Có thể nhiều người nghĩ rằng phụ nữ Nhật ở nhà chăm con thật sung sướng vì kinh tế đã có chồng lo, chỉ việc toàn tâm chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Nhưng đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm, đằng sau sự “an nhàn” đó là cả một câu chuyện dài ẩn chứa nhiều tâm tư về sự cô đơn và vất vả của những bà mẹ nuôi con ở Nhật.
Gia đình hạt nhân hai thế hệ
Trong quá trình phát triển kinh tế từ 50 - 60 năm trước, đã có một lượng lớn những người lao động Nhật Bản từ các tỉnh lẻ tập trung về những thành phố lớn vùng Kanto như Tokyo - Yokohama - Chiba - Saitama và cả vùng Kansai như Osaka - Kobe - Kyoto. Các sinh viên quy tụ về những nơi này để học tập sau đó cũng bám trụ lại để tìm việc làm, trong khi cha mẹ họ vẫn sống ở quê và không hề có ý định dọn lên ở cùng khi con cái lập gia đình và định cư ở thành phố lớn. Bên cạnh đó, do tâm lí của mọi nàng dâu trên thế giới này đều “rất ngại sống chung với mẹ chồng”, nên cho dù có cha mẹ sống cùng thành phố thì hai vợ chồng vẫn chọn sống riêng để được toàn quyền nuôi dạy con cái và không làm phiền đến ông bà. Kết quả là 90 - 95% gia đình sống ở các đô thị lớn như Tokyo hay Osaka hiện nay đều là gia đình hạt nhân hai thế hệ.
Nuôi con một mình
Có một hình ảnh rất quen thuộc vào buổi sáng ở trên đường phố Nhật, đó là những bà mẹ dắt tay con đi bộ đến trường, hoặc hối hả chở con trên những chiếc xe đạp với ghế trước, ghế sau, hay những chiếc xe đẩy đứa nhỏ ngồi trên xe còn đứa lớn lẽo đẽo theo sau mẹ. Nếu quan sát nhiều người sẽ nhận ra rằng có rất ít nụ cười trên gương mặt các bà mẹ ấy. Thay vào đó là những khuôn mặt mệt mỏi, căng thẳng, một phần là bởi họ có rất ít người để chia sẻ và giúp đỡ trong chuyện nuôi dạy con.
Những ai nuôi con sẽ hiểu nhu cầu tình cảm của đứa trẻ là vô hạn, nhưng sức của một mình mẹ thì có hạn, nên người mẹ rất cần có ai đó để cùng san sẻ. Nhưng thông thường, trong những gia đình Nhật mà phụ nữ phải ở nhà chăm con thì hầu như chỉ có mẹ con đối mặt với nhau suốt 24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần. Những khi con ốm, con khóc ăn vạ, và chính bản thân mình mệt mỏi, cũng là những lúc họ cô đơn nhất vì không có người sẻ chia.
Ông bà ở xa nên muốn nhờ ông bà cũng khó. Mối quan hệ hàng xóm thì không theo kiểu thân thiết như ở Việt Nam. Nếu như ở Việt Nam, dịch vụ giúp việc là một cứu cánh cho chị em phụ nữ để giảm bớt mệt mỏi và căng thẳng sau giờ làm việc vất vả, thì ở Nhật dịch vụ đó vô cùng đắt đỏ nên gia đình bình thường không bao giờ thuê được. Dịch vụ gửi con theo giờ cũng rất ít và giá rất cao.
Những ông chồng Nhật đi làm ở công ty thì đều phải về muộn vì áp lực công việc và vì chính văn hóa “làm việc sống chết vì công ty” của người Nhật. Những ngày trong tuần họ thường về nhà lúc 8 - 9 giờ tối, thậm chí muộn hơn, khi mà con cái hoặc đã đi ngủ hoặc chuẩn bị đi ngủ và chẳng giúp được vợ việc gì. Chỉ có hai ngày cuối tuần các bà vợ mới được chồng chia sẻ việc nhà và chơi cùng con.
Chính vì thế mà một cuộc điều tra của Bộ Lao động và Xã hội Nhật đã đưa ra kết quả là tỉ lệ những bà mẹ ở nhà chăm con bị stress nhiều hơn là những bà mẹ vừa đi làm vừa nuôi con, chỉ bởi vì họ có rất ít nguồn hỗ trợ tinh thần cho mình.
Gửi con đi nhà trẻ - không phải muốn là được!
Báo cáo của Bộ Lao động và Xã hội Nhật Bản năm 2016 cũng cho biết hiện có khoảng 20.000 trẻ ở Nhật, chủ yếu là ở các thành phố lớn, nằm trong danh sách chờ để được đi nhà trẻ. Nghĩa là có từng ấy bà mẹ đang mòn mỏi mong chờ con mình được đi học mẫu giáo.
Hệ thống trường mầm non ở Nhật chia ra hai chế độ là trường công và trường tư. Các trường mẫu giáo công thì nhận được hỗ trợ của chính quyền nên học phí rẻ hơn và chương trình học đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Lao động và Xã hội hoặc là Bộ Giáo dục Nhật nên ai cũng muốn đăng kí vào. Tuy nhiên, do số lượng rất ít nên các trường công lập chỉ ưu tiên những gia đình có cả bố mẹ cùng đi làm full time 8 tiếng/ngày trở lên và không có ai khác hỗ trợ (chẳng hạn ông bà ở cùng). Vì thế nếu gia đình nào mà người mẹ ở nhà chăm con thì 99% là các con sẽ trượt khi xét tuyển vào trường công lập.
Còn các trường tư mà không nằm trong tiêu chuẩn của Bộ Lao động và Xã hội hay Bộ Giáo dục Nhật thì mức học phí rất đắt đỏ (do họ không nhận được tiền hỗ trợ của chính phủ). Số lượng các trường này cũng không nhiều để cho ba mẹ lựa chọn. Chính vì thế với những gia đình không có thu nhập cao thì việc cho con theo học ở trường tư cũng là cả một vấn đề nan giải.
Thiếu nhà trẻ, không thể tìm được nhà trẻ cho con cũng là một nguyên nhân khiến phụ nữ Nhật không muốn sinh con, bên cạnh áp lực công việc. Đây là vấn đề lớn nhất mà Bộ Lao động và Xã hội hiện đang phải đối mặt nếu muốn gia tăng tỉ lệ sinh ở Nhật.
Tương lai bất định khi con cái lớn lên và muốn quay trở lại công việc
Khi đã quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con, thường thì các bà mẹ Nhật sẽ xác định là phải đợi đến khi con học tiểu học tầm lớp 3 - 4 rồi mới có thể quay trở lại tìm kiếm một công việc nào đó. Nhưng khi ấy, do đã xa rời công việc cả gần chục năm nên họ có rất ít cơ hội để tìm được công việc phù hợp với nguyện vọng.
Với những gia đình có thu nhập ổn định và mức lương của chồng cao thì có thể không phải lo lắng chuyện tiền bạc, nhưng ở rất nhiều gia đình người vợ phải đi làm bán thời gian để phụ thêm kinh tế cùng chồng khi con cái bắt đầu vào tiểu học. Có người may mắn thì tìm được công việc giấy tờ văn phòng, nhưng đa số họ phải làm công việc bán thời gian với mức lương cơ bản rất rẻ ở các siêu thị, cửa hàng, trung tâm mua sắm...
Ngày nay khi nhu cầu cống hiến trong xã hội của phụ nữ tăng lên nhanh chóng, rất nhiều phụ nữ Nhật không muốn nghỉ làm sau khi sinh con cũng bởi vì bản thân họ nhìn thấy rất nhiều áp lực và mệt mỏi sẽ phải đối diện khi trở thành bà nội trợ. Nhưng thực tế là ở Nhật vẫn còn có quá nhiều rào cản và khó khăn đến từ suy nghĩ bảo thủ của xã hội khiến người phụ nữ khó thực hiện được mong muốn ấy.
Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn