Chiêu tiết kiệm 24 lít nước/người ở Kumamoto
Bài: Thùy Dung/ Ảnh: flickr/ Bìa: Toshihiro Gamo Apr 19, 2018
Bạn có biết, nếu hỏi 100 người Nhật rằng thứ gì ở Nhật ngon nhất thì sẽ có 99 người trả lời đó là nước? Chính nhờ có nguồn nước ngon, sạch mà các loại cá và hải sản ở Nhật mới tươi ngon như vậy, giúp cho món Sashimi nổi tiếng khắp thế giới. Mặc dù nguồn nước dồi dào, nhưng sẽ dần cạn kiệt nếu ta không biết gìn giữ. Nắm được quy luật tất yếu đó, toàn dân thành phố Kumamoto (tỉnh Kumamoto) đã đồng lòng hưởng ứng chiến dịch toàn dân tiết kiệm nước do chính quyền thành phố đề ra.
Kumamoto - nơi có nước sạch và ngon nhất Nhật Bản - người dân lãng phí nhất ?!
Tại Nhật Bản, nước là tài nguyên của quốc gia và của toàn dân. Những lát cá sống Sashimi của Nhật tươi ngon chính là nhờ được nuôi dưỡng bởi nguồn nước ngon và sạch. Tiêu chuẩn để được công nhận là nước ngon tại Nhật như sau:
1. Trong 1 lít nước, phần khoáng (lượng chất khoáng hòa tan vào trong nước) phải đạt 30 - 200mg
2. Trong phần khoáng, lượng Calcium và Magie phải đạt 10 - 100mg
3. Carbon dioxide (gas) đạt 3 - 30mg
4. Nhiệt độ của nước dưới 20 độ C
Trong top 10 các tỉnh có nguồn nước an toàn và ngon tại Nhật Bản, xếp vị trí đầu tiên là tỉnh Kumamoto.
Nằm gần kề ngọn núi lửa Aso, Kumamoto sở hữu nguồn suối khoáng dồi dào, những khu tắm nước nóng truyền thống nổi tiếng nhất Nhật Bản. Theo cơ quan môi trường Nhật Bản, tại Kumamoto có đến 4 nguồn nước đạt mức “siêu sạch”, đó là các nguồn nước ở Kikuchi, Todoroki, Ikeyama, Shirakawa. Nước máy ở Kumamoto 100% là nước ngầm, vì vậy bạn có thể hứng lấy nước khoáng ngọt và ngon trực tiếp tại vòi nước máy.
Nhưng cũng chính vì thế, những con số thống kê đã chỉ ra rằng lượng nước sinh hoạt 1 ngày mà 1 người dân tại thành phố Kumamoto sử dụng cao hơn rất nhiều so với những thành phố khác. Nếu tình hình trên cứ tiếp diễn, thành phố Kumamoto sẽ đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước sạch trong tương lai.
3 bước tiết kiệm nước
Để đối phó thực trạng nêu trên, vào năm 2007, chính quyền thành phố Kumamoto đã triển khai chiến dịch toàn dân tiết kiệm nước sinh hoạt. Theo đó, để tiết kiệm nước thành công, cần chia ra 3 giai đoạn như sau:
Bước 1: Khởi động tiết kiệm nước
Hạn chế để vòi chảy liên tục khi tắm bằng vòi sen sẽ tiết kiệm được rất nhiều nước (Ảnh: Kiwamu Okabe/ flickr)
*Khu vực nhà bếp: Hạn chế để vòi chảy liên tục. Khi rửa, nếu để vòi nước chảy liên tục, trong 1 phút sẽ chảy ra khoảng 6 lít nước. Vì vậy chỉ cần hạn chế để vòi chảy liên tục trong vòng 5 phút, thì 1 ngày có thể tiết kiệm được 30 lít nước.
Nếu sử dụng lượng xà bông vừa đủ, lượng nước rửa cũng đỡ tiêu tốn hơn. Có thể gắn thêm vòi rửa dạng sủi bọt nhẹ, vì nếu dùng vòi nước mạnh thì trong 1 phút sẽ tiêu tốn khoảng 12 lít nước.
*Khu vực giặt giũ: Có thể tận dụng lượng nước còn dư trong bồn tắm để giặt quần áo. Hạn chế tối đa lượng nước cần dùng bằng cách sử dụng loại bột giặt chỉ cần xả 1 lần, gom nhiều đồ để giặt chung 1 lần hay sử dụng lượng nước giặt vừa đủ.
*Khu vực bồn tắm: Hạn chế để vòi chảy liên tục khi tắm bằng vòi sen, giảm đi 1 phút sẽ tiết kiệt được 12 lít nước. Trung bình 1 người gội đầu trong khoảng 10 phút, vì vậy nếu một gia đình 4 người mà mỗi người đều khóa vòi trong khi tắm khoảng 3 phút thì sẽ tiết kiệm được 144 lít nước.
*Khu vực rửa mặt: Nếu để vòi nước chảy liên tục trong khi đánh răng thì trong 1 phút sẽ lãng phí 6 lít nước. Trong khi đó nếu sử dụng li để hứng nước, thì 1 người sẽ chỉ tiêu tốn khoảng 3 cốc nước, tương đương 0.6 lít. Nếu gia đình có 4 người, thì trong 1 ngày có thể tiết kiệm được 22 lít nước.
*Những khu vực khác:
Với Toilet, hãy sử dụng nút gạt chế độ nhỏ cho tiểu tiện, và lớn cho đại tiện.
Khi rửa xe hay tưới cây cũng hạn chế để vòi chảy liên tục bằng cách gắn thêm van điều chỉnh bằng tay.
Bước 2: Tăng tốc
*Khu vực nhà bếp: Trước khi rửa chén, li,... hãy dùng giấy lau sạch dầu (nên tận dụng giấy cũ hoặc đồ cũ để lau dầu để tránh làm tăng lượng rác thải sinh hoạt). Nước rửa chén lẫn nước tráng qua hãy sử dụng ít lại. Có thể rửa chén bát trong chậu hoặc bồn rửa để tận dụng nước thừa cọ rửa bồn sau đó.
*Khu vực giặt giũ: Không những sử dụng nước bồn tắm mà còn sử dụng chế độ xả 1 lần để tiết kiệm được nhiều nước. Ví dụ với lượng nước sử dụng tiêu chuẩn là 130 lít thì sẽ tiết kiệm được 55 lít.
*Khu vực rửa mặt: Trung bình 1 người rửa mặt trong vòng 2 phút sẽ tiêu tốn khoảng 12 lít nước. Tuy nhiên, nếu sử dụng ca hoặc li thì chỉ tốn khoảng 2 li tương đương khoảng 6 lít nước, một gia đình 4 người sẽ tiết kiệm được khoảng 24 lít nước.
*Những khu vực khác:
Tại Nhật có loại bồn cầu có thể gắn đồng hồ để đo và điều chỉnh lượng nước xả ra. Có cả những loại bồn cầu được thiết kế để tiết kiệm nước, với dung tích bồn xả khoảng 5 - 10 lít so với loại cũ là 11 - 15 lít.
Khi tưới cây ngoài sân hoặc cây trong chậu, thay vì dùng vòi nước dạng dây không kiểm soát được lượng nước xịt ra, có thể sử dụng xô hoặc bình tưới.
Bước 3: Tiết kiệm nước tối đa
*Khi chuẩn bị bữa ăn: Dùng thau để rửa rau, tránh xả nước trực tiếp dưới vòi. Trung bình khi rửa rau hay thực phẩm để chuẩn bị cho bữa ăn sẽ tiêu tốn khoảng 81 lít nước, nhưng với cách này có thể tiết kiệm được 44 lít nước.
*Sau bữa ăn: Nếu rửa trực tiếp dưới vòi nước, 1 ngày sẽ tiêu tốn khoảng 120 lít nước. Nhưng nếu để dồn lại rửa cùng 1 lúc và dùng chậu để rửa thì chỉ tốn khoảng 37 lít. Với cách này 1 ngày có thể tiết kiệm được 83 lít.
*Tận dụng nước vo gạo, nước rửa rau, trái câyđể tưới cây trong vườn.
*Sắp xếp thời gian tắm bồngiữa các thành viên trong gia đình liên tục với nhau để tận dụng nước còn ấm.
Chiến dịch trên đã thu về những kết quả khả quan. Nếu trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2006, trung bình lượng nước sinh hoạt 1 người tại thành phố Kumamoto sử dụng là 254 lít, thì nhờ sự hợp sức của toàn dân, hàng năm lượng nước sinh hoạt đã giảm xuống từng chút, và đến năm 2012 đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra là 230 lít/người. Rõ ràng dù được mẹ thiên nhiên ban tặng những nguồn nước dồi dào, nhưng không có gì là vĩnh cữu nếu không biết gìn giữ. Sự thành công của thành phố Kumamoto trong chiến dịch tiết kiệm nước chính là nằm ở ý thức phải giữ gìn và tiết kiệm nguồn nước sạch để dành cho các thế hệ mai sau.
Thùy Dung/ kilala.vn