Các biện pháp phòng chống bão khi ở Nhật

Bài: Aki KanouSep 7, 2020

Ở Nhật Bản, cứ vào thời điểm cuối hè đầu thu là lúc những cơn bão lũ lượt kéo nhau tiến vào quốc đảo này. Những cơn bão này nếu ở mức độ vừa và nhỏ thì có thể đi qua một số vùng mà không gây ra thiệt hại nhiều. Tuy nhiên, đối với những cơn bão lớn, có nguy cơ gây thiệt hại về người và của thì bạn cần phải "thủ sẵn" những biện pháp bảo vệ bản thân đúng cách.

Trước khi bão đến

1) Cập nhật tin tức

Theo dõi các tin tức cập nhật chung

Tại Nhật Bản, trước khi có một cơn bão nào đó sắp đổ bộ, các đài truyền hình và đài phát thanh của Nhật Bản sẽ phát các cảnh báo trước với thời gian và khu vực đổ bộ dự kiến. Thông tin đáng tin cậy nhất ở thời điểm đó chính là từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản. Một trang web đáng tin khác là trang web Du lịch An toàn Nhật Bản của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản điều hành. Trang web này cung cấp thông tin chung về những việc phải làm, các liên kết và số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ và liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

Chú ý các tin khẩn

Các thông báo khẩn trước "giờ G" sẽ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Thông thường những thông báo khẩn sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang web của địa phương bạn đang ở và gửi tin nhắn trực tiếp vào điện thoại. Nếu như không quá trôi chảy tiếng Nhật, bạn có thể tìm đọc tin khẩn trên NHK World News.

Xem xét vấn đề di tản

Cần kiểm tra xem khu vực nhà ở của bạn có nằm trong diện cần di tản hay không. Nếu có thì bạn nên chuẩn bị hành lý và tuân thủ di tản theo chỉ thị của địa phương, cũng như liên lạc với gia đình, bạn bè và người quen để mọi người nắm tung tích của bạn. Còn nếu không thuộc diện phải di tản, tức chỉ cần ở yên trong nhà, thì hãy lưu ý các điều tiếp theo sau đây.

các biện pháp phòng chống bão khi ở Nhật
Chú ý cập nhật tin khẩn. (Ảnh chụp màn hình NHK)

Thông tin về giao thông

Để kiểm tra thông tin chuyến bay, bạn có thể lên trang web chính của Sân bay Haneda và Sân bay Narita để biết các thông tin cập nhật chính thức.

Để kiểm tra lịch tàu chạy, hãy truy cập trang web JR East để biết lịch chạy của Shinkansen hoặc các tuyến tàu địa phương thuộc hệ thống quản lý của JR. Đối với tàu điện ngầm, hầu hết các tuyến đều có thông tin trên Tokyo Metro, đối với những tuyến tư nhân thì trang web chính thức vẫn có cung cấp các thông tin bằng tiếng Anh ngắn gọn và chính xác.

thông báo trên trang narita
Thông báo trên trang chủ của sân bay Narita. (Ảnh chụp màn hình trang web Narita Airport)

2) Chuẩn bị nhà cửa

Dọn dẹp những vật dụng trang trí quanh nhà

Những chậu cây để quanh nhà, trên ban công, ngoài hành lang… có thể sẽ bị thổi bay khi có gió lớn, thậm chí làm vỡ cửa sổ hoặc va vào người khác gây tai nạn không đáng có. Do đó, cần dọn dẹp những chậu cây này trước khi bão đến để đảm bảo an toàn cho mình và người xung quanh.

Chú ý cửa sổ

Trước khi bão đến, đừng vì một ít gió mát mà mở cửa sổ. Nên đóng và chốt chặt cửa, tránh trường hợp gió quá to cửa bị bật chốt, vỡ kính nguy hiểm. Bạn có thể tham khảo một số cách gia cố cửa kính. Nếu chưa an tâm, hãy kéo rèm lại, vì nếu cửa kính có vỡ thì cũng đã có một tấm màn giúp bạn che chắn khỏi những mảnh kính.

chú ý cửa sổ
Chú ý kính cửa sổ. (Ảnh: Ocean Impact Windows)

Xe cộ đi lại

Xe đạp, xe máy nên được mang vào nhà. Gió lớn có thể xô đổ hoặc cuốn bay gây hư hỏng phương tiện. Trường hợp có ô tô, bạn nên tìm chỗ đỗ xe hợp lý, đặc biệt không được đỗ xe dưới các tán cây.

Thiết bị điện tử

Các thiết bị điện tử dùng để truy cập tin tức, liên lạc cần được sạc pin đầy đủ. Khi bão diễn ra, một số nơi có thể vì bị ảnh hưởng dẫn đến ngắt điện trong thời gian dài. Vì vậy, hãy sạc đầy pin điện thoại và cả những thiết bị sạc dự phòng nữa nhé. Bạn cũng có thể ghi sẵn một vài số điện thoại quan trọng ra giấy, để dù cho điện thoại của bạn đã hết pin thì bạn vẫn có sẵn một danh bạ điện thoại viết tay.

3) Tích trữ vật dụng, thức ăn

Trữ nước

Khi bão đến, khả năng bị cắt ga cắt nước là hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, nên dự trữ một lượng nước đủ để bạn có thể vượt qua vài ngày.

Trữ thức ăn

Đừng ỷ y rằng nếu có gì cần kíp thì cũng đã có cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, nếu nằm trong khu vực cần di tản thì tất cả các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng 24 giờ đều phải đóng cửa để đảm bảo an toàn. Vì vậy, bạn không được chủ quan. Cần dự trữ một lượng lương thực có thể giữ trong nhiều ngày như mì gói, bánh mì khô, đồ hộp… Vào những lúc bất lợi nhất, những thứ này sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều.

dự trữ lương khô
Dự trữ lương khô. (Ảnh: Dog Shibainu @YT)

Ba lô sinh tồn

Hầu hết mỗi gia đình Nhật đều có sẵn balo sinh tồn phòng hờ trường hợp khẩn cấp cần di tản. Trong ba lô này sẽ là các vật dụng cần thiết như: quần áo cần thiết, lương khô, đèn pin, dao đa dụng, dụng cụ sơ cứu…

Khi bão đến

Rút điện các thiết bị điện tử

Bão đến thường kèm theo sấm sét. Theo nghiên cứu, khi sét đánh vào các trụ điện có thể tạo ra một dòng điện cực đại, các thiết bị điện trong nhà không thể chịu được cường độ dòng điện này sẽ bị cháy nổ. Do đó, nên rút điện các thiết bị điện đắt tiền trong nhà để tránh xảy ra những sự cố không nên có.

sấm sét ảnh hưởng
Sấm sét có thể khiến thiết bị điện hư hỏng. (Ảnh: Reddit)

Tốt nhất nên ở nhà

Bão là phiên bản nâng cấp của mưa to, sấm sét, gió lớn. Bất cứ trường hợp nguy hiểm nào cũng có thể xảy đến khi bạn bước ra khỏi nhà. Do đó, sau khi chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết, bạn nên ở yên trong nhà. Đây là căn cứ an toàn nhất ở thời điểm bão đến. Cần lưu ý không đến gần khu vực cửa kính, cửa kính có thể bị vỡ làm bạn bị thương. Tuy nhiên, bạn cũng nên theo dõi thông tin từ chính quyền địa phương về lệnh sơ tán để di chuyển kịp thời.

Sau khi bão qua đi

Bạn sẽ cảm thấy bão qua khi mưa có dấu hiệu nhỏ lại và gió không còn rít gào dữ dội như trước. Tuy nhiên, không nên ra ngoài ngay sau đó, hãy cứ trú ẩn tại chỗ cho đến khi có sự xác nhận của cơ quan chức năng là tình hình bên ngoài đã an toàn. Lưu ý, nếu nơi ở hiện tại có hư hại, hãy chụp lại ảnh và nhắn cho chủ sở hữu biết để có biện pháp tu sửa kịp thời.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU