Cách sắp xếp nhà bếp gọn - sạch - đẹp như người Nhật
Bài: Lăng Vi/ Ảnh minh họa: PIXTAJul 24, 2017
5 quy tắc chính để nhà bếp gọn gàng
Một căn bếp gọn gàng nghĩa là mọi vật dụng trong đó phải được sắp xếp sao cho dễ sử dụng nhất, thuận tiện lấy ra cất vào và không chiếm quá nhiều không gian sống. Theo tiêu chí đó, người Nhật có 5 quy tắc để áp dụng khi sắp xếp căn bếp của mình.
1. Quy tắc “từ mắt đến hông”
Những vật dụng phải sử dụng hằng ngày như nồi niêu xoong chảo, dao thớt, các loại gia vị,... nên để ở những vị trí nằm trong không gian giới hạn từ mắt đến ngang hông sẽ giúp bạn không mất thời gian tìm kiếm và nấu ăn nhanh chóng hơn.
Để làm được điều này, bạn cần phân loại được vật dụng cần thiết và không cần thiết. Hãy phân loại theo tần suất sử dụng (hằng ngày, 1 lần/tuần, vài tháng 1 lần,...) chứ không phải theo giá cả hay mức độ yêu thích. Sau đó, những thứ không sử dụng nên được bỏ ra khỏi nhà bếp.
2. Phân bố vị trí cất giữ phù hợp với vật dụng
Vị trí cất giữ đồ đạc nên gần với nơi sử dụng món đồ đó. Ví dụ khu vực dưới bồn rửa chén dùng để cất nồi, tô chén, ấm nước; khu vực gần bếp thì để nồi, chảo, dầu ăn, muôi, vá,...
3. Sắp xếp gọn gàng từng khu vực
Mỗi khu vực như dưới bồn rửa chén, quanh bếp nấu, trong tủ lạnh,... đều phải được sắp xếp gọn gàng để tránh tình trạng đồ đạc nơi này để sang nơi khác gây mất thời gian tìm kiếm và phát sinh sự bừa bộn.
4. Không để quá nhiều đồ lên bàn bếp
Bàn bếp không nên là nơi để đồ, hãy dành nhiều không gian trống hết mức có thể để thuận tiện sử dụng khi nấu ăn. Dụng cụ nấu ăn có thể treo lên hoặc để ở tủ bếp dưới, khi cần lấy được ngay.
5. Sử dụng hiệu quả các vật dụng hỗ trợ trong việc sắp xếp
Giá treo, kệ treo, tấm chia ngăn tủ, giỏ, hộp, khay,... là những vật dụng hỗ trợ đắc lực cho việc sắp xếp và cất giữ đồ đạc sao cho tận dụng không gian nhất.
5 gợi ý áp dụng ngay
1. Chia khu vực trong tủ bếp
Tủ bếp dưới thường có từ 3 - 4 ngăn, để sử dụng hiệu quả bạn nên phân chia rõ ràng từng khu vực cho mỗi loại vật dụng, sắp xếp theo tần suất sử dụng và kích thước.
▶ Ngăn 1 (trên cùng): đựng những thứ dùng hằng ngày như đũa, muỗng, muôi, xẻng,... vật dụng kích thước nhỏ như đồ khui, bộ thìa đong,... và một vài thứ thi thoảng dùng đến như kéo, phới lồng,...
▶ Ngăn 2: đựng những thứ dùng khi có dịp như muỗng múc kem, cây đánh bọt cà phê, dao cắt pizza, kẹp gắp, giấy bọc thực phẩm,...
▶ Ngăn 3: những thứ kích thước nhỏ như khuôn cắt rau củ, túi gia vị chưa dùng hết, bao nylon, khăn lau bếp,...
▶ Ngăn 4: thường là ngăn lớn nhất nên hãy dùng để đựng những vật kích thước lớn như tạp dề (gấp hoặc cuộn lại), túi rác, chất tẩy rửa,...
2. Tận dụng khu vực dưới bồn rửa chén
Đặt thêm kệ 1 - 2 tầng vào khu vực dưới bồn rửa chén để cất giữ các loại nồi, chảo, rổ, rây, khuôn bánh, miếng rửa chén, nước tẩy rửa,... Bên hông cửa treo thêm các giỏ để đựng túi rác, bao tay, giấy bọc thực phẩm,...
3. Giữ tủ lạnh ngăn nắp
Sắp xếp hợp lý các thứ trong tủ lạnh cũng giúp nhà bếp gọn gàng hơn:
▶ Ngăn trên cùng đựng nguyên liệu có hạn sử dụng lâu dài
▶ Ngăn thứ hai ở ngang tầm mắt, đựng những nguyên liệu có hạn sử dụng ngắn
▶ Nên gom các thứ có liên quan đến nhau để vào một khay như khay đựng mứt, bơ, khay rau củ muối, khay đồ ăn vặt,...
4. Tận dụng không gian bên hông tủ lạnh
Dùng giá treo bên hông tủ lạnh để đựng giấy bọc thực phẩm, khăn giấy,... hoặc kệ nhiều tầng dạng hẹp có bánh xe để đựng các loại gia vị, nui, mì, thực phẩm đóng hộp,...
5. Dán nhãn những hũ, lọ đựng gia vị, nguyên liệu
Những lọ, hũ đựng gia vị, nguyên liệu nấu ăn giông giống nhau nên được dán nhãn rõ ràng. Nên dùng lọ, hũ thủy tinh để có thể nhìn thấy bên trong và an toàn hơn trong cất trữ.
Lăng Vi/ kilala.vn