Hikikomori, từ bỏ hay bị từ bỏ

Bài: Minh Nhật/ Ảnh minh họa: PIXTA, PixabayMar 15, 2018

Theo Bộ Sức khỏe, Lao Động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, hikikomori được định nghĩa “Là tình trạng hơn 6 tháng liên tục ở suốt trong nhà, không đi học, không đi làm và hầu như không có giao lưu gì với người ngoài gia đình”. 

Từ những con số thống kê chưa thống nhất

Hằng năm vẫn có nhiều cuộc khảo sát được tiến hành nhhằm nắm bắt tình hình nhưng mỗi cơ quan thực hiện lại cho ra một kết quả cách xa nhau, có kết quả là 200 nghìn người, nhưng có nơi tới 700 nghìn người đã làm nảy sinh nhiều ý kiến ngờ vực rằng, phải chăng con số thực tế về số người hikikomori còn gấp nhiều lần kết quả đó, lên đến đơn vị hàng triệu người?

Định nghĩa về người bị hikikomori làm những người ngoài cuộc liên tưởng ngay đến những người hầu như cắt đứt với các mối quan hệ xã hội bên ngoài, chỉ sinh hoạt trong phòng, chỉ giữ mức giao tiếp tối thiểu qua một vài thành viên trong gia đình, là những người đã chối bỏ xã hội. Sự thực có phải như thế? 

Đến sự thực đằng sau cánh cửa...

Hikikomori
(Ảnh minh họa: Graphs/PIXTA)

Cả thế giới ca ngợi một nước Nhật văn minh và hiện đại, đi đâu làm gì cũng tiện. Dường như, điểm chung của những quốc qua đã quá phát triển chính là càng phát triển, con người ta càng kiệm lời. Ở Nhật, đi đâu cũng có bảng chỉ dẫn rõ ràng và rành mạch, những năm gần đây còn cập nhật cả song ngữ (tiếng Anh), ai cũng điện thoại thông minh cầm tay nên ngay cả người nước ngoài không thông thạo tiếng Nhật chỉ cần được chỉ dẫn một lần cũng tự đi siêu thị, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng được mà không cần phải nói với ai một câu nào. 

Trong đời sống, nhiều khi con người chúng ta trong tận cùng của sự bế tắc, chỉ cần có ai đó để bắt chuyện dù chỉ một câu, hỏi han được một tiếng, cười lên một cái dù là gượng gạo cũng đủ năng lượng để thấy sự tồn tại của bản thân mình trên cõi đời này còn được ai đó nhận ra, để dùng năng lượng đó sống tiếp, để rọi sáng một ngày tối tăm. 

Nhưng không. 

Trẻ con chơi ở khu vui chơi cũng khe khẽ, người lớn lại càng khẽ khàng. Người ta giả vờ ngủ trên xe điện để khỏi phải nhường chỗ cho người khác. Người ta cắm đầu vào điện thoại để khỏi bị hỏi han, không bị làm phiền. Người Nhật tránh không nói chuyện trong thang máy, trong tàu điện, xe buýt, tránh không quay đầu lại khi nghe gọi tên từ một cái giọng không thân quen, v.v. Dần dà mọi thứ cứ như nước chảy vô tình trên một tấm kim loại lành lạnh, dứt khoát chẳng vấn vương. Tâm lý sợ làm phiền và sợ bị làm phiền. 

Bắt chuyện với người lạ là làm phiền, là kì cục; cười với người lạ là biến thái, là thần kinh; tử tế có khi bị hiểu nhầm là đang mồi chài để lợi dụng sàm sỡ. Giữa xã hội như thế, con người tự dưng nảy sinh tâm lý khép nép, co cụm lại trong giới hạn an toàn của mình. Có những cá thể sau khi tự co mình lại được những cá thể khác kéo ra, nhưng có những cá thể không may mắn, co lại một lần và cứ thế bị lãng quên mãi mãi, không tự chui ra khỏi vỏ ốc của chính mình nữa. Đó chính là những người hikikomori. 

Trong các phim tài liệu của đài truyền hình Nhật được chiếu nhan nhản trên ti vi, lý do đưa ra có muôn hình vạn trạng, nhưng tựu chung lại, có thể kể đến hai lý do khá phổ biến ở người trẻ: bị bắt nạt ở trường học, bị trù dập hoặc mối quan hệ con người không tốt tại chỗ làm việc. Là học sinh hay người đi làm, một khi đã không hòa nhập với môi trường mà đáng lý ra họ thuộc về, là điều đầu tiên làm cho họ cảm giác bị bỏ rơi và bế tắc nếu tình trạng đó kéo dài không có khả năng giải quyết. 

Những người già sống một mình, những người không kết hôn, các gia đình mà sợ chồng sống riêng lẻ vì điều kiện công việc phải đi làm xa gia đình,v.v ngày càng tăng lên. Nếu như trước, thành viên trong gia đình sẽ là đối tượng để tâm sự trước tiên thì nay không còn biến con người ta càng bận rộn bao nhiêu, thì lại càng cô đơn bấy nhiêu.

Hikikomori

(Ảnh minh họa: Unsplash/Pixabay)

Mặt khác, ở xã hội Nhật vẫn tồn tại sự phân công rành mạch vị trí và chức năng xã hội giữa nam và nữ theo kiểu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” bất chấp những nỗ lực bình đẳng giới trong suốt mấy thập kỉ qua. 

Là một người đàn ông, còn nhỏ thì tới tuổi tới trường, tới tuổi đi học, tới tuổi tốt nghiệp, đi làm, đi làm được 2, 3 năm ổn định thì lấy vợ, rồi sinh con, rồi cần mẫn để được thăng chức tăng lương, mượn nợ ngân hàng mua nhà mua xe, cho con đi học. Đó là một trong những quy chuẩn mà chẳng khác mấy với cái chuẩn đúng giờ, cái chuẩn chính xác cùng vô vàn những cái chuẩn khác mà người nước ngoài vẫn luôn tấm tắc ngợi khen ở đức tính người Nhật. Mọi thứ đều đã có chuẩn, nhiệm vụ của anh chỉ là phải thi hành! Ai trật ra khỏi cái quỹ đạo ấy, ngoài chuyện bị mọi người xung quanh coi là khác thường, mà bản thân người đó cũng cảm thấy lạc lõng giữa thế giới, giữa sự kì vọng của cả gia đình, công ty và to lớn hơn là xã hội, đất nước. Mỗi người Nhật, dù biểu hiện bên ngoài là khiêm nhường, nhưng đều có một ý thức rất cao về sự tồn tại của mình, khát khao được chứng tỏ bản thân với gia đình và xã hội. Vì vậy, khi không đáp ứng được những kì vọng đã được đặt ra đó, với lòng tự trọng, tự tôn cao của một người đàn ông, thì sự xấu hổ trước sự thất bại càng cao, vô hình chung trở thành bức tường vây kín dũng cảm thử sức một lần nữa của họ. Phải chăng đó cũng là lý do mà tỉ lệ nam giới bị hikikomori luôn gấp hơn 2, 3 lần so với nữ giới tại Nhật?

Con đường trở lại với cộng đồng đầy gian nan

Khác với những người bệnh trầm cảm, trong những cuộc phỏng vấn hiếm hoi, những người hikikomori dù cực kì dè dặt nhưng vẫn thể hiện mong muốn được trở lại với xã hội, với cuộc sống cũ nhưng không còn sự tự tin nào rằng mình sẽ làm được, cũng không biết trở lại bằng cách nào, bắt đầu từ đâu.

Dù cắt đứt mối quan hệ với đời thực nhưng những người hikikomori vẫn có thế giới riêng của mình, chỉ có điều là họ tự nhốt mình trong thế giới đó bằng cách sống trên mạng ảo, trong các cộng đồng game thủ, miễn là lánh xa đời thực, đổi lấy một cảm giác an toàn trong thế giới họ tự xây lên, khác xa với một thế giới thực hữu đã không cho họ những điều mà họ hằng mong ước. Họ sống trong một thế giới ảo tự tạo, chờ đợi một ngày có điều kì diệu xảy ra kéo họ trở về với đời thực một lần nữa.

Hikikomori

(Ảnh minh họa: Unsplash/Pixabay)

Những người hikikomori có cuộc sống hầu như phụ thuộc toàn bộ vào cha mẹ của mình. Nhưng ít ra khi cha mẹ họ còn sống, họ còn nhận được sự giúp đỡ của cha mẹ, gia đình. Vậy thì khi ngay cả sợi dây liên kết duy nhất giữa họ và thế giới bên ngoài là cha mẹ họ cũng mất đi, những con người già cả tự đóng cửa giam mình đó sẽ xoay sở như thế nào? Câu hỏi mà nước Nhật- vốn phải đối mặt với vấn đề dân số già và chăm sóc người già- vẫn đang loay hoay kiếm tìm một phương sách giải quyết.

Trở lại câu chuyện những con số thống kê, một trong những lý do gây ra việc sai số đáng kể trong kết quả khảo sát là do bởi, người Nhật vốn không thích người khác biết chuyện không vui của gia đình mình, nên khi được hỏi có thành viên hikikomori trong gia đình hay không, cha mẹ của những người hikikomori, phần vì muộn phiền, phần vì xấu hổ, phần sợ chê cười vì đã không nuôi dạy được con trở thành người có ích cho chính bản thân con, cho gia đình và xã hội mà ngược lại còn đang phải sống phụ thuộc, trở nên một phần gánh nặng cho xã hội, mà trả lời không có. Cũng tương tự như những người già. Nhiều ông già bà lão ở Nhật, không cẩn thận bị té ngã nhập viện cũng giữ kín không cho hàng xóm biết, sợ người ta bảo mình già rồi mà không biết tự cẩn thận mới gây ra nông nỗi thế này. Họ sống một mình hoặc vào viện dưỡng lão mà không làm phiền tới sự chăm sóc của con cái. Đã không giúp được gì, mà lại làm phiền người khác là một điều đáng xấu hổ trong suy nghĩ có phần hơi thái quá trong tâm lý sợ làm phiền người khác của người Nhật. 

Chính vì tâm lý của những gia đình có con bị hikikomori như thế mà mặc dù đôi khi người hikikomori vẫn muốn một lúc nào đó được hòa nhập lại với xã hội, vẫn có các tổ chức xã hội, những cuộc vận động để đưa người hikikomori dần trở lại tái hòa nhập với cộng đồng nhưng trở ngại đầu tiên họ phải vượt qua chính là gia đình của mình. Chừng nào cha mẹ những người hikikomori chưa dũng cảm thừa nhận con mình hikikomori để đưa con đến những cơ sở chữa trị, chưa đưa con mình bước ra khỏi cánh cửa nhà, chừng đó con đường trở lại cuộc sống bình thường của những họ vẫn còn xa xôi lắm.

Hikikomori

(Ảnh minh họa: Atranias/Pixabay)

Ai trong số những người chúng ta chắc chắn cũng đã từng trải qua cảm giác muốn được ở một mình, không nói chuyện với ai, muốn được biệt lập, yên tĩnh, v.v. Nhưng khác với chúng ta, khi những thời điểm ngắn đó qua đi, chúng ta lại trở về lại với cuộc sống thường nhật với những hỉ nộ ái ố, những người hikikomori cũng vậy, chỉ có khác là thời gian đó lâu hơn rất nhiều, có khi phải tính bằng đơn vị tháng, năm, có khi hàng chục năm. Thời gian đó càng dài thì sự trở lại của họ với học tập, lao động, với các mối quan hệ xã hội càng khó khăn. Các kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp cũng sẽ dần mất đi do bạn đã sống trong một môi trường cô lập quá lâu. Vì vậy, ở Nhật có các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, với các kiểu lao động đơn giản như làm thùng giấy, xếp hàng vào thùng, v.v để tập cho những người hikikomori lại thói quen lao động, cách giao tiếp với người trong cùng một môi trường làm việc, từng bước đưa họ lại với cuộc sống bình thường.

Nước Nhật xem vấn đề hikikomori là một trong những vấn đề quốc nạn với số người tiếp tục tăng lên hằng năm, ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng lao động trẻ vốn đã thiếu tại Nhật, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác. Người Nhật xem những người hikikomori là những người từ bỏ xã hội, nhưng, công bằng mà nói, không ai sinh ra vốn để trở thành một người hikikomori. Họ sinh ra cũng như tất cả con người chúng ta, cũng có gia đình, bạn bè, công việc và xã hội. Nhưng tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, mà phần nhiều có thể gọi là biến cố, họ không còn khả năng thích ứng trở lại với môi trường sống cũ nữa, dần trở thành những còn người đứng bên lề của vòng xoay bất tận của xã hội. Tự họ không chọn con đường đó, tự họ cũng hoàn toàn không mong muốn trở thành hikikomiri, nên thay vì nói họ, là những con người đã chối bỏ xã hội, phải chăng chúng ta cũng phải xem rằng, họ mới chính là nạn nhân bị xã hội này từ bỏ trước, bị tống ra khỏi guồng quay mạnh mẽ mà vô tình, phải chăng chúng ta nên có cái nhìn khoan dung và rộng mở hơn để giúp họ sớm quay về?

Con người chúng ta sinh ra một mình, khi chết đi cũng chỉ có một mình, nhưng ngay cả khi sống, cũng chỉ có một mình, tự nương mình vào bản thân mình mà sống, thì quả thật đáng thương lắm.

Minh Nhật/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU