Nổi tiếng với bộ phim tâm lý kinh dị “Kokuhaku” (Lời thú tội) từng tạo nên cơn sốt trên toàn Châu Á, đạo diễn Tetsuya Nakashima là đại diện Châu Á duy nhất nhận được đề cử cho hạng mục Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar năm 2011. Nakashima cũng từng được chỉ định làm đạo diễn cho series anime ăn khách “Attack on Titan”, tuy nhiên ông rời khỏi dự án vào tháng 12 năm 2012.
Sản xuất phim từ năm 1982, đạo diễn Tetsuya Nakashima (sinh ngày 02/09/1959) sở hữu gia tài 14 phim điện ảnh cho đến thời điểm hiện tại. Đưa nhiều vấn đề xã hội gây nhức nhối vào trong các thước phim, tác phẩm của ông khắc họa những cảm xúc phổ biến, những vấn đề mà cá nhân phải đối mặt trong cuộc sống hiện đại: sự cô đơn, ghẻ lạnh, thiếu hiểu biết.
Tetsuya Nakashima mang đến những khía cạnh nguyên bản và hấp dẫn nhất của văn hóa đại chúng Nhật Bản, kết hợp nhiều thể loại từ kinh dị tâm lý đến nhạc kịch vào trong những bộ phim của mình theo cách táo bạo nhất. Các tác phẩm ông được Viện Hàn lâm Nhật Bản đánh giá cao, tên tuổi của đạo diễn cũng được vinh danh tại các liên hoan phim quốc tế, bao gồm Bucheon, Singapore, Hong Kong, Yokohama, Monreal và Udine.
Dưới đây là 5 tác phẩm ghi dấu ấn mạnh mẽ trong sự nghiệp của vị đạo diễn nổi tiếng.
1. Memories of Matsuko (2006)
Phim kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của người phụ nữ tên Matsuko. Khi đang là một giáo viên trung học, vì nhận tội ăn cắp thay cho một học sinh của mình, cô bị sa thải. Mất việc, Matsuko lên thành phố tìm việc làm, sống chung với người bạn trai bê tha và thường xuyên bị hắn đánh đập. Sau đó hắn ta đã tự tử trong một đêm mưa gió lạnh lẽo. Một thời gian sau, Matsuko trở thành gái điếm, nhưng khi cô muốn giải nghệ thì lại bị bạn trai lấy hết tiền bạc tích góp. Không kiềm chế được cơn thịnh nộ, cô đã lỡ tay giết hắn…
Về nội dung, bộ phim chạm đến cảm xúc và nỗi sợ hãi chân thật nhất sâu bên trong con người. Có lẽ mỗi cô gái đều mơ ước mình là Cinderella, tìm thấy vị hoàng tử của riêng mình. Thế nhưng cuộc sống không bao giờ giản đơn như vậy, có những bi kịch là không thể tránh khỏi. “Memories of Matsuko” khiến người xem tự đặt ra câu hỏi cho mình về ý nghĩa của cuộc sống.
Về mặt hình ảnh, phong cách nhạc kịch là yếu tố đóng vai trò quan trọng khi diễn đạt bi kịch bằng sự hài hước, vui vẻ, mang lại sự tích cực ngay cả trong hoàn cảnh tồi tệ nhất. Sử dụng tone màu tương phản vàng chói đặc trưng, bộ phim là sự cộng sinh tuyệt vời của một vở nhạc kịch, chính kịch và hài kịch. Ngoài ra, người thủ vai Matsuko - nữ diễn viên Miki Nakatani, cựu ngôi sao nhạc pop, cũng có đất để phô diễn giọng hát ngọt ngào, trong trẻo của mình qua một vài phân đoạn.
2. Kokuhaku (2010)
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Minato Kanae đã mổ xẻ xuất sắc vấn nạn bạo lực học đường tại Nhật mà ngay cả chính phủ Nhật cũng phải đau đầu trong hàng chục năm qua. Câu chuyện bắt đầu kể từ cái chết oan ức của một cô bé 4 tuổi, con gái của nữ giáo viên THCS Yuko Moriguchi (Takako Matsu). Kẻ sát hại cô bé không ai khác chính là hai học sinh trong lớp của Yuko, vì thế bà mẹ này đã quyết tâm “dạy dỗ” các cô cậu học trò một bài học để trả thù.
Để làm ra những thước phim vô cùng chân thật này, đạo diễn Tetsuya Nakashima cho biết ông đã có nhiều cuộc trò chuyện sâu sắc với các bạn trẻ từng là nạn nhân bạo lực học đường. Không đơn thuần là bộ phim kinh dị với những cảnh máu me, thứ gọi là “lòng người” mới là điều đáng sợ nhất trong “Kokuhaku”.
Đã hơn 10 năm kể từ ngày bộ phim được ra mắt, nhưng tỷ lệ tự tử ở tuổi vị thành niên tại Nhật Bản vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Theo số liệu thống kê gần nhất, tỷ lệ tử tự ở tuổi vị thành niên ở Nhật Bản đã cán mốc 479 ca vào năm 2020. Điều đáng buồn ở đây là “Kokuhaku” đã phản ánh đúng thực tế rằng nạn bạo lực là một vòng tròn luẩn quẩn.
Phim là lời cảnh tỉnh dành cho các bậc cha mẹ, giáo viên về phương pháo giáo dục cảm xúc cho các thiếu niên thời nay.
3. The World of Kanako (2014)
Câu chuyện bắt đầu khi cựu thanh tra Akikazu Fujishima (Koji Yakusho) nhận được cuộc gọi từ vợ cũ, rằng cô con gái Kanako (Nana Komatsu) đã mất tích. Trong quá trình truy lùng tung tích kẻ bắt cóc con gái mình, ông nhận ra Kanako không giản đơn và ngây thơ như vẻ bề ngoài. Dần vỡ lẽ ra nhiều bí mật động trời, người đàn ông trở nên điên loạn cùng với những ký ức lần lượt tái hiện, đan xen với hiện tại. Cùng lúc đó, một vụ giết người hàng loạt cũng đang diễn ra giữa lòng thành phố…
Sử dụng kỹ thuật hồi tưởng (flashback) để tạo ra mạch truyện đầy u ám, “The World of Kanako” dẫn dắt người xem vào một một câu chuyện kỳ lạ và đầy bạo lực, khi người hùng là kẻ điên, còn nạn nhân một vụ bắt cóc lại là ác quỷ đội lốt người. Càng về sau, bộ phim dường như lột tả được nhiều nỗi băn khoăn: không có nhân vật nào được yêu thương đúng nghĩa.
Mô tả một xã hội trông có vẻ ổn nhưng lại bị chôn vùi với rất nhiều vấn đề, khi mà nạn bạo lực diễn ra từ trong gia đình đến ngoài xã hội, sự tắc trách của cảnh sát, trường học, khoảng cách giữa gia đình, thế hệ… khiến cho các nhân vật đều đáng thương theo những cách khác nhau, rằng họ có thể không phải là ác quỷ bẩm sinh. Câu “Kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác” có lẽ phù hợp để miêu tả cho vòng luẩn quẩn ấy.
4. It comes (2018)
Chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị có tên “Bogiwan” xuất bản vào năm 2015 của nhà văn Sawamura Ichi, “It Comes” kể câu chuyện về Hideki (Satoshi Tsumabuki), một nhân viên công sở có cuộc sống được nhiều người ao ước khi anh vừa thành danh trong sự nghiệp, vừa có vợ hiền con ngoan. Tuy nhiên anh lại là đối tượng của một thực thể tà ác gọi là Bogiwan. Để bảo vệ gia đình của mình, Hideki yêu cầu sự giúp đỡ để thực hiện nghi lễ phá bỏ một câu thần chú không xác định…
Cốt truyện khá cuốn hút cùng với nghệ thuật hình ảnh vượt trội và nhiều chi tiết bạo lực cực độ đảm bảo cho khán giả có một trải nghiệm một không hai. Một số khản giả phương Tây cho biết khi xem phim, họ có cảm giác như đang xem “The Exorcist” phiên bản Châu Á vì có xuất hiện một số phân cảnh trừ tà, máu me khá rùng rợn.
Là một tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết, một số khán giả có cảm giác "chưa trọn vẹn" khi so với bản gốc, dù mục đích của thực thể được giải thích khá rõ ràng trong phim. Nhiều chi tiết dông dài, dư thừa và không cần thiết, khiến cho bộ phim chưa thực sự cô đọng, súc tích.
5. Paco and the Magical Book (2008)
Khác với những tác phẩm trên, “Paco and the Magical Book” thể hiện một khía cạnh khác tươi sáng hơn trong sự nghiệp của đạo diễn Tetsuya Nakashima.
Bộ phim mở đầu tại một bệnh viện nọ, nơi mà bệnh nhân, thậm chí cả các bác sĩ và y tá đều rất kỳ lạ. Onuki (Koji Yakusho) là một bệnh nhân đã từng xây dựng công ty của mình từ con số 0 trong vòng 40 năm, y là một ông già khó tính. Một ngày nọ, Onuki gặp một cô bé tên là Paco - người chỉ duy trì được trí nhớ trong một ngày sau khi trải qua tai nạn xe hơi kinh hoàng.
Chính vì vậy, cô bé luôn đọc đi đọc lại một cuốn sách Ehon mỗi ngày, vì cô sẽ quên nó ngay sau khi 24 tiếng trôi qua. Paco thường nhờ ông lão Onuki đọc sách cho mình và giữa hai người dần nảy sinh tình bạn. Onuki quyết định nhờ sự giúp đỡ của những người khác trong bệnh viện để thực hiện một vở kịch từ cuốn sách, hy vọng nó sẽ giúp ích cho Paco.
Nội dung phim có lẽ cũng không quá mới lạ, nhưng những tình tiết mang ý nghĩa nhân văn, giàu cảm xúc đã mang lại cho bộ phim mang cái chất rất "Tetsuya Nakashima". 30 phút đầu khiến cho người xem cảm giác đây là một bộ phim dành cho trẻ con vì những tình tiết khá “sến”.
Tuy nhiên, khi hai nhân vật chính gặp nhau thì cục diện hoàn toàn thay đổi, mạch truyện có chiều sâu và cảm xúc hơn. Câu chuyện của các nhân vật trong phim có thể làm khán giả liên tưởng đến bản thân mình ở một góc độ nào đó. Sự pha trộn hoàn hảo giữa bi kịch đen tối và hài kịch dành cho trẻ con, “Paco and the Magical Book” mang lại tiếng cười cho khán giả, cũng như những câu chuyện đáng suy ngẫm thông qua từng mảnh đời của các nhân vật.
kilala.vn