Bao giờ lấy chồng: phụ nữ Nhật nghĩ gì?

Bài: Nox/ Ảnh minh họa: PixabayJan 23, 2018

Bao giờ lấy chồng, đây không phải là vấn đề quan trọng đối với phụ nữ Nhật Bản ngày nay, bởi rất nhiều người chủ động chọn tận hưởng cuộc sống độc thân hoặc kết hôn muộn để tập trung phát triển sự nghiệp.

Độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Nhật Bản

Theo nhiều thống kê, độ tuổi kết hôn trung bình của nữ giới lẫn nam giới Nhật Bản đều có xu hướng tăng lên theo thời gian. Cụ thể là theo thống kê của Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), độ tuổi kết hôn trung bình lấn đầu vào năm 2005, nữ giới là 28,0, nam giới 29,8; năm 2010 nữ giới 28,8, nam giới 30,5. Đến năm 2015, nữ giới tăng lên 29,4 còn nam giới là 31,1 (tuổi). Ngoài ra, tỉ lệ người Nhật không bao giờ kết hôn trước tuổi 50 đã tăng từ 5% năm 1970 lên 16% vào năm 2010.

bao giờ lấy chồng

(Ảnh minh họa: Pixabay)

So tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở Việt Nam nữ giới là 23, nam giới là 26,2 (thống kê năm 2015) thì Nhật Bản có xu hướng kết hôn muộn hơn rất nhiều.

Nhịp sống hối hả, guồng quay công việc khắc nghiệt cùng với nhiều lý do khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến những con người đặc biệt là giới trẻ sinh sống ở đất nước này, mà rõ ràng nhất chính là ngại kết hôn sớm. Hầu hết những người được khảo sát đều cho biết rằng không phải họ không muốn kết hôn, chỉ là không phải bây giờ.

Sengyo Shufu, nỗi lo của phụ nữ Nhật Bản sau khi kết hôn

Đây là tình trạng phổ biến ở những đất nước giàu có và đã phát triển, nhưng ở Châu Á có lẽ Nhật Bản chính là quốc gia dẫn đầu về điều này. Có rất nhiều nguyên nhân xoay quanh vấn đề này, mà chủ yếu là nằm ở người phụ nữ.

Trải qua một thời gian dài, phụ nữ Nhật Bản ngày càng độc lập và có nhiều cơ hội thể hiện năng lực của bản thân hơn trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Có thể làm những điều mình thích vào bất cứ khi nào, tụ họp bạn bè, cùng đi du lịch, chè chén say khướt thi thoảng,... Cuộc sống độc thân thoải mái, tự do không ràng buộc, và tự chủ về mặt tài chính khiến nhiều phụ nữ Nhật Bản cảm thấy họ thực sự có thể sống một mình như vậy cả đời. 

tận hưởng cuộc sống độc thân

(Ảnh minh họa: Pixabay)

Đặc biệt, chính những hi sinh quá lớn sau khi kết hôn là thứ khiến họ e ngại chuyện kết hôn. Trong tiếng Nhật, có danh từ "Sengyo Shufu" dùng để chỉ những người phụ nữ đã kết hôn và dành toàn bộ thời gian vào việc quán xuyến nhà cửa, chăm sóc và nuôi dạy con cái, dịch nôm na là "Nội trợ chuyên nghiệp" hay "Nội trợ toàn thời gian". 

Cũng như bao công việc khác, Sengyo Shufu chịu rất nhiều áp lực như sắp xếp thời gian sao cho hợp lí, quản lý tài chính thế nào cho hiệu quả. Bên cạnh đó còn chịu nhiều thiệt thòi như không có thời gian dành riêng cho bản thân, những buổi tụ tập bạn bè trước đây có thể tham gia dễ dàng giờ lại không thể, nghe phải lời ra nói vào của người ngoài,... 

công việc nội trợ tất bật

Công việc nội trợ tất bật (Ảnh minh họa: Pixabay)

Nhiều phụ nữ Sengyo Shufu sau khoảng thời gian dài làm việc nội trợ muốn quay trở lại làm việc thì gặp rất nhiều khó khăn vì không làm quen được với nhịp công việc cũng như bị lúng túng vế mặt chuyên môn,... 

So với cuộc sống độc thân hiện tại, cuộc sống sau khi kết hôn thực sự khiến phụ nữ Nhật Bản phải đắn đo lưỡng lự nhiều. Vậy nên mà không ít người đã chọn tiếp tục tận hưởng cuộc sống độc thân tự do hiện tại. Bao giờ lấy chồng, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ không chỉ với phụ nữ trẻ người Việt mà cả Nhật Bản cũng thế.

Nox/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU