“The Red Turtle”: Bộ phim không lời thoại về vòng đời giữa biển khơi

Bài: Vĩnh AnhJul 19, 2023

Phong cách làm phim tối giản của Michael Dudok de Wit cùng với chủ đề thiên nhiên thường xuất hiện trong các tác phẩm nhà Ghibli mang đến sự kết hợp tuyệt vời giữa phương Tây và phương Đông, từ đó kể câu chuyện nhân văn về tình yêu, tình thân của người và rùa giữa bao la biển cả.

Trôi dạt vào đảo hoang sau một trận đắm tàu, người đàn ông cố gắng xoay xở để sinh tồn giữa rừng rậm bao la và biển khơi rộng lớn. Tuy nhiên, sự cô đơn đến ngộp thở nơi vùng biển khiến ông quyết làm một chiếc bè để ra khơi, tìm đường trở về nhà.

Thế nhưng mỗi lần cố chèo về đất liền, một con rùa mai đỏ khổng lồ lại ẩn dưới bè, ngăn cản hành trình của ông. Nỗi bất lực khi không thể ra khơi khiến người đàn ông vô cùng tức giận. Ông bèn trút hết bực tức vào chiếc mai rùa - giẫm bẹp và chọc gậy lên mai. Và rồi khi cả hai trôi dạt vào bờ, từ trong thân xác con rùa hiện ra một cô gái xinh đẹp có mái tóc dài màu đỏ. Họ yêu nhau rồi có con và tiếp tục sinh tồn trong vùng biển khơi rộng lớn.

Vòng đời qua hình tượng con rùa và biển khơi

Nổi bật trong The Red Turtle (tựa Việt: Rùa Đỏ) chính là dòng chảy của sự tĩnh lặng. Xuyên suốt phim hầu như không có mẩu đối thoại nào, chỉ thi thoảng xuất hiện tiếng hét của người đàn ông và cậu con trai vào không trung.

Nếu câu chuyện về con sóng và dòng nước biển dữ dội gợi nhớ đến con nước mềm mại, êm ả nhưng cũng có lúc nổi sóng trong phim “Ponyo on the Cliff" của Hayao Miyazaki thì câu chuyện về vòng đời, tình yêu và cái chết dễ khiến người xem liên tưởng đến bộ phim cuối cùng mà Isao Takahata làm đạo diễn - “The Tale of Princess of Kaguya".

Nói về Michael Dudok de Wit, giới mộ điệu không thể không nhắc tới hai phim hoạt hình ngắn làm nên tên tuổi của ông: “The Monk and The Fish” năm 1994 (tựa Việt: Nhà Tu và Con Cá) và “Father and Daughter" năm 2000 (tựa Việt: Cha và Con Gái).

phim rùa đỏ the red turtle
The Red Turtle. Ảnh: thescriptlab.com

Các tác phẩm của ông nổi bật nhờ lối làm phim tối giản: bảng màu đơn sắc, ít khung cảnh tỉ mỉ, cốt truyện không có sự kịch tính mà tạo cho người xem cảm giác “trôi" tự nhiên. Sự sống động được thể hiện qua hành động của nhân vật, trong khi gương mặt của họ lại ít biểu lộ cảm xúc.

Đạo diễn người Hà Lan chinh phục khán giả nhờ sự dí dỏm, hài hước rất duyên thông qua sản phẩm của mình, ông cũng đặc biệt dành ra cho người xem những khoảng không để chiêm nghiệm, suy tư. Một đặc trưng nữa là tất cả các phim của ông đều không có thoại.

Trong Rùa Đỏ, sự tĩnh lặng và dòng chảy chầm chậm của thời gian được giữ nguyên. Tuy nhiên với phim dài đầu tay này, khán giả cũng thấy được sự phá cách của Michael Dudok de Wit.

Các nhân vật trong phim có biểu cảm rõ rệt, và nét mặt họ gợi người xem nhớ đến những nhân vật trong truyện “Những cuộc phiêu lưu của Tintin” của hoạ sĩ Herge - với phong cách hội họa ligne claire. Cảnh rừng rậm, những con sóng lớn mà người đàn ông luôn đối mặt khiến người xem liên tưởng ngay đến những khung cảnh thiên nhiên trong phim hoạt hình của Ghibli, hay tranh phù thế của Nhật Bản.

rùa đỏ studio ghibli
Ảnh: IMDb

Rùa Đỏ - như trong tựa phim, là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Trong văn hoá Nhật Bản, rùa (kame) là động vật phổ biến cũng như thuộc Tứ linh của văn hoá phương Đông nói chung.

Vì tuổi thọ dài nên người Nhật gán cho loài vật này biểu tượng của sự trường thọ và uyên bác. Nhưng chính mai rùa cũng chắc chắn nên nó còn mang ý nghĩa chở che. Đỏ vừa là màu sắc biểu trưng cho lá quốc kỳ xứ sở hoa anh đào, vừa mang ý nghĩa bảo vệ con người khỏi tai ương và thảm hoạ trong quan niệm của người Nhật. Rùa đỏ vì thế mang ý nghĩa của sự chở che, của dòng đời bất tận.

Trong The Red Turtle, rùa đỏ kết nối người đàn ông với vùng đảo, mang đến chỗ nương náu, thức ăn và cả người bạn đời cho ông. Nó cho ông một cuộc sống bình yên ở hoang đảo mà đất liền không thể có được - một lối thoát tinh thần. Còn trong thân xác người phụ nữ, rùa đỏ là người nuôi nấng, yêu thương đứa con trai chung của cả hai.

Mối quan hệ giữa người đàn ông và rùa đỏ có sự chuyển biến: từ đối kháng cho đến thấu hiểu, bao dung và cuối cùng là chở che. Việc chung sống với thiên nhiên của gia đình họ không phải lúc nào cũng bình yên. Nhưng cuối cùng, họ vẫn tồn tại.

Điều này khiến khán giả nhớ về những phim trước đây của Hayao Miyazaki - khi thiên nhiên vừa bí ẩn, khốc liệt mà lại vừa chở che cho con người. Đó là cuộc đấu tranh gay gắt giữa loài người và công chúa Sói trong Princess Mononoke, cuộc phiêu lưu kỳ thú của hai chị em Setsuko cùng Totoro, hay câu chuyện “Nàng Tiên Cá trẻ con" Ponyo.

phim ghibli
Ảnh: IMDb

Ở The Red Turtle, rùa đỏ và bầy rùa hiện lên có lúc rõ ràng trên màn ảnh, có lúc lại mờ nhạt trong làn nước xanh ngắt. Trên Telegraph, Dudok de Wit chia sẻ thêm về lý do chọn rùa làm nhân vật trung tâm: sự bí ẩn, nhẹ nhàng và thụ động của loài vật này. Chúng vừa đáng sợ và cũng là sinh vật đẹp đẽ.

“Trong tiềm thức, tôi đã có cơ sở cho việc xây dựng mong muốn về nhà của nhân vật chính khi hòn đảo không phải là nhà của anh ấy. Nhưng anh không thể. Tại sao anh ta không thể? Tôi muốn một sinh vật biển ngăn chặn anh ta - một con rùa. [...] Tôi cần một sinh vật biển bí ẩn mang lại ấn tượng về sự bất tử. Rùa là loài động vật hiền hòa, không hung dữ. Rùa cũng đơn độc, biến mất vào vô tận - đây là điều tôi thấy rất quan trọng trong bộ phim này.
Có điều gì đó rất cảm động về một con rùa rời bỏ biển cả - chốn nó thuộc về, sau đó cặm cụi bò trên bãi biển, đào bới, đẻ trứng, lấp đầy hố và quay về biển. [...] Trong khoảnh khắc ấy, chúng trở nên giống con người - loài động vật có vú biết thở, có tay và chân. Và rồi chúng lại lặn mất vào biển cả và trở thành một phần của vô tận. Mọi thứ hoà quyện với nhau một cách đẹp mắt”, vị đạo diễn chia sẻ trên The Verge.

Cuộc gặp gỡ Đông - Tây đầy thú vị

Michael Dudok Wit bắt tay vào làm “Rùa đỏ" từ lời đề nghị qua email của Studio Ghibli vào tháng 11 năm 2006, và ông đã nhanh chóng gật đầu. Ông coi đây là cơ hội làm việc có một không hai trong đời mình.

michael dudok de wit
Từ trái sang: nhà sản xuất Toshio Suzuki, đạo diễn Isao Takahata và đạo diễn Michael Dudok de Wit. Ảnh: Animation World Network.

Thực chất, đạo diễn Isao Takahata khi xem phim “The Monk and the Fish” đã yêu thích câu chuyện, hoạt hoạ và khiếu hài hước của vị đạo diễn người Hà Lan, cũng như ngạc nhiên trước sự mạnh mẽ nhưng đơn giản của phim. Đạo diễn Mộ Đom Đóm cũng có ấn tượng sâu sắc với cái kết của Father and Daughter - mô tả về vòng đời và cái chết theo phong cách đậm chất Nhật Bản.

the monk and the fish
The Monk and the Fish. Ảnh: IMDb

Cả hai gặp nhau vào năm 2004 khi Michael Dudok de Wit là thành viên ban giám khảo Liên hoan phim Hiroshima và sau đó tại Liên hoan phim Seoul. Sự kết hợp giữa lối kể chuyện duyên dáng của vị đạo diễn người Hà Lan và ekip làm phim nổi tiếng Nhật Bản đã khiến bộ phim mang chất “tĩnh” độc đáo trong khung hình, nhưng vẫn sống động và duyên dáng trong mạch câu chuyện, bất kể phim không có lời thoại trong suốt 80 phút.

Tuy nhiên, cái gật đầu cũng đến từ sự ngưỡng mộ trước đó của Michael Dudok de Wit với những sản phẩm của nhà Ghibli. Trên BFI (British Film Institute - Viện phim ảnh Anh Quốc), một chuyên trang về uy tín về điện ảnh, đạo diễn Michael Dudok de Wit đề cập đến “My Neighbours the Yamadas" (1999) của Isao Takahata và Spirited Away (2001) của Hayao Miyazaki là những bộ phim ảnh hưởng đến phong cách của mình, bên cạnh “Seven Samurai" (1954) của Akira Kurosawa.

Qua đứa con tinh thần được phát hành năm 2016, Michael Dudok de Wit muốn truyền tải sự ngưỡng mộ với hoạt hình Nhật Bản cũng như mối quan hệ của người Nhật với thiên nhiên. Sự trân trọng sâu sắc với từng yếu tố của thiên nhiên dù là nhỏ nhất trong văn hoá Nhật Bản là lý do khiến ông làm bộ phim này.

Điều đặc biệt là trong suốt quá trình làm phim, Isao Takahata - bậc thầy nổi tiếng khắt khe - lại tin tưởng tuyệt đối vào vị đạo diễn người Hà Lan. Thậm chí ekip Studio Ghibli cũng là những người khích lệ Michael Dudok de Wit giữ nguyên tinh thần “phim không lời thoại" cho Rùa Đỏ.

Đây cũng là bộ phim cuối cùng mà đạo diễn Isao Takahata tham gia trong sự nghiệp làm phim của mình, với tư cách là một nhà sản xuất. Hai năm sau, ông qua đời vì ung thư phổi. Bộ phim từng là ứng cử viên nặng ký cho giải Oscar và được chọn để trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 2016 này có thể là lời từ biệt cuối cùng mà vị đạo diễn người Nhật dành cho những người đam mê điện ảnh: dòng đời cứ mãi nối tiếp, và cái đẹp vẫn luôn hiện hữu trong sự tĩnh lặng của cuộc sống hằng ngày.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU