Dĩa Samurai – Vlogger bá đạo dạy tiếng Nhật

Bài: Phương Anh/ Ảnh: NVCCMar 27, 2018

Được mệnh danh là Vlogger dạy tiếng Nhật “bá đạo” nhất hiện nay, chàng trai 9X Nguyễn Khắc Nghĩa luôn khiến người xem ấn tượng bởi những clip dạy tiếng Nhật, chia sẻ kinh nghiệm học tập và sinh sống tại Nhật vô cùng bổ ích, thú vị. Hiện nay, kênh Youtube Dĩa Samurai chan đã có hơn 4.000 lượt đăng kí. 

Vlog phong cách siêu hài hước

Ít ai ngờ rằng, chủ nhân của những vlog vô cùng hài hước đã theo học và tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Takushoku University.  Lí do khiến Nghĩa lập nên kênh Youtube là để chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Nhật cũng như kinh nghiệm sống và học tập tại Nhật cho các bạn trẻ, không để các bạn “lạc lối” như bản thân Nghĩa trước đây. “Tên kênh Youtube là Dĩa Samurai vì bạn bè hay trêu mình là Dĩa thay vì tên thật là Nghĩa. Thấy tên Dĩa hay hay và lại ấn tượng nên mình đặt tên kênh Youtube là Dĩa Samurai luôn cho giống phong cách Nhật Bản” – Nghĩa hài hước chia sẻ.

samurai chan

Lí do khiến Nghĩa lập nên kênh Youtube là để chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Nhật cũng như kinh nghiệm sống và học tập tại Nhật cho các bạn trẻ, không để các bạn “lạc lối” như bản thân Nghĩa trước đây. (Ảnh: Kênh Youtube Dĩa Samuraichan)
Untitled.jpg

Một số câu phiên âm hài hước của Nghĩa khiến việc học tiếng Nhật trở nên vui nhộn hơn. (Ảnh: Kênh Youtube Dĩa Samuraichan)

Sinh sống ở Nhật được 8 năm. Nghĩa chia sẻ 5 điều cảm thấy ấn tượng nhất về nước Nhật:
・ Khách hàng là thượng đế. Không cần biết là khách giàu hay khách nghèo, đã là khách thì nhân viên lúc nào cũng phải tiếp đón cẩn thận, chào hỏi đầy đủ lễ phép.
・Môi trường sạch sẽ. Đi trên đường rất ít khi nhìn thấy rác vứt bữa bãi, mọi người luôn vứt rác đúng chỗ và phân loại rác cẩn thận.
・Người Nhật rất đúng giờ. Giờ tàu điện, xe bus rất ít khi bị sai. Ở Việt Nam đi muộn một chút thì có thể nói là do tắc đường, nhà xa, xe hỏng... và có thể được châm trước. Nhưng tại Nhật thì điều đó rất khó, chậm dù chỉ là một phút thôi cũng là một vấn đề rất lớn và nó ảnh hưởng đến uy tín rất nhiều.
・Ý thức con người tốt. Rất nhiều lần bản thân Nghĩa bị rơi ví nhưng đều được nhặt trả lại, quên điện thoại ở trường thì hôm sau đến vẫn còn ở chỗ cũ.
・Một ngày người Nhật nói cảm ơn và xin lỗi rất nhiều. Dường như nó là câu cửa miệng để khi mọi người nói chuyện với nhau.

samurai (1).jpg

Khi mới từ Việt Nam sang, Nghĩa phải mất rất nhiều thời gian mới hòa nhập được môi trường sống tại Nhật. (Ảnh: NVCC)

Nghĩa chia sẻ,“Điều khó nhất để hòa nhập với văn hóa Nhật theo mình nghĩ là học theo những quy tắc trong việc ứng xử. Nhật Bản họ làm gì cũng có nguyên tắc. Việc tuân thủ luật lệ, nguyên tắc là điều bất cứ cha mẹ nào cũng luôn nhắc nhở con cái phải ghi nhớ. Đơn giản như trong việc xếp hàng, nếu anh là người đến sau thì anh phải xuống dưới cùng xếp hàng, không chen ngang, cho dù có lí do gì. Chính vì thế khi mới từ Việt Nam sang, mình phải mất rất nhiều thời gian mới hòa nhập được môi trường này.”

Phương pháp “Học theo cái bóng”

Chia sẻ về cách học tiếng Nhật, Nghĩa cho biết: “Do tiếng Nhật là môn ngoại ngữ khó nên các bạn trẻ bị áp lực sách vở rất nhiều. Trong suy nghĩ của nhiều người, muốn học giỏi tiếng Nhật đồng nghĩa với việc lúc nào cũng “cắm mặt” 24/24 vào quyển sách trước mặt. Nhưng mình lại nghĩ khác, học ngoại ngữ không thể giống toán, lí, hóa được. Mục đích sau cùng của việc học một ngôn ngữ không phải là điểm số hay bằng cấp mà chính là phải GIAO TIẾP được. Đối với việc học ngoại ngữ, bản thân mình thấy phương pháp “Shadowing” – học theo cái bóng rất hiệu quả.
Shadow theo tiếng Anh nghĩa là cái bóng,  có thể hiểu nôm na Shadowing là đuổi theo cái bóng, bắt chước lại cách nói trong đoạn hội thoại bất kì. Đây là phương pháp sẽ giúp tăng cường khả năng nghe, tập luyện nói theo đúng ngữ điệu và rèn phản xạ nghe nói tốt. 

Cách thực hiện Phương pháp luyện nghe nói Shadowing:

Bước 1 –Trước khi shadowing, hãy nghe thử, hoặc đọc lời thoại, xác nhận trước nội dung hội thoại, ý nghĩa của từng từ, …
Bước 2 – Hãy tập trung vào việc nghe và xác nhận từng chữ, vừa nghe, vừa nhẩm lại trong đầu mà không phát âm. 
Bước 3 – Tập nói: Hãy vừa nhìn lời thoại, vừa nghe và nhắc lại ngay sau đó, nhái lại
các âm thanh một cách giống nhất về phát âm, ngữ điệu, nhịp ngắt khi nói. (Bạn có thể ghi âm lại giọng nói của mình và so sánh đoạn ghi âm của mình với audio gốc, thực hiện đến khi nào giống audio gốc thì thôi)
Lưu ý:
-Chọn đoạn phim, đoạn hội thoại, đoạn clip, bài hát nào bạn thích để có cảm hứng luyện tập hơn. Tốt nhất, bạn nên tìm những đoạn có lời dịch phía dưới. Nghĩa chia sẻ bản thân rất thích đọc theo những bản tin dự báo thời tiết ở Nhật (vì tốc độ đọc chậm, xem xong biết thời tiết như thế nào, “một công đôi chuyện”)

-Khi mới bắt đầu, đừng cố học nhiều, mỗi ngày bạn chỉ cần học thuộc 2 bài hội thoại. Nếu chưa thông thạo bài cũ hãy học lại thật kĩ trước khi chuyển sang bài mới. 

Untitled 3.jpg

Việc "hóa thân" thành nhiều vai diễn khác nhau để diễn tả các câu tiếng Nhật theo tình huống khiến clip của Nghĩa được rất nhiều bạn yêu thích. (Ảnh: Kênh Youtube Dĩa Samuraichan)

"Đừng bao giờ học từ vựng riêng lẻ. Vì mỗi từ sẽ có ý nghĩa khác nhau khi nằm trong từng câu nói, ngữ cảnh khác nhau. Tốt nhất, bạn nên học từ trong các câu nói, các đoạn văn. Khi bạn thuộc nằm lòng tất cả các bài học, bạn sẽ phản xạ nhanh hơn khi giao tiếp.” – Nghĩa nhấn mạnh.

“Sự liên tục sẽ trở thành sức mạnh”

Dù làm ra nhiều clip mang nội dung hướng dẫn cách học tiếng Nhật, nhưng Nghĩa quan niệm: “Những clip của mình chỉ mang nội dung tham khảo, tự người học mới xác định được đúng cách học tốt nhất đối với bản thân họ. Việc tham khảo ý kiến học tập của những “bậc tiền bối” là việc tốt nhưng bạn không nên tin 100% vì mỗi người có một tư duy và điều kiện học tập khác nhau.” 
Trong quá trình học tiếng Nhật, Nghĩa luôn ghi nhớ một câu châm ngôn của Nhật: “Sự liên tục sẽ trở thành sức mạnh”. Ý nghĩa của câu nói này cũng tương tự như câu “Có công mài sắt, có ngày nên kim” của Việt Nam, nếu muốn thành công, bạn cần phải nỗ lực và cố gắng hết sức mình, tuân thủ theo những kỉ luật đã đề ra cho bản thân. 

Untitled 2.jpg

Hóa thân hài hước của Nghĩa trong clip dạy tiếng Nhật. (Ảnh: Kênh Youtube Dĩa Samuraichan)

“Ở Nhật, kỉ luật là điều vô cùng quan trọng. Chính kỉ luật tạo nên sự tự lập, tinh thần vững vàng nổi tiếng của người Nhật. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ con tại Nhật đã phải tự giác làm mọi thứ. Ngày đầu mới sang Nhật, mình đi bộ trong công viên và nhìn thấy một gia đình cùng nhau đạp xe đi chơi, mặc dù em bé bị ngã xe nhưng gia đình không đỡ mà dừng lại đợi. Em bé đó tự biết đứng dậy phủi quần áo và cố đạp xe nhanh để đuổi theo gia đình. Các sinh viên trong trường đại học cũng vậy, lúc làm bài kiểm tra mặc dù không làm được nhưng họ cũng không quay ngang quay dọc hỏi ai mà im lặng làm bài, thà nộp giấy trắng còn hơn sao chép. Mình nghĩ là tính tự lập, kiên trì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai sau này của một người.”

Mỗi ngày, Nghĩa đều nhận được rất nhiều câu hỏi nhờ tư vấn cách học, du học và sinh sống tại Nhật. “Công việc của mình một ngày đa phần là dạy học sáng và tối. Chiều mình sẽ làm và chỉnh sửa video. Việc làm video giúp mình được nhiều người biết đến và được nhiều bạn inbox hỏi thông tin về học tiếng Nhật và sinh sống tại Nhật, đặc biệt là Tokyo. Mỗi lần trả lời cho các bạn cũng là một lần mình học hỏi thêm được nhiều điều nên mình cảm thấy rất trân trọng.”
Dự định trong tương lai của Nghĩa là mong muốn mở rộng trung tâm tiếng Nhật của mình ở nhiều các tỉnh thành phố khác ngoài Hà Nội. “Dù tự học tiếng Nhật hay đến trung tâm học, bạn cần thật sự nghiêm túc với việc học tiếng Nhật, tự tạo môi trường giao tiếp tiếng Nhật thú vị bằng phim ảnh, bài hát… Sự thoải mái khi học ngoại ngữ sẽ giúp bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng” – Nghĩa cho biết.

Phương Anh/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU