Duy trì sức khỏe răng miệng khi mang thai
Bài: BÁC SĨ PHẠM NGUYÊN QUÂN (Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Nha khoa tại Đại học Osaka)
Aug 9, 2019
Ảnh: PIXTA
Trước khi mang thai
Nếu bạn đang có ý định mang thai, hãy sắp xếp một cuộc hẹn với nha sĩ để làm sạch răng và kiểm tra các bệnh lý răng miệng, đặc biệt là nướu. Bởi bất kỳ vấn đề tiềm ẩn ở giai đoạn này khi phát hiện được đều có thể giải quyết.
Trong khi mang thai
Thời kỳ này, phụ nữ thường có những thay đổi trong cơ thể (hay bị ợ chua, mệt và khó thở), thay đổi thói quen ăn uống (thích ăn đồ ngọt), sợ đánh răng (do nướu dễ chảy máu)… Vì thế, việc vệ sinh răng miệng hàng ngày là rất cần thiết để bảo vệ răng và nướu khỏi các tác nhân có hại. Dưới đây là những lời khuyên hữu ích trong suốt thai kỳ:
+ Súc miệng với nước hoặc nước súc miệng có thể giúp giảm ốm nghén và buồn nôn. Nếu kem đánh răng khiến bạn buồn nôn, hãy thử đổi nhãn hiệu kem đánh răng hoặc đổi sang hương vị nhẹ hơn.
+ Hãy chắc chắn chải kỹ toàn bộ răng (răng trước và răng sau, bao gồm cả mặt nhai) để phòng ngừa sâu răng. Cần chú ý mát-xa nhẹ đường viền nướu để ngăn ngừa viêm nướu thai kỳ. Ngoài đánh răng, có thể kết hợp dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng có fluoride.
+ Nếu ăn nhẹ vào nửa đêm, hãy đánh răng một lần nữa để giảm nguy cơ sâu răng.
+ Tất cả điều này rất quan trọng không chỉ cho mẹ mà còn cho cả bé. Bởi sức khỏe răng miệng kém có liên quan đến sinh non và nhẹ cân ở trẻ sơ sinh.
Các tình trạng thường gặp trong thai kỳ cần lưu ý:
+ Bệnh nướu răng: Cần đánh răng thường xuyên hai lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày, ăn một chế độ ăn cân bằng và thường xuyên đến nha sĩ sẽ giúp giảm các vấn đề răng miệng đi kèm với thai kỳ.
+ Chứng mòn men răng: Ốm nghén là triệu chứng chính ở nhiều phụ nữ. Cùng với cảm giác buồn nôn, lượng axit đọng lại trong miệng có thể làm mòn men răng. Vì thế, hãy súc miệng bằng nước súc miệng có fluor để giữ mức axit trong tầm kiểm soát.
+ Khô miệng: Sự gia tăng hormone trong thai kỳ thường dẫn đến khô miệng, đặc biệt là vào ban đêm. Khô miệng có thể khiến phụ nữ dễ mắc bệnh sâu răng và nhiễm trùng. Hãy uống nhiều nước và nhai kẹo cao su không đường để tăng cường sản xuất nước bọt.
Bạn có thể gặp nha sĩ vào lúc nào?
Cuộc hẹn có thể tiến hành vào 3 tháng giữa của thai kỳ (tuần 14- 20). Lúc này, sự phát triển các cơ quan của thai nhi đã hoàn tất và phụ nữ mang thai cũng ít gặp vấn đề do buồn nôn và khó chịu về tư thế hơn. Tránh điều trị răng miệng trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ.
Các thủ thuật nào có thể được thực hiện?
Tất nhiên, lựa chọn an toàn nhất là hoãn các điều trị nha khoa cho đến khi sinh. Tuy vậy, những điều trị như trám răng, điều trị tủy, làm mão răng và nhổ răng vẫn có thể thực hiện và chúng an toàn với thai phụ. Một thông cáo của Trung tâm tài nguyên sức khỏe răng miệng cho bà mẹ và trẻ em Hoa Kỳ cho biết gây tê tại chỗ, thuốc giảm đau và chụp phim X-quang là an toàn trong thai kỳ. Nha sĩ sẽ điều chỉnh các giai đoạn trong điều trị để phù hợp với các triệu chứng và sức khỏe của thai phụ.
Nên nhớ rằng hậu quả của việc không điều trị nhiễm trùng trong thai kỳ lớn hơn những rủi ro có thể có của các loại thuốc (thuốc giảm đau, thuốc gây tê) được sử dụng trong điều trị nha khoa. Ngoài ra, hãy nói cho nha sĩ biết tên và liều lượng của tất cả các loại thuốc và vitamin đang dùng. Dựa vào các thông tin này, nha sĩ có thể thay đổi kế hoạch điều trị và thuốc một cách thích hợp.
Sau khi sinh
Nên đến nha khoa định kỳ mỗi 6 tháng giúp duy trì sức khỏe răng miệng tối ưu.
kilala.vn