Nếu buổi sáng thức dậy bạn cảm thấy không muốn đi học, đi làm, không tìm thấy niềm vui trong những việc mình đang làm, bị mất ngủ, thiếu tập trung, thường thấy bất an chung chung, nặng hơn là cảm thấy khó khăn, ngại tiếp xúc với người khác, thấy bản thân bị lệ thuộc vào điện thoại, vào các trang mạng xã hội, dễ nổi nóng kể cả vì những chuyện nhỏ nhặt, lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên,... thì đó là những biểu hiện cơ thể bạn đang kêu cứu vì stress.
Nhận biết hai kiểu stress
Stress là một phản ứng tâm lý và thể chất bình thường của cơ thể đối với những nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống. Hãy tưởng tượng não bộ của bạn là một hệ thống bảo vệ. Khi não nhận biết bất cứ một mối “đe dọa” (kích thích) nào, nó sẽ cảnh báo để cơ thể có sự thay đổi cần thiết, chuẩn bị đối phó trước các tình huống có thể xảy ra. Khi những kích thích đó không còn, cơ thể trở về trạng thái thư giãn thông thường. Tuy nhiên, không phải bất kì sự kích thích nào từ bên ngoài đối với cơ thể bạn cũng đều có hại.
Thử tưởng tượng hai tình huống sau đây:
Tình huống thứ nhất: Đồng nghiệp của bạn là người rất khó chịu, thô lỗ, không tôn trọng giờ giấc, hay đổ trách nhiệm cho người khác. Làm việc với người này lúc nào cũng làm cho bạn cảm thấy căng như dây đàn. Đó là stress.
Tình huống thứ hai: Bạn muốn trở thành bác sĩ giỏi giống như mẹ bạn. Bạn lấy hình ảnh của mẹ là tấm gương, là động lực thôi thúc cho bạn thêm cố gắng, chăm chỉ học tập hơn nữa để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Đó cũng là stress.
Trong hai ví dụ trên, sự kích thích từ ngoại cảnh lên cơ thể đều có thể gọi là stress, nhưng ở tình huống thứ nhất thì đó là stress có hại - làm cho bạn căng thẳng mệt mỏi, còn ở tình huống thứ hai thì ngược lại, là loại kích thích có lợi.
Như vậy, không phải lúc nào stress cũng là sự căng thẳng khó chịu gây hại, mà trong hoàn cảnh đúng đắn, với mức độ vừa phải, những tác động từ bên ngoài đó có thể là động lực để con người ta sống, học tập, lao động,... một cách tích cực, hữu ích và hăng hái.
Tuy nhiên, thực tế trong cuộc sống hiện đại, “hệ thống báo động” của chúng ta rất ít khi được nghỉ ngơi. Cơ thể ở trong tình trạng căng thẳng kéo dài và thường xuyên sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, cũng giống như một cái máy bị buộc phải làm việc quá tải. Việc quản lý stress vì vậy mà rất quan trọng.
Ảnh: わたなべ りょう/PIXTA
Stress đến từ đâu
Từ mối quan hệ con người
Đây có thể xem là nguyên nhân hàng đầu. Trong công việc hoặc cuộc sống riêng tư, mối quan hệ qua lại giữa người với người không suôn sẻ như mong muốn sẽ làm phát sinh những căng thẳng, stress gây hại.
Công việc
Nếu phải làm thêm ngoài giờ thường xuyên, bị áp lực trách nhiệm nặng nề, bạn sẽ dễ bị stress. Nhưng ngược lại, nếu quá “may mắn” đến độ không có việc để làm, hay không cảm thấy có hứng thú làm việc, theo cách nói nôm na là “rảnh rỗi sinh nông nỗi” thì bạn cũng có thể bị stress.
Thiếu, mất ngủ hay sức khỏe kém
Trường hợp vì một nguyên nhân nào đó mà tình trạng thiếu ngủ kéo dài, thân thể và tinh thần không được nghỉ ngơi hay cơ thể không khỏe mạnh cũng sẽ dẫn đến stress.
Sự lệ thuộc vào công nghệ
Ngày nay, rất nhiều người cảm thấy bất an, bứt rứt, nóng ruột nếu trong tay không có các sản phẩm công nghệ như điện thoại, máy tính, game,... gây cảm giác bị mất kết nối với mọi người xung quanh, bị tụt hậu. Đây là một dạng stress mới sản sinh từ một xã hội đang dần công nghệ hóa ở tất cả các mặt.
Tính cách
Tại sao có nhiều người rất dễ nổi nóng và có người thì không? Đó là phụ thuộc vào tính cách và sức chịu đựng riêng của mỗi người. Người cầu toàn, người nóng tính, người hay lo lắng,... là những dạng người thường dễ sinh ra stress vì đôi khi bản thân họ khó thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường xung quanh.
Giải phóng bản thân khỏi stress
Nghỉ ngơi phù hợp
Công việc là quan trọng, nhưng sức khỏe của bạn còn quan trọng hơn. Đừng vì công việc mà tự ngược đãi bản thân mình. Cơ thể bạn là một cỗ máy lớn nhưng không phải vĩnh cữu, hãy cho nó thời gian nghỉ ngơi, “làm nguội” và sự bảo dưỡng cần thiết.
Hít thở sâu
Những lúc cảm thấy căng thẳng, bấn loạn, nóng giận, bạn hãy thử tập trung suy nghĩ của mình vào việc hít thở sâu để tự làm mình trấn tĩnh lại. Đồng thời nếu tưởng tượng mọi sự buồn phiền, khó chịu của mình sẽ theo nhịp thở được tống hết ra ngoài thì càng có hiệu quả hơn.
Thay đổi không khí
Có thể đơn giản như là đi bộ ở ngoài hay chơi thể thao, đi du lịch, đi mua sắm, ăn uống,... Tất cả đều có tác dụng làm tươi mới tinh thần của bạn.
Có thời gian riêng tư cho bản thân
Phương pháp này có thể tùy người mà có hiệu quả. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy thử lên lịch cho bản thân một khoảng thời gian làm những việc mà mình cảm thấy thoải mái nhất, chẳng hạn như tắt điện thoại, đọc cho hết bộ truyện yêu thích, hay nấu một món ăn mà bạn đã rất muốn nhưng chưa có thời gian thực hiện,... Đôi khi, “mất kết nối” với “cả thế giới” trong một lúc sẽ mang lại sự cân bằng mà bạn đang tìm kiếm.
Thay đổi sớm những nguyên nhân gây stress
Ngay khi biết nguyên nhân là gì, đừng để nó thêm nghiêm trọng, hãy nhanh chóng tìm cách thay đổi nó. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm cách tâm sự với gia đình, bạn bè hay thậm chí tìm lời khuyên từ những người có chuyên môn ở phòng khám, bệnh viện để chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Minh họa: a.otsuka/PIXTA
Minh Nhật/kilala.vn