Freelancer: Nghề dễ bị “ế” nhất tại Nhật Bản

Bài: .Ngưn.Mar 31, 2021

Bạn có biết nghề freelance tại Nhật có tỉ lệ "ế" khá cao? Cùng Kilala tìm hiểu nguyên nhân và cách "hóa giải lời nguyền" này nhé!

Trong những năm gần đây, freelance – nghề làm việc tự do – đã trở thành một xu hướng dần lan rộng trên toàn thế giới. Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều người lao động đã tham gia vào thị trường này, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Các freelancer có cuộc sống tự do đáng mong ước nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với một vấn đề vô cùng nan giải được gói gọn trong một chữ "ế". Đây có thể nói là một nghề khó kết hôn ở xứ Phù Tang.

freelancer nghề dễ bị ế nhất tại Nhật Bản
 Freelance được coi là một nghề khó kết hôn tại Nhật. Ảnh: oku-note.net

Vì sao freelancer ở Nhật Bản khó kết hôn?

Thu nhập bấp bênh

Thu nhập có lẽ là vấn đề phổ biến nhất của các freelancer khi bàn đến chuyện hôn nhân. Nếu muốn lập gia đình, thu nhập của vợ chồng phải đủ sống cho hai người và cả con cái. Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành không phải là con số nhỏ ở Nhật Bản.

Đặc điểm của nghề freelance là thu nhập không ổn định. Có tháng bạn kiếm được rất nhiều tiền nhưng cũng có tháng bạn phải ăn mì gói thay cơm. Chưa kể những lúc bạn bị ốm đau bệnh tật hay sinh con mà không thể làm việc thì xem như thu nhập về mức số 0.

Đây là những chuyện rất dễ gặp phải trong giới freelancer. Vì vậy, freelancer không phải là đối tượng kết hôn phù hợp với những người coi trọng thu nhập.

nguồn thu nhập của freelancer ít ổn định hơn nhân viên văn phòng
Nguồn thu nhập của freelancer ít ổn định hơn nhân viên văn phòng. Ảnh: Pixta

Không thể đi vay do uy tín xã hội thấp

Một lý do khác khiến freelancer khó kết hôn là họ có mức độ tín nhiệm xã hội thấp nên không thể đi vay. Nếu bạn độc thân, bạn có thể sống tạm bợ hoặc thuê trọ tùy thích. Nhưng một khi đã kết hôn, đặc biệt với phụ nữ, họ thường mong muốn có một cuộc sống gia đình hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình.

Nhưng đáng tiếc freelancer lại rất khó vay vốn. Dù thu nhập của họ có thể nhiều hơn khi còn làm nhân viên văn phòng, mức độ tín nhiệm xã hội của họ vẫn thấp. Điều này khiến họ gặp khó khăn khi muốn ký một khoản vay để mua nhà hoặc ô tô. Một số người có kinh nghiệm còn đùa nhau rằng: “Nếu muốn làm một hợp đồng bất động sản thì bạn nên tranh thủ ký ngay trước khi trở thành freelancer”.

Bị cha mẹ phản đối

Trong mắt thế hệ phụ huynh ở Nhật Bản (và cũng có thể là mọi nơi trên thế giới), freelance là nghề có thu nhập thấp và mang đến cảm giác như một công việc bán thời gian. Khi bạn giới thiệu bạn đời với bố mẹ, không ít trường hợp bị phản đối vì người đó làm nghề tự do.

Ở khía cạnh này thì nam giới chịu áp lực hơn phụ nữ vì trong xã hội Nhật Bản, người đàn ông đóng vai trò trụ cột trong gia đình. Phụ nữ có thể ở nhà và làm freelance để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp vào chi phí sinh hoạt. Nhưng nếu nam giới làm công việc đem lại thu nhập không ổn định như vậy thì thật khó để bên “nhà gái” yên tâm trao con mình cho người đó.

Ít có cơ hội gặp gỡ người khác

Một đặc thù của nghề freelance là bạn có thể làm việc tại nhà mà không phải tranh thủ dậy sớm rồi vất vả chen lấn trên tàu điện vào giờ cao điểm. Đây cũng là một điểm khiến dân văn phòng phải ghen tị.

Tuy nhiên, vì suốt ngày chỉ ở nhà nên freelancer không có nhiều cơ hội gặp gỡ người khác. Điều này cũng là một bất lợi trong việc tìm kiếm đối tượng thích hợp để kết hôn. Dù bạn làm việc với khách hàng thì đa phần cũng chỉ trao đổi qua điện thoại, email,… Có khi lượng việc nhiều, deadline dồn dập khiến freelancer không ra khỏi nhà suốt một thời gian dài. Nếu những ai quản lý thời gian chưa tốt thì tình trạng này còn tồi tệ hơn.freelancer thường không có nhiều cơ hội gặp gỡ người khác
Freelancer thường không có nhiều cơ hội gặp gỡ người khác. Ảnh: oku-note.net

Rắc rối về bảo hiểm, lương hưu, thuế,…

Freelancer ở Nhật sẽ tham gia bảo hiểm y tế quốc gia hoặc lương hưu quốc gia thay vì bảo hiểm xã hội như nhân viên văn phòng (nhưng cũng có những nghề mà bạn có thể tham gia bảo hiểm xã hội). Nếu bạn làm việc cho một công ty, công ty sẽ chịu một nửa chi phí, nhưng nếu bạn làm nghề tự do, bạn sẽ phải trả toàn bộ. Bên cạnh đó, bạn còn phải tự tính toán và nộp thuế thu nhập.

Ngoài ra, làm freelancer, bạn cũng không thể nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào về thu nhập trong thời gian nghỉ thai sản, nghỉ để chăm sóc con cái hoặc ốm đau, thương tật. Chưa kể đến khoản trợ cấp hưu trí cũng không được nhận. Bạn cần phải tự mình suy nghĩ về những điều này. Bạn có thể xem xét sử dụng dịch vụ ở một công ty bảo hiểm tư nhân nếu đang băn khoăn về bảo hiểm hoặc lương hưu để kết hôn.

Giải pháp nào dành cho những freelancer?

Với 5 nguyên nhân trên, chúng ta đã hiểu lý do nghề freelancer dễ “ế” nhất Nhật Bản. Nhưng họ không phải là không thể kết hôn. 4 giải pháp dưới đây có thể giúp họ tháo gỡ nỗi lo này.

Nâng cao kỹ năng để ổn định công việc

Thu nhập sẽ tỷ lệ thuận với chuyên môn. Xét cho cùng, chuyên môn của freelancer càng cao, cơ hội kiếm được công việc cũng tăng lên. Bên cạnh đó, các freelancer cũng nên chú ý đến việc mở rộng mối quan hệ, xây dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân. Đây là hai yếu tố quan trọng giúp freelancer không rơi vào tình trạng “đói” việc.

Chú trọng đến việc tiết kiệm

Những người làm nghề tự do thì thường có thu nhập không ổn định và không có khoản trợ cấp hưu trí. Vì vậy, các freelancer nên nghĩ đến viễn cảnh về già và bắt đầu xây dựng kế hoạch tiết kiệm ngay từ bây giờ. Khi đã có trong tay một cuốn sổ tiết kiệm, bạn sẽ không lo những thời điểm “ế” việc, bệnh tật hay sinh nở. Người bạn đời và gia đình của họ cũng sẽ yên tâm hơn.

Điều này phụ thuộc vào khả năng quản lý tài chính của mỗi người. Nếu được, bạn nên tìm hiểu hoặc tham gia khóa học về tài chính để có thể quản lý nguồn ra/vào của dòng tiền tốt hơn.

lên kế hoạch tiết kiệm là quan trọng nếu là một freelancer
 Lên kế hoạch tiết kiệm là quan trọng nếu là một freelancer. Ảnh: Pixta

Xem thêm: Kakeibo: sổ chi tiêu "thần thánh" của người Nhật

Suy xét đến lựa chọn vừa làm freelancer vừa làm part-time

Khi làm việc với tư cách là một freelancer, bạn sẽ khó lập ra kế hoạch vì chẳng biết mình sẽ cần bao nhiêu vào thời điểm nào do tính chất công việc không ổn định. Nếu cân nhắc đến chuyện kết hôn, bạn sẽ cần lập ra kế hoạch tài chính vững chắc, tiết kiệm tiền và mua bảo hiểm có kế hoạch.

Nhưng để tiết kiệm tiền hoặc mua bảo hiểm, bạn vẫn cần một khoản thu nhập ổn định hàng tháng. Nếu bạn vẫn chưa đủ tự tin về khoản này, bạn có thể xem xét đến lựa chọn vừa làm freelancer vừa làm công việc bán thời gian.

Nên kê khai thuế và nộp thuế

Freelancer cũng có thể vay được tiền nhưng sẽ khó vượt qua bài kiểm tra hơn một nhân viên văn phòng. Việc sàng lọc khoản vay thì hơi khắt khe vì nhiều freelancer có thu nhập không ổn định.

Do đó, việc kê khai thuế sẽ rất cần thiết để bạn chứng minh mình có thu nhập (đồng nghĩa với khả năng trả nợ). Nếu bạn chứng minh mình đã nộp thuế đầy đủ, bạn có thể đăng ký một khoản vay trong phạm vi có thể hoàn trả. Tuy nhiên, một số người dù có làm nghề tự do hay không cũng không thể nhận được khoản vay vì một vài lý do, nên bạn cần tìm hiểu kỹ về vấn đề này.

freelance
Ảnh: offers.jp

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU