫn mua vé cho từng trạm.

a.Xác định khu vực bán vé: Thường thì sẽ có ghi chữ “Ticket” bằng tiếng Anh. Còn chữ “vé” trong tiếng Nhật là Kippu (きっぷ). Nếu bạn tìm hoài không ra thì có thể đến quầy nằm bên cạnh cửa xoay ra vào nhà ga để nhờ giúp đỡ. 

b.Trên các máy bán vé có sơ đồ đính kèm tên của địa điểm và giá vé đi đến. Ví dụ, nếu dưới chữ Ueno (上野) là số 760, thì nó có nghĩa giá vé là 760 yên để đi đến Ueno từ trạm hiện tại của bạn.

c. Tìm máy bán vé tháng. Trên tuyến JR thường là màu xanh lá cây.

d. Chỉnh hướng dẫn sang tiếng Anh nếu cần. Nút đầu tiên để nhấn là JR Ticket (きっぷ). Sau đó nó sẽ chuyển sang màn hình hiển thị các con số khác nhau. Bạn chọn số nằm bên dưới điểm đến của mình như ví dụ về Ueno, 760 ở trên.

e.Thanh toán bằng đồng yên. Lưu ý là không có tùy chọn đô-la nên bạn phải mang theo tiền yên.

9. Giữ lại vé hoặc đổi vé:

a.Chèn vé vào khe của một trong các cửa xoay và đi qua. Nhưng nhớ phải lấy lại vé ở phía bên kia! Vé sẽ được đục một lỗ. Bạn sẽ cần dùng đến nó để ra khỏi nhà ga, vì vậy đừng quên nhé!

b.Tìm tuyến thích hợp dẫn đến trạm đích của bạn. Ví dụ, Ueno sẽ là Yamanote-sen (山手線). Đây có lẽ là phần khó nhất, do đó, không bỏ cuộc nếu bạn không hiểu ngay. Hãy hỏi nhân viên nhà ga hoặc người phụ trách quầy thông tin để được giúp đỡ. Xem lời khuyên bên dưới để hỏi bằng tiếng Nhật trong những tình huống khác nhau.

Nếu xuống một ga nào đó nhưng bạn lại phát hiện ra mình đã đi quá xa hoặc đã trả tiền vé đến một trạm nào đó xa hơn trạm của mình thì bạn có thể sử dụng các "Máy điều chỉnh giá vé" nằm gần lối ra. Máy điều chỉnh nhìn giống như các máy bán vé nhưng có màu vàng. Chỉ cần chèn vé của bạn vào và máy sẽ hiển thị kết quả thay đổi. Sau đó, bạn có thể đi qua các cửa xoay mà không phải lo lắng gì.

MỘT SỐ LƯU Ý KHÁC

 Dưới đây là một số mẫu câu giao tiếp cơ bản khi bạn cần nhờ giúp đỡ. Nhưng trước khi hỏi về việc gì thì bạn nên nói “Sumimasen” (Cho tôi xin lỗi...) để thu hút sự chú ý một cách lịch sự.

- Kippu-ba wa doko desu ka? (Tôi có thể mua vé ở đâu?)

- XXX e ikitain desu ga... (Tôi muốn đi tới XXX)

- YYY wa dore no sen desu ka? (YYY thuộc tuyến nào?)

- Sumimasen ga, wakarimasen. (Tôi xin lỗi nhưng tôi không hiểu.)

- Wakarimashita. Domo arigatou gozaimasu. (Tôi hiểu rồi. Cảm ơn rất nhiều.)

 Về vấn đề thẻ tàu thì có thêm một số lựa chọn khác như Tokyo Free Kippu, là thẻ sử dụng không giới hạn trong vòng một ngày bao gồm các tuyến JR, tàu điện ngầm và xe bus trong 23 phường. Holiday Pass bao gồm toàn bộ mạng lưới JR trong vùng nội đô Tokyo nhưng chỉ dùng được vào cuối tuần, ngày nghỉ lễ quốc gia và trong thời gian nghỉ hè từ 20/7 đến 31/8.

 Thẻ tàu trả trước rất tiện lợi mặc dù không được giảm giá.

 Cần phải ý thức để giữ cho tàu điện ngầm Tokyo luôn là hệ thống giao thông công cộng sạch nhất thế giới.

 Nếu bạn đi du lịch một mình thì nên nhờ giúp đỡ từ những người đáng tin cậy như nhân viên nhà ga, cảnh sát hoặc các gia đình có trẻ em.

 Nếu là phụ nữ thì phải cảnh giác khi ở trong nhà ga và trên tàu. Trong giờ cao điểm thường có những "Chikan" - kẻ thích sờ soạng trên tàu hay quấy rối tình dục. Nếu cảm thấy có ai đó đang chạm vào cơ thể bạn, cách tốt nhất là nhìn thẳng mặt và lớn tiếng yêu cầu chấm dứt ngay. Thẳng thừng là biện pháp tốt nhất để chấm dứt hành động quấy rối.

Theo wikiHow

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU